Người canh rừng Cà Nhông

Chúng tôi đến với rừng Cà Nhông những ngày cuối tháng 9-2017, không khỏi chạnh lòng trước cảnh rừng núi heo hút, hoang sơ.
Ông Trần Văn Ba bám trụ giữ rừng Cà Nhông
Ông Trần Văn Ba bám trụ giữ rừng Cà Nhông

“Với cái nghề này, công việc này, tôi nhiều lần bị lâm tặc mua chuộc nhưng không thành, sau đó họ quay sang đe dọa đủ thứ, nhưng với lửa trong lòng, nhiệt huyết và ý chí, tôi không bao giờ bị lung lạc chỉ vì ham một chút lợi lộc mà làm trái lương tâm, hổ thẹn với các em, đồng chí và đồng bào mình. Mấy chục năm qua tôi vẫn ngẩng cao đầu về nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên của đất nước...” - ông Trần Văn Ba, cán bộ của Trạm quản lý cửa rừng Cà Nhông, Đà Nẵng, quả quyết.

Bám trụ giữ rừng

Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa có 3 trạm quản lý bảo vệ rừng đều nằm giữa rừng sâu. Trạm gần dân nhất là Trạm Quản lý bảo vệ rừng sông Nam, cách thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, Hòa Vang, Đà Nẵng, gần 3km, xa nhất là Trạm kiểm lâm cửa rừng Cà Nhông, giáp với huyện Đông Giang, Quảng Nam.

Đoạn đường từ ngã ba thôn Láy, xã Tư, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, vào trạm Cà Nhông khoảng 10km nhưng là cực hình với các phương tiện bởi đường hẹp, dốc đá quanh co, nhiều đoạn lầy lội. Người bình thường chạy xe máy khó đủ sức vào đến nơi, chưa kể đến chuyện chở theo người hoặc mang theo đồ, hàng hóa...

Chúng tôi đến với rừng Cà Nhông những ngày cuối tháng 9-2017, không khỏi chạnh lòng trước cảnh rừng núi heo hút, hoang sơ. “Trạm nằm giữa rừng Cà Nhông, địa hình hiểm trở, vậy nên không có sóng điện thoại, đời sống văn hóa, tinh thần khó khăn. Giải trí chỉ trông chờ vào chiếc ti vi nhưng không phải kênh nào cũng xem được” - ông Trần Văn Ba trấn an khách.

Ông chia sẻ, do cảnh rừng núi hoang vu nên mỗi khi xem thời sự, thấy đưa tin nơi này bị lâm tặc phá, nơi kia bị cháy rừng... là đêm đó ông không tài nào ngủ được. Trông chờ trời sáng để huy động anh em vào rừng ngay để kiểm tra tình hình, lúc ấy ông mới yên tâm.

Ngoài nỗi lo canh cánh về công việc giữ rừng, ông còn tự đặt ra cho mình trách nhiệm động viên 4 anh em vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ. Bởi theo ông, đã chấp nhận công tác ở đây thì nhiệm vụ giữ bình yên cho những cánh rừng phải đặt lên hàng đầu. Mặc dù điều kiện sống thiếu thốn nhưng làm thế nào để anh em vượt lên hoàn cảnh, cùng chung mục tiêu giữ rừng là điều quan trọng nhất.

Với các cán bộ trẻ thì 1 tuần về nhà 1 đến 2 ngày nhưng với “thủ lĩnh” già như ông thì 10 ngày mới về 1 lần, khoảng 2 ngày lên lại. Mùa mưa đường sá đi lại khó khăn và cũng là thời điểm lâm tặc tận dụng cơ hội chặt phá rừng, nên ông và các cán bộ ở hẳn hàng tháng trời để canh giữ.

Thức ăn thì tận dụng các loại rau lang, rau muống, mướp, cải, cà, bầu bí... tự trồng. Có những buổi chiều mấy anh em ngồi lại với nhau, cũng không biết nói gì, chỉ nhìn nhau lặng lẽ. Lúc ấy cả nhóm chỉ ước có một ai đó dưới sông bắt cá về ngang qua để mà hỏi chuyện, để có tiếng cười cho vơi bớt nỗi nhớ gia đình, người thân.

