Ngành dầu khí phải trở lại là động lực phát triển

Chiều 11-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN).

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự hội nghị Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự hội nghị Ảnh: TTXVN

Theo báo cáo của PVN, năm 2018, sản lượng khai thác dầu đạt gần 14 triệu tấn (trong đó, sản lượng dầu khai thác trong nước khoảng 11,3 triệu tấn), giảm so với mức trên 15 triệu tấn của năm 2017. Năm 2018, tổng doanh thu của Tập đoàn PVN đạt hơn 626.000 tỷ đồng, tăng 26%, nộp ngân sách trên 121.000 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2017. Năm 2019, PVN đặt mục tiêu khai thác dầu thô trên 12,3 triệu tấn, sản xuất xăng dầu hơn 10 triệu tấn.

Biểu dương kết quả đạt được của Tập đoàn PVN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Từ tấn dầu thô đầu tiên được khai thác vào năm 1986, Việt Nam đã chính thức gia nhập các nước sản xuất dầu khí trên thế giới và ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam đã trở thành một ngành kinh tế trọng điểm của Nhà nước. Đến nay, chúng ta có cơ ngơi, sự nghiệp với khối tài sản trên 10 tỷ USD”. Thủ tướng cho rằng, PVN không được thành kiến các sai phạm, mà phải quyết chí, quyết tâm vượt qua thách thức, khó khăn, xứng đáng là đơn vị anh hùng trong thời kỳ đổi mới, phải có khát vọng một tương lai hùng cường trở lại với ngành dầu khí. Thủ tướng yêu cầu ngành dầu khí phải trở lại là động lực phát triển, tiếp tục phải là tập đoàn dầu khí, tập đoàn kinh tế hùng mạnh hàng đầu của đất nước, sánh vai với các đối tác trong khu vực và trên thế giới. Nhấn mạnh ngành dầu khí là ngành kinh tế đặc biệt thực hiện chiến lược biển, Thủ tướng nêu rõ, đất nước cần sự đóng góp của PVN, do đó, tập đoàn cần tính toán lại các chỉ tiêu sản lượng dầu khí, đạm, các sản phẩm khác của ngành dầu, tính lại doanh thu, nộp ngân sách… có mức phấn đấu cao hơn.

Từ chỗ không có dầu khí, đến nay công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí đã xác định được Việt Nam có trữ lượng dầu khí tới trên 1,4 tỷ tấn quy dầu và đã nghiên cứu, đánh giá tiềm năng còn lại là 1,6 - 2,8 tỷ tấn quy dầu, đủ khả năng cân đối bền vững cho hoạt động khai thác, bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước trong những thập niên tới. Ngành dầu khí Việt Nam hiện bảo đảm cung cấp khí làm nhiên, nguyên liệu để sản xuất khoảng 35% sản lượng điện quốc gia, 70% thị phần phân bón và 64% thị phần khí hóa lỏng phục vụ các ngành công nghiệp và dân dụng cả nước.

Tin cùng chuyên mục