Ngân hàng nội có hấp dẫn nhà đầu tư ngoại?

Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đang tích cực kêu gọi nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng. 
Ngân hàng SCB đang trong quá trình thương thảo với đối tác ngoại để bán trên 50% cổ phần. Ảnh: HUY ANH
Ngân hàng SCB đang trong quá trình thương thảo với đối tác ngoại để bán trên 50% cổ phần. Ảnh: HUY ANH
Hiện trong số 3 ngân hàng mua lại 0 đồng, có một ngân hàng đã được nhà đầu tư nước ngoài mua, một ngân hàng đang được 2 nhà đầu tư nước ngoài có ý định mua.
Đã mở cửa cho nhà đầu tư ngoại
Trọng tâm của đề án Tái cơ cấu ngành ngân hàng trong năm 2017 là xử lý dứt điểm 3 ngân hàng mua lại 0 đồng (CBBank, Ocean Bank, GPBank), ngân hàng kiểm soát Dong A Bank và ngân hàng đang tái cơ cấu là Sài Gòn Thương tín (Sacombank). Việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém đang đối mặt với nhiều khó khăn, mà mấu chốt vẫn là cần một nguồn lực tài chính để xử lý dứt điểm nợ xấu và vướng mắc trong việc tái cơ cấu. Do vậy, Chính phủ và NHNN thời gian qua đã tích cực kêu gọi nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế. 
Tại cuộc họp báo về kết quả điều hành chính sách tiền tệ và tình hình hoạt động hệ thống ngân hàng 6 tháng đầu năm 2017, lãnh đạo NHNN cho biết, trong số 3 ngân hàng mua lại 0 đồng, một ngân hàng đã có nhà đầu tư nước ngoài mua, một ngân hàng đang có một số nhà đầu tư mong muốn được sở hữu, trong đó có 2 nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù chưa tiết lộ danh tính nhà đầu tư ngoại nào, nhưng thông tin có được từ các nguồn xác nhận Ocean Bank đã được một đối tác nước ngoài trong khu vực châu Á mua, hiện đang trong quá trình làm thủ tục và dần đi đến hồi kết. Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) đang có 3 nhà đầu tư “ngắm nghía”, trong đó có một định chế tài chính nước ngoài cùng một công ty quản lý đầu tư và phát triển bất động sản. 
Theo các chuyên gia, việc Chính phủ và NHNN mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào tái cơ cấu ngân hàng là xu hướng tất yếu. Để xử lý các ngân hàng yếu kém, cần một nguồn lực tài chính lớn và phải là “tiền tươi, thóc thật” mới có thể mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, các nhà đầu tư trong nước thường có nguồn lực hạn chế. Hoặc, những DN có nguồn lực lớn sau khi tham gia góp vốn có thể biến các ngân hàng thành sân sau để tạo ra các nhóm lợi ích chi phối thị trường, gây khó tách bạch sở hữu, cản trở quá trình giám sát, tái cơ cấu ngân hàng như đã từng xảy ra, hiện vẫn đang phải xử lý. Trong khi đó, các tổ chức quốc tế không những có nguồn lực tài chính mạnh mà còn có khả năng quản trị, kinh nghiệm điều hành và công nghệ mới, nên sẽ giúp các ngân hàng tái cơ cấu có thể hồi phục nhanh hơn. Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh: “Nợ xấu là vấn đề được nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm và quá trình tái cấu trúc, xử lý nợ xấu chính là cơ hội tốt để các nhà đầu tư ngoại mua lại ngân hàng Việt. Vấn đề là Chính phủ và NHNN có chính sách hỗ trợ gì cho các nhà đầu tư trong vấn đề xử lý nợ xấu để thu hút được nguồn lực này hay không?”. 
Nới room là vấn đề cấp thiết
Trước khi được NHNN mua lại 0 đồng, GPBank cũng đã đàm phán với Ngân hàng UOB (Singapore) để bán 100% vốn nhưng bất thành. Các chuyên gia cho rằng, trong tình hình Việt Nam đang cần thu hút nguồn vốn để tái cấu trúc và nâng cao sức cạnh tranh cho hệ thống ngân hàng, thì việc nới thêm room cho nhà đầu tư nước ngoài là vấn đề cấp thiết để hút dòng vốn này. Việc nới room cho khối ngoại sẽ tăng sức hấp dẫn cho cổ phiếu  ngân hàng, vì nhà đầu tư có thể tham gia vận hành, quản lý, thay đổi quản trị doanh nghiệp. Bên cạnh đó, dòng vốn ngoại vào ngân hàng Việt sẽ kích thích xử lý nợ xấu, nâng tỷ lệ an toàn vốn và đẩy mạnh quá trình áp dụng Basel II.
Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, từ những năm 2006-2007, nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu làn sóng mua cổ phần để trở thành nhà đầu tư chiến lược tại các ngân hàng nội địa. Tuy nhiên, theo quy định, giới hạn sở hữu cao nhất các tổ chức nước ngoài có thể nắm giữ tại một ngân hàng Việt là 30% và mức cổ phần cao nhất một ngân hàng nước ngoài có thể mua để trở thành nhà đầu tư chiến lược là 20% - chưa đủ để ngân hàng nước ngoài có thể chạm tay vào các quyết định điều hành của ngân hàng trong nước. Do vậy, nguồn vốn ngoại tiếp cận với các ngân hàng Việt cũng bị hạn chế. Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến việc đầu tư vào hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, kể cả những ngân hàng nhỏ nhưng có văn hóa quản lý tốt và nợ xấu ở mức chấp nhận được. Thế nhưng, điều họ phân vân nhất chính là room, và kỳ vọng tối thiểu của họ là phải đạt 51%. “Với tỷ lệ sở hữu vốn như hiện nay thì việc nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà đầu tư vào ngân hàng nội địa cũng là điều dễ hiểu. Đặc biệt là đối với những ngân hàng yếu, có nợ xấu lớn và đòi hỏi phải thay đổi căn bản phương thức quản lý, hệ thống quản trị rủi ro, nhất là rủi ro tín dụng”, ông Nghĩa nói. 
Cũng theo ông Nghĩa, không riêng ngân hàng nhỏ, ngay cả những ngân hàng lớn, ngân hàng có vốn nhà nước cũng cần dòng vốn bổ sung từ bên ngoài để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu và khả năng chống đỡ rủi ro trong trường hợp có những cú sốc tài chính quốc tế. Và những ngân hàng lớn này chỉ có thể trông cậy vào dòng vốn ngoại. “Có thể quy định room cho nhà đầu tư nước ngoài với các mức như sau: cho phép được sở hữu 30% đối với ngân hàng thương mại khá, 51% đối với ngân hàng trung bình và thậm chí 100% đối với những ngân hàng yếu kém thực sự”, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa đề nghị. 
Liên quan đến việc thoái vốn của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam thời gian gần đây (như: Ngân hàng CommonWealth Bank of Australia (CBA) vừa chuyển giao toàn bộ hoạt động kinh doanh của chi nhánh tại TPHCM cho Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB); HSBC thoái vốn tại Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank); Ngân hàng ANZ Việt Nam đã bán toàn bộ mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam cho Ngân hàng Shinhan Việt Nam…), theo các chuyên gia trong ngành, đây là dấu hiệu cho thấy thị trường Việt Nam đã giảm hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư ngoại.

Tin cùng chuyên mục