Kể về hành trình vào rừng tuần tra cũng như đóng mốc ranh giới, ông Ba cho biết: “Cứ khoảng 1 đến 2 tuần chúng tôi cùng các anh em đồng bào đi tuần tra, kiểm tra lâm sản, ghi chép báo cáo. Mỗi chuyến đi như vậy phải mang theo lương thực dự trữ 2 đến 3 ngày mới về trạm. Vì rừng sâu hiểm trở nên không thể đi về trong ngày được. Những đêm dựng lều ngủ trong rừng như thế cũng rất sợ nhưng có anh em nên cũng đỡ bớt phần nào. Mặc khác tôi nghĩ, rừng rất linh thiêng, mình bảo vệ rừng nên rừng sẽ phù hộ, không có chuyện gì đâu. Dù vậy nhưng giữa rừng sâu, nhưng cơn mưa bất chợt lúc nửa đêm cũng làm anh em chúng tôi ướt sũng cả người. Có anh em về ốm mấy ngày nhưng lâu dần thành quen”.

Anh Trần Thương, công tác hơn 2 năm ở đây, chia sẻ, lương cũng khoảng 3 triệu đồng/ tháng. Với vợ con, anh cũng không thể phụ giúp gì nhiều hơn. Anh tâm sự: “Sống cùng anh Ba, tôi cũng đỡ bớt phần nào buồn tủi. Anh Ba thường xuyên động viên, quan tâm và hướng dẫn chia sẻ với chúng tôi tận tình những kinh nghiệm mà anh có được. Chúng tôi hiện có 5 người, thêm khoảng 46 cộng tác viên là người đồng bào của 2 thôn Nà Hoa và thôn Láy mà chi cục đã ký kết hợp đồng hợp tác bảo vệ rừng. Họ kết hợp với chúng tôi kiểm tra rừng, phát hiện kịp thời và nhanh chóng đề xuất xử lý các vụ việc xảy ra tại hiện trường...”.

Còn đó những âu lo...

Rừng Cà Nhông được chia thành 5 tiểu khu, với diện tích 4.746ha. Nhưng với số lượng cán bộ, nhân viên chỉ 5 người, việc tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng hết sức khó khăn. Cũng theo anh Trần Thương, những ngày lễ tết, trạm vẫn không nghỉ. Riêng với ông Ba trước tết tranh thủ về vài ngày đến khoảng 28 tết, lên lại để các thành viên khác thay nhau về nhà ăn tết với gia đình vài hôm.

“Ngày tết các anh cán bộ cũng rất chu đáo, họ mang vào đây cũng tương đối đầy đủ mọi thứ để chúng tôi đón tết. Tuy nhiên ai cũng biết đó là những ngày đoàn viên với gia đình. Nhưng nhiệm vụ giữ rừng luôn được đặt lên hàng đầu. Còn anh Ba hầu như túc trực ở đây suốt mấy ngày tết. Anh ấy nói với chúng tôi những ngày tết là những ngày lâm tặc dễ lợi dụng phá rừng lấy gỗ nhất. Hơn nữa nguy cơ cháy rừng rất cao vì rừng đã thay lá, thay lộc non, lá khô rất nhiều. Thời gian này nhất định không được sơ suất...”, anh Trần Thương tâm sự.

Ông Quách Hữu Sơn, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, cho biết: “Tôi lên đây bao nhiêu lần, lần nào mấy anh em đều vui mừng ríu rít. Lúc đầu người tôi run run đầy cảm xúc, tôi cảm động vô cùng, nhất là những anh em mới vào ngành nhìn tôi mừng rưng rưng nước mắt. Tôi thầm nghĩ giống như ngày xưa mẹ đi chợ về con ở nhà mong vậy đó. Những hình ảnh đó thấm vào trong tâm trí tôi khiến mỗi khi có kế hoạch vào rừng tôi nhất định mua đồ dùng cho các anh em và dần trở thành một nhiệm vụ mà tôi không thể nào quên...”.

Ông Trần Viết Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT thành phố Đà Nẵng, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP, cho biết: “Với anh Ba, điều mà tôi lo lắng nhất là khi anh ấy nghỉ hưu rồi thì ai sẽ thay thế đây?... Vì áp lực quản lý, bảo vệ rừng ở đây rất lớn, cán bộ, nhân viên dễ bị cám dỗ, mua chuộc... Tôi mong muốn thành phố có cơ chế đặc thù để tăng thu nhập cho họ để vượt qua được cám dỗ. Ngoài ra, cần mở đường công vụ để công tác kiểm tra, quản lý bảo vệ rừng thuận tiện hơn...”.

Giữa rừng Cà Nhông vào những ngày cuối tháng 9, khi về khuya mọi vật tĩnh lặng, tiếng nước của sông Nam, của suối chảy róc rách, tôi cảm nhận được cái lạnh của núi rừng, lạnh của tâm hồn trống vắng cộng dồn vào nỗi nhớ gia đình của các anh đang làm nhiệm vụ tại đây.

Tin cùng chuyên mục