Ngành công an, y tế phối hợp, siết chặt an ninh bệnh viện

Ngày 23-1, tại Hà Nội, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) đã ký kết quy chế phối hợp trong công tác bảo đảm an ninh trật tự tại các cơ sở khám chữa bệnh.


Theo đó, Cục Quản lý khám chữa bệnh sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các bệnh viện chủ động phối hợp với cơ quan công an thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chương trình quốc gia phòng chống tội phạm; hướng dẫn cho toàn thể cán bộ, nhân viên y tế tham gia phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật khác góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm bảo vệ tài sản, tính mạng, sức khỏe và danh dự của nhân viên y tế; chủ động thông báo cho Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, công an cấp huyện, cấp xã và chính quyền địa phương tình hình an ninh trật tự tại các cơ sở khám chữa bệnh. Khi xảy ra vụ việc có tính chất khẩn cấp, phức tạp về an ninh trật tự tại cơ sở khám chữa bệnh, thông báo ngay cho lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh qua số điện thoại khẩn cấp 113 và số điện thoại đường dây nóng của công an địa phương để được ngăn chặn, giải quyết kịp thời.

Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội các cấp thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý và giải quyết ban đầu các vụ, việc liên quan đến an ninh trật tự báo đến số điện thoại khẩn cấp 113 và số điện thoại đường dây nóng của công an địa phương; bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát thường xuyên bảo đảm an ninh, trật tự; tăng cường cho các cơ sở khám chữa bệnh là bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thuộc trung ương, các tỉnh, thành phố và quận, huyện, thị xã.

Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, gần đây tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là một số bệnh viện lớn xuất hiện tình trạng bất ổn về an ninh trật tự. Phần lớn đối tượng bị tấn công là các bác sĩ (khoảng 70%) và điều dưỡng (khoảng 15%). Có tới 90% vụ bạo lực xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân và 60% xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho bệnh nhân, người nhà.

Tin cùng chuyên mục