Ngân hàng tập trung đẩy vốn dịp cuối năm

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định tăng trưởng tín dụng năm 2018 không nhất thiết phải đạt được mục tiêu đặt ra là 17%, nhưng hiện dư địa để tăng tín dụng vẫn còn. Một số ngân hàng có nhu cầu tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, nông nghiệp nông thôn… vừa được NHNN xem xét nới trần cho vay để phục vụ mùa kinh doanh cuối năm. 
VPBank vừa được nới room tín dụng từ 15% lên 17% nhằm phục vụ vốn kinh doanh mùa cao điểm cuối năm. Ảnh: HUY ANH
VPBank vừa được nới room tín dụng từ 15% lên 17% nhằm phục vụ vốn kinh doanh mùa cao điểm cuối năm. Ảnh: HUY ANH

Điều kiện để được nới room tín dụng 

Tính đến tháng 11, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng ở mức 12%, thấp hơn khá nhiều so với mức tăng cùng kỳ và còn thấp so với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2018 là 17%. Mặc dù vậy, trước biểu hiện áp lực lạm phát, NHNN vẫn kiểm soát hạn mức tăng trưởng tín dụng, ngay cả khi vừa hết quý 2-2018, nhiều ngân hàng đã sử dụng hết room tín dụng được giao từ đầu năm ở mức 14% - 16%. Do nhu cầu vốn của các doanh nghiệp (DN) luôn tăng cao vào thời điểm cuối năm, nên từ đầu quý 4 các ngân hàng đã xin nới room tín dụng để không bỏ lỡ cơ hội bứt tốc trong mùa kinh doanh cuối năm, nhưng cơ quan quản lý vẫn rất cứng rắn trong việc kiểm soát tín dụng. Đến cuối tháng 10, chỉ duy nhất Techcombank được NHNN nới room tín dụng từ 14% lên 20%, do ngân hàng này quản lý tốt nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu thấp, vốn điều lệ cao. Theo đó, Techcombank có thêm 6.000 - 8.000 tỷ đồng để cho vay trong tháng cuối năm và mùa kinh doanh trong dịp Tết Nguyên đán. 

Mới đây, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của DN và thị trường, thêm một số ngân hàng nữa cũng đã nhận được cái gật đầu nới trần cho vay của NHNN, vì có những điều kiện tốt hơn so với mặt bằng chung trong hệ thống. Cụ thể, MBBank vừa được nới room tín dụng 15% lên 20%, VPBank được tăng từ 15% lên 17%. 

Theo một chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, một trong những nguyên nhân giúp một số ngân hàng được nới room cho vay là do áp lực về lạm phát đã giảm bớt khi giá dầu suy giảm thời gian gần đây. Theo NHNN, lạm phát tăng bình quân 3,59% trong 11 tháng năm 2018, cho thấy dấu hiệu tích cực trong việc đảm bảo mục tiêu lạm phát dưới 4% mà Chính phủ đề ra từ đầu năm. Lãi suất được duy trì ở mức thấp, tỷ giá và thị trường vàng được duy trì ổn định, giúp tháo gỡ các khó khăn cho hoạt động của DN, đặc biệt là khu vực tư nhân. Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cũng cho biết đang chờ room tín dụng mới của năm 2019 để đẩy mạnh giải ngân vốn, đáp ứng nhu cầu khách hàng trong dịp cao điểm. Tuy nhiên, theo ý kiến của một lãnh đạo NHNN thì cơ quan này sẽ không nới room cho tất cả các ngân hàng mà chỉ có các ngân hàng hoạt động lành mạnh, tỷ lệ nợ xấu thấp, lợi nhuận cao, có khả năng tài chính, không có sai phạm thì mới có cơ hội được NHNN xem xét để nới room tín dụng.

Tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh

Vào khoảng nửa cuối tháng 12, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết tăng trưởng tín dụng năm nay được kiểm soát chặt chẽ dưới 16% nhưng ưu tiên tập trung vào các ngành sản xuất, kinh doanh, chế biến chế tạo. Với tốc độ trên, dự kiến tăng trưởng tín dụng 2018 sẽ thấp hơn đáng kể so với chỉ tiêu định hướng đưa ra đầu năm (17%). Nhiều ngân hàng thương mại cũng cho biết, trong bối cảnh nợ xấu còn tiềm ẩn nên các ngân hàng đều đặt kế hoạch giữ tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp trong năm, đồng thời quản lý chặt việc tăng trưởng tín dụng mới, để đảm bảo chất lượng tín dụng. Tuy nhiên, dù khẳng định không muốn đẩy tín dụng tăng trưởng “nóng”, nhưng các ngân hàng cũng cho biết sẽ tranh thủ đẩy vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là 5 lĩnh vực ưu tiên. 

Thực tế cho thấy, vào thời điểm kinh doanh vốn sôi động của ngành ngân hàng, đặc biệt là 1 - 2 tháng trước Tết Nguyên đán, các ngân hàng cũng đã tung ra hàng loạt gói tín dụng ưu đãi lãi suất dành cho các DN. Cụ thể, MBBank đang có gói ưu đãi 2.500 tỷ đồng từ nay đến hết năm 2018 dành cho nhiều lĩnh vực, trong đó có vay phục vụ sản xuất, kinh doanh với lãi suất từ 7%/năm. OCB cũng cho biết đang tập trung mạnh vốn ngắn hạn cho vay DN vừa và nhỏ. Sacombank cũng dành hơn 34 tỷ đồng ưu đãi khách hàng cá nhân dịp tết. 

Còn theo lãnh đạo VPBank, cuối năm là thời điểm các DN vừa và nhỏ rất cần sự tiếp sức để đạt các chỉ tiêu sản xuất và kinh doanh của cả năm, nên VPBank đã xây dựng chuỗi chương trình ưu đãi trên các sản phẩm nổi bật từ nguồn vốn, quản lý dòng tiền, đến giải pháp đầu tư tài chính cho khối DN này. Cụ thể, ngoài việc phê duyệt nguồn vốn tín chấp và thế chấp siêu linh hoạt, giải ngân trong 24 giờ làm việc, VPBank còn tạo điều kiện để các DN này vay vốn không cần tài sản thế chấp hạn mức lên tới 500 triệu đồng (đối với các DN có khoản chi lương nhân viên từ 250 triệu đồng/tháng). Ngoài ra, các DN xuất nhập khẩu sẽ được ưu đãi cấp vốn thế chấp với mức lãi suất từ 6%/năm và ưu đãi phí chuyển tiền quốc tế (TTR), phí/hỗ trợ phát hành thư tín dụng nhập khẩu (LC), bảo lãnh thuế, miễn phí nộp thuế hải quan điện tử… 

Tin cùng chuyên mục