Người chuyển giới xài thuốc “chợ đen”

Tại Việt Nam ước tính có khoảng 300.000 - 500.000 người chuyển giới. Tuy nhiên, trong khi các dịch vụ y tế cho người dân đang ngày càng được cải thiện thì đối với người chuyển giới hầu như không có. Không ít người chuyển giới tự điều trị nội tiết tố (hormone) bằng các loại thuốc mua ở “chợ đen”, gây ra nhiều hậu quả khó lường cho sức khỏe. 
Thuốc điều trị nội tiết tố dành cho người chuyển giới nữ được rao bán tràn lan trên mạng xã hội
Thuốc điều trị nội tiết tố dành cho người chuyển giới nữ được rao bán tràn lan trên mạng xã hội

Tự mua, tự điều trị 

Với đa số người chuyển giới nữ hiện nay, để có mái tóc và làn da mịn màng phải dùng đến thuốc, chủ yếu là tiêm hormone. Một số rất ít người chuyển giới có điều kiện kinh tế mới có thể ra nước ngoài hoặc tìm đến các cơ sở không hợp pháp ở nước ta để thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính. C.N.A.M. (24 tuổi, người chuyển giới nữ, ngụ tại Đồng Tháp) chia sẻ: “Trước đây em uống thuốc ngừa thai và uống thật nhiều sữa đậu nành để tăng hormone nữ. Sau này nhờ bạn bè chỉ dẫn mới biết đến việc tiêm hormone”. Cũng như M., người chuyển giới thường tìm mua thuốc điều trị tăng hormone thông qua các trang mạng. 

Bạn T.T. (22 tuổi, người chuyển giới nữ, ngụ tại TPHCM) kể: “Em có mối hàng quen ở quận 6 để mua hormone điều trị nội tiết tố. Mình mua họ giao đến. Mua xong tự tiêm, không ai hướng dẫn gì cả. Biết sẽ nguy hiểm nếu xảy ra tai biến nhưng bản thân rất ngại đến bệnh viện. Mỗi lần tiêm cũng sợ, nhưng cứ nghĩ đến việc được làm nữ, được sống như ước mơ của mình là em lại có… động lực”.

Từ T., chúng tôi chủ động đặt mua thuốc từ một bạn có nick Facebook là Jb Tép (ngụ tại quận 6). Người này quảng cáo: “Hiện có nhập về 3 loại thuốc là Sus 250 (Sustanon), Sus vàng (Sustanon vàng) và Tes Depot. Sus mua lẻ giá 140.000 đồng/lọ, mua 10 lọ giá 1,3 triệu đồng; Depot cũng vậy. Sus thì ổn hơn, chỉ khi bạn xài Sus 250 không hợp thì mới dùng Depot. Tất cả đều là hàng của Đức, kiểm tra hàng thoải mái, mua về an tâm mà tiêm”. Qua tìm hiểu, thị trường “chợ đen” còn truyền tai nhau các loại thuốc hormone dạng uống là OC-35 và Beviz. “Tiêm thì là hàng của Đức, còn uống thì hàng Thái Lan. Xách tay về hết đó, an tâm mà xài. Xài thời gian là da dẻ hồng hào như con gái. Hàng tốt nên cháy hàng suốt, anh phải đi Thái Lan 2 tuần/lần để lấy hàng đó”, T.N.G. (27 tuổi), một người chuyên bán thuốc cho người chuyển giới tại TPHCM, cho biết.

Thỏa thuận xong đơn hàng, ngày hôm sau đã có người giao hàng kèm theo lời tư vấn: “Thuốc này dạng ống nên em chỉ cần bẻ ngay khớp là có thể lấy thuốc ra sử dụng. Em có thể nhờ điều dưỡng tiêm, nếu anh tiêm thì giá 35.000 đồng/lần tiêm. Tự tiêm nếu sai cách rất dễ bị sốc phản vệ”. Tuy nhiên, khi được hỏi về bằng cấp chuyên môn để có thể tiêm thuốc cho khách hàng thì người bán hàng thừa nhận chủ yếu khách hàng đến tiêm vì tin tưởng.  

Nguy hiểm cho sức khỏe

Theo lời ông Trần Lê Minh Uyên, tình nguyện viên của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI), đại diện cộng đồng người chuyển giới nam, chia sẻ: Rất nhiều người đã tự tiêm hormone điều trị nội tiết tố. Tuy nhiên, đã có không ít người tử vong hoặc gặp phải các vấn đề sức khỏe do cách tự điều trị này”. Điển hình là T.H. (25 tuổi, người chuyển giới nữ, ngụ tại TPHCM) đã từng bị áp xe khi tiêm hormone. Chủ quan nghĩ vết thương không đáng kể, khoảng 3 ngày sau vết thương sưng to, có mủ, lúc đó H. mới đến bệnh viện chữa trị. Kết quả, vết thương lâu lành và để lại sẹo khá lớn trên cơ thể. “Mới đây ở TPHCM cũng đã có trường hợp tự tiêm hormone điều trị nội tiết tố sau đó tử vong. Đó là B.H., sau khi đi làm về người này tự tiêm cho mình thì bị sốc thuốc”, T.H. kể lại. 

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Bích Chi, Giám đốc hệ thống Phòng khám Đa khoa Duy Khang (TPHCM), cho biết: “Có rất nhiều tai biến nếu các bạn chuyển giới tự tiêm hormone. Trong đó, nghiêm trọng nhất là tai biến tắc nghẽn mạch máu, nếu không xử lý kịp thời, tiên lượng sống rất thấp”. Điều đáng quan tâm, theo Th.S Đinh Thị Thu Thủy, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), số người đã chuyển giới và có nhu cầu chuyển giới tại nước ta cao hơn rất nhiều so với số người nhiễm HIV, nhưng trong khi người nhiễm HIV có cả một luật riêng còn người chuyển giới thì chưa. Bà Thủy cũng cho biết, hiện dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính đang được soạn thảo. Cơ quan phụ trách soạn thảo thời gian qua đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ cộng đồng người chuyển giới Việt Nam. 

Trong khi đó, hiện tại nước ta chưa có hành lang pháp lý y tế bảo vệ sức khỏe người chuyển giới. Nếu Luật Chuyển đổi giới tính được thông qua cho phép việc chuyển đổi giới tính, thì song song đó cần quy định rõ hành lang pháp lý kèm theo để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe đối tượng này.

Nghiên cứu mới đây về nhóm người chuyển giới nữ sinh sống và làm việc tại TPHCM của SCDI cho thấy, 45% người chuyển giới bị từ chối việc làm, 13% kiếm sống bằng nghề mại dâm, 23% cho biết đã bị buộc phải quan hệ tình dục và 16% đề cập rằng đã bị bạo lực tình dục. Ngoài ra, 83% người được hỏi chia sẻ từng bị chế giễu vì là người chuyển giới. Thế nên, người chuyển giới cần được bảo vệ cả thể chất lẫn tinh thần bằng các quy định pháp luật.

Tin cùng chuyên mục