Nghĩ về phản ứng của taxi truyền thống

Mấy ngày gần đây, một số hãng taxi truyền thống đã có hình thức phản đối taxi công nghệ (taxi bằng hợp đồng điện tử) bằng những khẩu hiệu, vừa phản đối quyết định thí điểm của Bộ Giao thông Vận tải, vừa mang tính công kích các đối thủ cạnh tranh.
Phản ứng này có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng nhìn chung không được dư luận ủng hộ, bởi một cuộc chiến kinh tế nên được giải quyết bằng những hành vi kinh tế chứ không phải công kích, nói xấu nhau. Qua đó, cũng phần nào bộc lộ trạng thái hoạt động kinh tế của nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.
Thời gian qua số đông người tiêu dùng đã ủng hộ taxi và xe ôm thực hiện hợp đồng điện tử, chủ yếu là 2 thương hiệu Grab và Uber, bởi nhiều điều tiện lợi, như đón nhanh, thái độ nhìn chung là lịch sự, có nhiều khuyến mãi, xe tốt…, đặc biệt là giá cả “mềm” hơn taxi và xe ôm truyền thống.
Một số người hành nghề xe ôm truyền thống đã hành hung tài xế chạy Grab hay Uber, vì cho rằng mình bị “đập bể nồi cơm”; còn tài xế taxi truyền thống thì nói xấu cánh taxi công nghệ rằng giá cả của họ chỉ rẻ một chút, do không có nhiều chi phí trung gian, chứ còn lại mọi thứ không tốt hơn taxi truyền thống…
Khi một hình thức kinh doanh mới ra đời thường phải đối mặt với nhiều thử thách trong việc tìm kiếm khách hàng. Thế nên, việc doanh nghiệp vận tải công nghệ nhanh chóng chiếm được thị phần đáng kể không chỉ nhờ giá cả, mà phần đáng kể là khắc phục các nhược điểm của đối thủ cạnh tranh.
Chẳng hạn, taxi truyền thống thường “chê ỏng chê eo” các “cuốc” ngắn, hoặc nhận đón khách nhưng chạy “cà giựt”, giá cước đã cao nhưng hay có biểu hiện gian lận đồng hồ tính cước, khi thanh toán thì thường “làm tròn” thiệt cho khách, thái độ phục vụ chưa tốt, khi quên đồ dễ bị mất
Đặc biệt, các chi phí trung gian của các hãng taxi truyền thống thường khá cao, áp lực doanh thu cho tài xế là khá lớn nên dễ nảy sinh các biểu hiện tiêu cực.
Lẽ ra, khi có đối thủ cạnh tranh mới, taxi truyền thống cần phải nhanh chóng đổi mới phương thức hoạt động của mình chứ không trông đợi vào sự can thiệp của Nhà nước, vốn chỉ có thể xử lý các hoạt động trái pháp luật chứ không thể ngăn chặn các hoạt động pháp luật không cấm.
Tương tự như vậy, xe ôm truyền thống cũng nên bớt chụp giựt, tổ chức hội đoàn chặt chẽ hơn, phục vụ khách hàng tốt hơn, mạnh dạn vạch mặt các đối tượng đội lốt xe ôm…
Ở vai trò điều tiết, các cơ quan chức năng cần quyết liệt chấn chỉnh các hành vi sai trái như vi phạm quy định về cạnh tranh, trốn thuế, không bảo vệ người lao động…
Nếu ở lĩnh vực nào chưa có đủ quy định điều chỉnh thì phải nhanh chóng kiến nghị để Nhà nước ban hành các chính sách phù hợp thực tiễn và nhu cầu của xã hội.
Đồng thời, chính quyền các cấp phải bảo đảm hoạt động kinh doanh lành mạnh, đúng pháp luật, có lợi cho người dân và xã hội, hạn chế các hình thức công kích lẫn nhau.
Hơn 3 năm xuất hiện tại Việt Nam của loại hình vận tải hành khách bằng hợp đồng điện tử là thời gian đủ dài để các cơ quan chức năng hoàn thiện các cơ sở pháp lý và cơ sở kỹ thuật để quản lý loại hình này.
Đây là cơ sở quan trọng để hạn chế những vụ công kích, tấn công nhau của các đối thủ cạnh tranh, vốn không chỉ gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự mà còn tác động xấu đến môi trường hoạt động sản xuất - kinh doanh của nước ta.

Tin cùng chuyên mục