Ngành giải trí và văn hóa Hàn Quốc bội thu

Ngành dịch vụ giải trí và văn hóa của Hàn Quốc tiếp tục “ăn nên làm ra” khi đạt thặng dư 42,7 triệu USD trong tháng 8, mức cao nhất kể từ sau mức thặng dư kỷ lục 55 triệu USD hồi tháng 4 năm ngoái.

Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK), mức tăng này chủ yếu nhờ nguồn thu từ hoạt động xuất khẩu chương trình giải trí và văn hóa trong tháng 8 đạt 81,8 triệu USD, chỉ sau mức 95,9 triệu USD hồi tháng 6-2016. 

Trong 8 tháng đầu năm nay, ngành dịch vụ giải trí và văn hóa của Hàn Quốc đạt thặng dư lũy kế là 235 triệu USD, bằng 63% mức thặng dư kỷ lục trước đó là 372,3 triệu USD trong 8 tháng đầu năm 2016.

Con số thống kê này cho thấy ngành công nghiệp giải trí văn hóa Hàn Quốc đã có bước phục hồi mạnh mẽ sau khi chịu nhiều ảnh hưởng từ lệnh cấm làn sóng Hallyu (làn sóng Hàn Quốc) của Trung Quốc từ tháng 12-2016.

Lệnh cấm là động thái cứng rắn của Trung Quốc nhằm đáp trả lại quyết định của Chính phủ Hàn Quốc cho phép Mỹ triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ tầm cao THAAD. Trước khi bị dỡ bỏ vào tháng 11 năm ngoái, lệnh cấm đã gây ảnh hưởng trực tiếp ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc khi các công ty giải trí vốn đã luôn xem Trung Quốc là một thị trường màu mỡ cần phải đầu tư.

Hàng loạt bộ phim hợp tác Trung - Hàn buộc phải “đắp chiếu”, sự xuất hiện của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng Hàn Quốc trên sóng truyền hình Trung Quốc dần bị hạn chế tối đa và tiếp đó là bị “cấm cửa”. Ngành du lịch Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng nặng, đặc biệt là đảo Jeju.

Du lịch ở hòn đảo này đã thu được 1,58 tỷ USD năm 2016, 1/3 nguồn thu trong số đó đến từ các nhà hàng - khách sạn thường xuyên đón khách Trung Quốc. Để giảm bớt thiệt hại, Chính phủ Hàn Quốc liên tục đẩy mạnh kế hoạch quảng bá văn hóa và du lịch sang thị trường khác, trong đó có thị trường Đông Nam Á vốn rất yêu thích nền văn hóa xứ kim chi.

Bên cạnh đó, nhờ kinh nghiệm trong chiến lược phát triển và xuất khẩu văn hóa một cách bài bản và chuyên nghiệp, trong nhiều năm qua, Hàn Quốc còn tận dụng triệt để cơ hội tổ chức Olympic Pyeongchang 2018 để thu hút khách du lịch thông qua các chương trình nhiều ưu đãi.

Song song với các hoạt động này, ngành giải trí Hàn Quốc cũng có nhiều chuyển biến mới để phù hợp với thị hiếu của khán giả quốc tế. Nhờ đó, doanh thu từ phát hành phim, phát hành đĩa nhạc, các buổi biểu diễn âm nhạc K-pop ở thị trường nước ngoài liên tục gia tăng.

Đặc biệt, nhờ làn sóng mang tên ban nhạc BTS, K-pop đã có chỗ đứng trong làng nhạc thế giới, sau nhiều năm chưa chinh phục được khán giả phương Tây. Tạp chí Time của Mỹ đã đưa nhận xét tích cực về nhóm nhạc Hàn Quốc này, rằng: điểm độc đáo ở BTS là đã chinh phục khán giả phương Tây thông qua ngôn ngữ âm nhạc không phải tiếng Anh.

Ngành giải trí và văn hóa Hàn Quốc bội thu ảnh 1 Nhóm nhạc BTS biểu diễn  tại chương trình Jimmy Kimmel Live 
ở Los Angeles, California, Mỹ 
Liên tục xuất hiện trong tốp đầu ở bảng xếp hạng âm nhạc Billboard, nhóm BTS còn đạt thành tích bán hết vé trong thời gian ngắn, lấp đầy một sân vận động tại Mỹ với số lượng người hâm mộ đông đảo. Đây cũng là nhóm nhạc đi vào lịch sử Hàn Quốc khi lần đầu tiên tham gia phát biểu tại trụ sở Liên hiệp quốc trong tháng 9 vừa qua.

Vừa qua, nhóm nhạc BTS đã được Chính phủ Hàn Quốc trao tặng Huân chương Văn hóa Hwagwan do có nhiều đóng góp trong việc truyền bá làn sóng Hallyu và ngôn ngữ Hàn Quốc.

Tin cùng chuyên mục