Nghiêm trị tội phạm trong lĩnh vực tư pháp

Tại phiên họp sáng nay, 13-11, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) Lê Minh Trí đã gửi tới Quốc hội hai đề nghị.

 

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) Lê Minh Trí
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) Lê Minh Trí

Đó là đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành văn bản giải thích, hướng dẫn thực hiện Bộ luật Hình sự và các nghị quyết của Quốc hội; đồng thời đẩy nhanh việc sửa đổi Luật Giám định tư pháp; tạo cơ chế pháp luật mạnh hơn trong thu hồi tài sản cho Nhà nước thông qua các biện pháp tố tụng đặc biệt.

Thứ hai, quan tâm chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung một số dự án theo kế hoạch đầu tư công trung hạn cho ngành Kiểm sát giai đoạn 2016-2020.

Án dân sự, hành chính tăng

Hoạt động của các cơ quan tư pháp cơ bản bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật, tuy nhiên vẫn còn xảy ra các trường hợp vi phạm pháp luật, có trường hợp vi phạm nghiêm trọng phải truy cứu trách nhiệm hình sự trong cả lĩnh vực điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án (tội phạm khởi tố mới trong lĩnh vực này tăng 39,3% số vụ).

“Các tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, khiếu kiện hành chính tiếp tục tăng, tính chất phức tạp hơn; có những vấn đề xung đột lợi ích xã hội phát sinh mà chính sách và quy định pháp luật chưa theo kịp trong quản lý, xử lý”, ông Lê Minh Trí nhận định.  

Đặc biệt, ông Lê Minh Trí cũng chia sẻ: “Năm 2017 có đại biểu hỏi Viện trưởng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật có tiêu cực, tham nhũng không? Xin báo cáo là công tác điều tra tội phạm về xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng chức vụ trong hoạt động tư pháp của cơ quan điều tra VKSND tối cao có chuyển biến rõ nét về chất. Cụ thể, trong năm 2018, cơ quan điều tra VKSND tối cao đã phát hiện khởi tố điều tra vụ án mới tăng 39,3%, số bị can khởi tố mới tăng 126,1%; trong đó có 3 vụ án “Dùng nhục hình” dẫn đến chết người xảy ra tại cơ sở giam giữ; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng (chiếm 69,2%), tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp và tư pháp khác chiếm 30,8%. Đã ra lệnh bắt tạm giam 22 cán bộ là điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, chấp hành viên để phục vụ điều tra, truy tố. Số tiền tham ô, nhận hối lộ chiếm đoạt có vụ trên 1 tỷ đồng. Qua điều tra các vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp, cơ quan điều tra VKSND tối cao đã thu hồi hơn 6,7 tỷ đồng, đạt 55% trên tổng số tiền phải thu hồi là 12,37 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, năm 2018, ngành kiểm sát cũng còn một số hạn chế - Viện trưởng Lê Minh Trí nêu rõ. Trong đó, còn để xảy ra một số trường hợp bắt, tạm giữ về hình sự, sau phải trả tự do; một số trường hợp đình chỉ do hành vi của bị can không cấu thành tội phạm; tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương còn cao; còn để xảy ra một số bị cáo Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội; số đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa giải quyết còn nhiều, tỷ lệ giải quyết chưa đạt yêu cầu của Quốc hội đề ra.

Xử lý các trường hợp có dấu hiệu hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự 

Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2019, ngành kiểm sát tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Quốc hội; tập trung thực hiện tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm đã nêu trong Báo cáo số 158/BC-VKSTC ngày 8-10-2018 và bổ sung thêm 2 yêu cầu nhiệm vụ. Đó là tăng cường chỉ đạo phát hiện khởi tố, điều tra, truy tố các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp, góp phần xây dựng bộ máy các cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh.

Bên cạnh đó, chủ động phối hợp các ngành chức năng rà soát, phát hiện, ngăn chặn xử lý các trường hợp có dấu hiệu hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự và ngược lại. Đồng thời, tăng cường kiểm sát việc chấp hành các thủ tục tố tụng, khắc phục các vi phạm về thời hạn, giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, kéo dài.

Tin cùng chuyên mục