Ngọt ngào canh hến tuổi thơ

Tháng ba, khi cây gạo đầu ngõ đỏ lửa, lũ chào mào lao xao chuyền cành làm huyên náo cả một góc trời từ sáng tinh sương, đó cũng là lúc quê tôi vào mùa cào hến. Canh hến sông Càu Chày nấu với rau khoai lang ngọt mát chính là đặc sản quê tôi.

Sau khi điểm tâm bằng rổ khoai chấm mật nóng hổi, lũ trẻ chúng tôi tíu tít rủ nhau đứa cắp rổ, đứa mang bao chạy theo các anh lớn trong xóm ra bờ sông cào hến. Mùa xuân, nước sông cạn nhưng trong veo. Tiết trời đã dần ấm lên. Bề mặt sông tỏa lên hơi nước lành lạnh nhưng không buốt, khi nhúng chân vào dòng sâu thì lại thấy ấm áp vô cùng. Vậy nên chúng tôi vừa thấy sợ lại vừa thấy thích thú. 

Chiếc cào hến được làm bằng thép cứng uốn hình trụ tròn. Đáy và thân được đan khéo léo bằng những sợi thép nhỏ tạo ra các khe hở ngót nửa phân. Người thợ làm cào phải căn chỉnh sao cho khi cào xuống đáy sông, nước và bùn có thể thoát ra dễ dàng mà vẫn giữ lại những con hến to bằng đốt tay trở lên không bị lọt mất. Càng xuống đáy cào thì khe hở càng nhỏ lại. 
Tay cầm của cào làm bằng một lóng tre khô già, thân săn chắc với hai mắt tre hai đầu để đục lỗ, đút sợi dây thừng vào mà không bị tuột. Phần đáy cào được làm bằng những sợi thép to và nặng hơn một chút, để có thể giữ thăng bằng cho chiếc cào khi kéo đi dưới đáy sông không bị lật ngửa. Dây cào là loại thừng mềm, có độ dẻo dai để không làm đau tay. Tùy theo sức quăng của người cào mà sợi dây có thể dài tầm chục mét hoặc hơn. 

Khi quăng hến, người cầm cào thường quay một vòng để lấy đà và lựa đích đến là sát bờ sông bên kia, hoặc đoạn giữa sông để chiếc cào có thể chu du một vòng đủ dài trước khi được kéo lên bờ. Mỗi một đường cào sẽ kéo theo bùn, cát, sỏi đá lẫn những chú hến nhỏ, to béo múp. Ở miền trung du, hến thường làm tổ vào mùa đông để sinh sản, nên đến mùa xuân thì đã đủ lớn, vừa ăn. Mỗi nhát cào kéo xuống sẽ lướt qua rất nhiều tổ, kéo theo những chú hến to nhất và bỏ lại những chú hến nhỏ để tiếp tục hành trình sinh sôi cho mùa sau. 

Các anh lớn, ai ai cũng say sưa với chiếc cào của mình: Kẻ quăng, người kéo không ngừng, phút chốc đã có từng đống hến được đổ lên bờ. Lũ trẻ chúng tôi xúm lại nhặt hến từ trong đống sỏi đá, rong rêu bỏ vào bao. Chúng tôi vừa làm vừa cười đùa huyên náo cả một khúc sông. 

Khi bóng hoàng hôn ập xuống, nắng dần tắt sau lũy tre phía bên kia sông, cũng là lúc anh em chúng tôi oằn lưng chở những bao hến to nặng là chiến lợi phẩm sau một ngày làm việc chăm chỉ về nhà. Khi đến đồng Bia, chúng tôi ghé lại vồng khoai lang ngắt một mớ lá tươi non nhất để mang về làm bữa canh hến ngọt mát. Rau khoai lang mùa này đang độ tươi tốt nhờ uống những giọt mưa xuân. Thằng Đông còn tranh thủ móc vội vài củ khoai non, chùi vào áo, xong bỏ vào miệng nhai rau ráu suốt dọc đường.

Đến đầu ngõ, tôi hớn hở lượm những bông gạo đỏ lựng vừa rụng xuống để mang về nhà làm những chiếc đèn lồng cho em Thơm. Mẹ ra cổng đón chúng tôi mang theo mùi khói ngạt ngào còn vương trên áo. Chị Hường nhanh nhảu nói vọng từ phía giếng: “Nếu ăn không hết, mai mẹ mang ra chợ Bản bán, rồi mua cho con cái áo đẹp mẹ nhé!”. Em Thơm chen vào: “Hứ, chị vừa có áo mới hồi tết xong mà còn đòi mua nữa à. Mẹ mua cho con kẹo kéo nhé…”. Câu chuyện cứ thế râm ran quanh sân giếng, cho đến khi nồi hến luộc được đổ ra rổ lạo xạo. Chúng tôi xúm lại giúp mẹ đãi ruột hến, bỏ ra tô để làm món hến xào thơm phức ăn với bánh tráng. Nước hến ngọt lừ được nấu cùng với rau khoai lang.

Bữa cơm tháng ba có cơm nóng, canh hến ngọt và những thức ăn cây nhà lá đậm đà tình quê. Bố khà chén rượu nhắm với hến xào và bánh đa, xoa đầu anh trai tôi, cười bảo: “Cu cả của bố vậy mà khá. Nhưng bố muốn các con giỏi hơn nữa, năm nay thi đậu vào lớp chuyên toán trường Lam Sơn ở thành phố. Đó là trường cũ của bố ngày xưa đang học dở thì xung phong đi bộ đội, đến khi xuất ngũ thì bố đã quá tuổi nên giờ vẫn chưa học xong đấy. Coi như con học thay bố. Đồng ý không?”. Anh trai tôi bật dậy, đứng thẳng người, dõng dạc:“Rõ!”. Cái Thơm nhanh nhảu: “Không, con muốn anh đi cào hến cơ, anh ấy đi học xa, còn ai bắt hến về cho con ăn!”. Cả nhà phì cười. Không khí vui tươi đầy ắp khoảng sân nhà bát ngát trăng xuân.

Chúng tôi đã đi qua những ngày tháng ba ngọt ngào như thế, cùng những bữa cơm quê ấm nồng với bát canh hến ngọt lừ - sản vật của dòng sông Càu Chày. Bây giờ, quê đã xa đằng đẵng, bố không còn nữa, chúng tôi cũng đã hoàn thành tâm niệm của người chiến binh già năm xưa và rồi bay nhảy khắp bốn phương trời. Chỉ còn lại ký ức như dòng sông êm đềm ru giấc khuya. Một tháng ba nữa lại về. Mùa hoa gạo lại thắp lửa. Thương nhớ đầy vơi…

Tin cùng chuyên mục