Ngành thép đối mặt với các vụ kiện thương mại

Thông tin mới nhất từ Bộ Công thương, ngành thép Việt Nam đang vấp phải nhiều khó khăn khi liên tiếp gặp phải các vụ kiện. 
Ngành thép đối mặt với các vụ kiện thương mại ảnh 1 Doanh nghiệp ngành thép Việt Nam đang đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại  Ảnh: CAO THĂNG

Điển hình, từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 8, ngành thép đối mặt với 8 vụ kiện phòng vệ thương mại và áp thuế tự vệ tạm thời từ 7 thị trường, bao gồm Thái Lan, EU, Canada, Malaysia, Mỹ, Liên minh kinh tế Á-Âu, Ấn Độ. Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận động thái này là thách thức dồn dập; đồng thời cảnh báo, ngăn ngừa tình trạng sản phẩm tạm nhập hoặc gia công ở nước ta với mục đích chủ yếu để xuất khẩu. 

Số liệu cung cấp từ Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu sắt thép các loại trong 7 tháng đầu năm 2018 đạt 3,41 triệu tấn, trị giá 2,53 tỷ USD, tăng 40,6% về lượng và tăng 56,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Riêng xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 533.000 tấn, tăng 73,6%; Malaysia 392.000 tấn, tăng 88,5%; EU (28 nước) 374.000 tấn, tăng 96,2%... Thế nhưng, những con số tăng trưởng này đang có nguy cơ tụt dốc, khi mà các vụ kiện phòng vệ thương mại diện ra dồn dập hơn. Tại một cuộc hội thảo vừa diễn ra gần đây, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), chỉ ra rằng trong số 78 vụ kiện chống bán phá giá mà Việt Nam gặp phải trong 2 năm gần đây thì có 37 vụ liên quan đến sắt thép, chiếm khoảng 50% các loại hàng hóa bị kiện. Tương tự, vụ điều tra chống trợ cấp cũng có khoảng 3/4 vụ kiện liên quan đết mặt hàng sắt thép. Rõ ràng, trong thời gian tới đây, nếu ngành thép không có các biện pháp xử lý phù hợp sẽ rất khó phát triển, ảnh hưởng đáng kể đến xuất khẩu.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nhìn nhận ngành thép đã và đang bị cạnh tranh gay gắt do nhiều nguyên nhân. Không riêng thị trường Việt Nam mà nhiều thị trường khác cũng xảy ra các vụ kiện này. Trước khi cuộc chiến thương mại trở nên căng thẳng, thì xu hướng chung ở các quốc gia phát triển là bảo hộ sản xuất trong nước. Thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương, ngành thép chiếm khoảng 30% trong số 1.500 vụ kiện phòng vệ thương mại trên thế giới và là đối tượng của các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với mức thuế suất rất cao. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực tế trên chính là doanh nghiệp chưa có sự đầu tư “dài hơi” trước khi gia nhập sân chơi chung mang tính toàn cầu, bao gồm đầu tư đa dạng thị trường, các biện pháp tài chính dự phòng, biện pháp sự dụng công cụ pháp lý…

Bổ sung thông tin nói trên, các chuyên gia cho rằng, ngành thép cần chủ động hơn nữa trong quá trình hội nhập, tự chủ nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước, gia tăng hiểu biết kiến thức pháp luật; đồng thời, tham vấn thông tin từ các cơ quan chuyên trách, hoặc các trung tâm trọng tài quốc tế có uy tín…

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Vũ Đỗ Khanh, chuyên gia tư vấn chính sách kinh tế đến từ đơn vị nghiên cứu và tư vấn chính sách The Policy Lab, Anh, khuyến cáo các doanh nghiệp cần hợp tác kịp thời với cơ quan điều tra khi xảy ra vụ kiện. Đặc biệt lưu ý khi cung cấp thông tin, doanh nghiệp phải thật cẩn thận với mỗi thông tin nhỏ đưa ra, ví dụ như trong bảng hỏi, đều sẽ được dùng làm bằng chứng trong quá trình điều tra. Doanh nghiệp cần chú ý tự tính toán biên độ phá giá (nếu có) của doanh nghiệp để có thể kịp thời đưa ra các kháng cáo thích hợp. Doanh nghiệp cũng nên tính đến phương án thăm dò thị trường khác, phòng trường hợp bị áp dụng các biện pháp trừng phạt khi bị kết luận bán phá giá.

Tin cùng chuyên mục