Ngộ độc thực phẩm giảm 26 vụ, nhưng số người chết tăng tới 12 người

Chính phủ vừa có Báo cáo số: 165/BC-CP gửi đến Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội về Kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm năm 2017. Báo cáo nêu rõ, tình hình  ngộ độc thực phẩm còn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, trong đó đặc biệt là ngộ độc methanol trong rượu; Ngộ độc tại bếp ăn tập thể khu công nghiệp trường học vẫn có xu hướng tăng và khó kiểm soát.
Cụ thể, trong năm 2017, toàn quốc ghi nhận 148 vụ ngộ độc thực phẩm với 4.087 người mắc, 3.908 người nhập viện và 24 trường hợp tử vong. So với năm 2016, số vụ giảm 26 vụ (14,9%), số mắc giảm 467 người (10,3%), số đi viện giảm 70 người (1,8%), tuy nhiên số tử vong tăng 12 người.
Nguyên nhân tử vong tăng chủ yếu là do ngộ độc methanol trong rượu (11 người), độc tố tự nhiên (10 người, do cóc, cá nóc, so biển), 3 trường hợp còn lại chưa xác định được nguyên nhân.         
Ngộ độc thực phẩm giảm 26 vụ, nhưng số người chết tăng tới 12 người ảnh 1 Một trường hợp ngộ độc rượu được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội
Tuy nhiên, đánh giá chung tình hình, Chính phủ cho biết, thông qua việc tổ chức giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) nông lâm thủy sản, xây dựng lộ trình và giải pháp giải quyết dứt điểm các vấn đề yếu kém, từ dư lượng vượt ngưỡng cho phép của thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc thú y, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cho đến kiểm soát môi trường đất, nước cho sản xuất thực phẩm an toàn, kết quả cho thấy đã có sự chuyển biến đáng kể về điều kiện đảm bảo ATTP của các cơ sở và chỉ số an toàn thực phẩm các nhóm sản phẩm chủ lực.

Đáng lưu ý, không phát hiện mẫu nào vi phạm chất cấm Salbutamol trong 8.090 mẫu nước tiểu, 1.052 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ; tỷ lệ mẫu thịt tươi vi phạm về chỉ tiêu kháng sinh chỉ là 0,63% (21/3341 mẫu, giảm mạnh so với năm 2016 là 1,76%); tỷ lệ mẫu thủy sản và sản phẩm thủy sản vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh là 0,89% (27/3.002 mẫu, giảm so với năm 2016 là 1,07%); tỷ lệ mẫu rau, củ, quả vi phạm chỉ tiêu về dư lượng thuốc BVTV là 0,6% (4/667 mẫu, giảm so với năm 2016 là 2,05%)…

Mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP tại quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn áp dụng thí điểm tại hai thành phố lớn là TPHCM và Hà Nội cũng cho thấy những tín hiệu tích cực.

Việc xử lý vi phạm nghiêm minh hơn, số tiền xử phạt tăng so với cùng kỳ năm 2015 (tại Hà Nội, số tiền xử phạt tăng 240,4%, TPHCM số tiền xử phạt tăng 212,5%), số vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn giảm so với cùng kỳ năm 2015 (tại Hà Nội không xảy ra ngộ độc thực phẩm trong thời gian thí điểm, tại TPHCM giảm 2 vụ).

Số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm sản và thủy sản nâng hạng xếp loại (từ xếp loại C lên A, B) tăng lên so với cùng kỳ năm 2015 (tại Hà Nội trước khi thí điểm có 37 cơ sở xếp loại C, sau khi thí điểm có 34 cơ sở được nâng hạng từ C lên A, B; tại TPHCM, trước thí điểm có 1 cơ sở xếp loại C, sau khi thí điểm không còn cơ sở nào xếp loại C).

Trên sơ sở các kết quả đạt được từ việc thí điểm thanh tra chuyên ngành, Chính phủ đang xem xét đề nghị của Bộ Y tế về tiếp tục thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 100% số quận/huyện, xã/phường tại 2 thành phố này, đồng thời mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 7 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai).

Tin cùng chuyên mục