Ngân hàng Nhà nước đã nhận được hàng trăm báo cáo về giao dịch khả nghi

Tính đến ngày 15-4-2018, Ngân hàng Nhà nước đã nhận được 239 báo cáo giao dịch đáng ngờ và đã chuyển giao thông tin cho cơ quan có thẩm quyền 41 vụ việc liên quan đến 110 báo cáo.

Nội dung này được nêu trong Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước về kết quả thực hiện các vấn đề đã cam kết tại phiên chất vấn ở kỳ họp cuối năm 2017 của Quốc hội.

Theo Báo cáo, một trong những vấn đề mà Thống đốc đã cam kết là phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước để kiểm tra phát hiện và xử lý các vi phạm, hạn chế các trường hợp chuyển tiền bất hợp pháp qua các trung gian.

Thực hiện cam kết này, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về phòng chống rửa tiền, trong đó đặc biệt là Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật “Thông tư 13/2014/TT-NHNN đã hướng dẫn đầy đủ và cụ thể các biện pháp phòng, chống rửa tiền cũng như giúp các tổ chức hạn chế tối đa những rủi ro rửa tiền có thể xảy ra”, bản Báo cáo nhận định và cho biết, NHNN đã có quy định yêu cầu các tổ chức tài chính thu thập bổ sung thông tin về mức thu nhập trung bình hàng tháng trong vòng ít nhất 3 tháng gần nhất của khách hàng cá nhân có rủi ro cao và phải cập nhật thông tin khách hàng định kỳ ít nhất 1 lần/năm.

Đối với giao dịch chuyển tiền điện tử, NHNN đã quy định một cách cụ thể về mức giá trị của các giao dịch phải báo cáo Cục Phòng, chống rửa tiền. Cụ thể, các tổ chức tài chính được phép thực hiện dịch vụ thanh toán trong nước và quốc tế phải báo cáo từng giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước có mức giá trị từ 500 triệu đồng trở lên hoặc ngoại tệ có giá trị tương đương và giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế ra vào Việt Nam có giá trị từ 1 triệu USD trở lên hoặc bằng ngoại tệ khác có giá trị tương đương. Công tác kiểm toán nội bộ về phòng, chống rửa tiền phải được tổ chức tài chính, tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan triển khai hàng năm. Định kỳ đào tạo, bồi dưỡng cho các cán bộ, nhân viên chuyên trách hoặc bán chuyên trách phòng, chống rửa tiền và cán bộ, nhân viên có liên quan về nghiệp vụ phòng, chống rửa tiền…

Người đứng đầu NHNN khẳng định, NHNN đang tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong nước trong việc chuyển giao thông tin, hồ sơ vụ việc, cảnh báo tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân những vấn đề nảy sinh liên quan đến rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Đáng lưu ý, tính đến ngày 15-4-2018, Ngân hàng Nhà nước đã nhận được 239 báo cáo giao dịch đáng ngờ và đã chuyển giao thông tin cho cơ quan có thẩm quyền 41 vụ việc liên quan đến 110 báo cáo. Nhận 51 văn bản và đã xử lý 46/51 văn bản từ các cơ quan có thẩm quyền đề nghị rà soát, cung cấp thông tin liên quan tới bị can, bị cáo hoặc đối tượng trong các vụ án.

Hiện Ngân hàng Nhà nước đang chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành hoạt động đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố để xác định các mức độ rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố ở các lĩnh vực, ngành, nghề có liên quan, từ đó kiến nghị các giải pháp phù hợp để khắc phục những rủi ro được xác định.

Tin cùng chuyên mục