Ngăn nguy cơ cháy nổ ở khu dân cư

Bó gọn, thay mới hệ thống dây điện xuống cấp; trang bị bình chữa cháy cho mỗi hộ dân; nâng cao nghiệp vụ cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại chỗ; nâng cấp hệ thống cấp nước chữa cháy, lắp đặt thêm trụ lấy nước cứu hỏa… là những giải pháp PCCC mang tính sáng tạo, căn cơ mà chính quyền, ngành PCCC các cấp ở TPHCM đã và đang triển khai quyết liệt tại các khu dân cư (KDC) có nguy cơ cháy nổ cao. 
Lắp đặt thêm trụ nước chữa cháy tại các KDC có nguy cơ cháy nổ cao
Lắp đặt thêm trụ nước chữa cháy tại các KDC có nguy cơ cháy nổ cao
Giúp dân phòng cháy

3 năm trước, hai khu phố 5, 6 (phường 1, quận 3) là KDC có nguy cơ cháy nổ cao tại TPHCM với hàng ngàn căn nhà lụp xụp nằm san sát. Trong các con hẻm, hệ thống dây điện cũ kỹ, xuống cấp giăng mắc chằng chịt; nhiều hộ dân mang bếp gas, bàn ghế ra bày gần hết hẻm để mở quán bán thức ăn… Cách vài tháng, trong KDC lại xảy ra hỏa hoạn, có nhà bị cháy rụi hết tài sản. Trước thực tế trên, từ năm 2013, Cảnh sát PCCC TPHCM, UBND quận 3, Tổng công ty Điện lực TPHCM đã mở đợt tổng kiểm tra các vi phạm về an toàn cháy nổ tại hai khu phố trên. 

“Trong số các nguy cơ tiềm ẩn về cháy nổ ở đây, vi phạm trong sử dụng điện là mối nguy hiểm lớn nhất, dễ dẫn đến cháy nổ nhất. Hầu hết hệ thống điện sinh hoạt ở các chung cư, dãy nhà trong KDC đều hình thành hơn 20 năm trước và đã xuống cấp nặng. Xác định như vậy nên những năm qua, địa phương đã huy động đoàn viên thanh niên trên địa bàn phối hợp với Tổng công ty Điện lực TP, Phòng Cảnh sát PCCC quận 3 tổ chức sửa chữa, thay mới dây dẫn điện, thiết bị điện trong các con hẻm. Thấy chính quyền, ngành chức năng dốc sức phòng cháy, cư dân ở đây cũng ủng hộ, người góp tiền mua thiết bị điện thay mới, hộ tự tháo lắp các phần mái nhà cơi nới để tránh cháy lan khi sự cố xảy ra”, đại diện UBND phường 1, quận 3 cho biết. 

Nhờ thực hiện quyết liệt các giải pháp PCCC, đến nay các hành vi dễ dẫn đến cháy nổ như tự ý câu mắc điện, các hộ kinh doanh sử dụng bếp lò khè… ở hai khu phố 5, 6 không còn tồn tại. Theo Cảnh sát PCCC TPHCM, so với 3 năm trước, hiện nguy cơ cháy nổ ở hai khu phố nói trên đã được kéo giảm đến 80%. Nhiều năm qua không xảy ra cháy lan, cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng.  

Ở khu phố 14 (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân), một số trong số hàng chục KDC có nguy cơ cháy nổ cao trước đây, nay cũng đã chuyển hóa rõ rệt. Hơn 300 căn nhà xây cất theo kiểu trại gia binh (tồn tại từ năm 1958) bằng những vật liệu dễ cháy như ván ép, tôn mục, gỗ… nay đã được nâng cấp, thay mới. Mỗi nhà dân trong khu phố đều tự trang bị bình CO2 để kịp thời dập tắt lửa khi hỏa hoạn xảy ra. Khu phố còn được trang bị 3 giếng bơm cục bộ, 3 máy bơm chữa cháy, 15 vòi chữa cháy, 6 bình chữa cháy loại bột 8kg. Lực lượng PCCC tại chỗ luôn túc trực ở khu phố để nhắc nhở người dân chấp hành các quy định về an toàn cháy nổ, đồng thời tổ chức chữa cháy kịp thời sự cố xảy ra. 

Tiếp tục triển khai nhiều giải pháp


Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM, cho biết tại các KDC có nguy cơ cháy nổ trước đây, nay đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đó là kết quả không chỉ của ngành PCCC mà còn có vai trò của chính quyền các cấp, ngành điện và tuổi trẻ thành phố… Theo Đại tá Bửu, điều đáng mừng nhất là ý thức trong các công tác PCCC, chấp hành các quy định về an toàn cháy nổ trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân ở các KDC tăng lên. “Tuy nói vậy nhưng không phải nguy cơ cháy ở KDC không còn. Thực tế đây đó vẫn tồn tại nhiều lỗi vi phạm. Do đó, với vai trò là đơn vị chủ lực, Cảnh sát PCCC TP luôn yêu cầu các đơn vị trực thuộc không được chủ quan, luôn sâu sát địa bàn; thực hiện tốt các giải pháp phòng cháy, trong đó chú trọng tuyên truyền kiến thức phòng cháy cho người dân; kịp thời nhắc nhở, xử lý khi phát hiện trường hợp vi phạm”, Đại tá Bửu nói. 

Phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Thạnh cho biết, để chuyển hóa KDC cháy nổ cao ở hẻm 194 Phạm Văn Hân, phường 17 (quận Bình Thạnh), ngoài việc kiểm tra, nhắc nhở, xử lý vi phạm, đơn vị này đã và đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức làm gọn hệ thống “mạng nhện” dây điện, cáp viễn thông trong các tuyến hẻm. Ngoài ra, đơn vị cũng kiến nghị UBND phường phối hợp với các tổ chức đoàn thể vận động mỗi hộ dân tự trang bị bình chữa cháy. Mỗi tháng tổ chức ít nhất 1 lần nói chuyện, tuyên truyền, phân tích các hành vi thường mắc phải trong việc sử dụng điện và sinh hoạt của người dân. 

Đối với khu phố 14 (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân), dù đến nay đã có nhiều chuyển hóa tích cực trong công tác PCCC, nhưng theo Phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Tân, đây vẫn là khu vực nhạy cảm với cháy nổ. Do đó, đơn vị này đề xuất UBND quận Bình Tân quy hoạch xây dựng toàn bộ phần diện tích KDC khu phố 14 (phường Bình Trị Đông) thành khu chung cư để triệt tiêu nguy cơ cháy nổ tại đây. 

Tin cùng chuyên mục