Ngăn chặn nguy cơ thất thoát tài sản qua định giá

Ngày 21-8, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) và Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc phối hợp tổ chức hội thảo xác định giá trị doanh nghiệp (DN) trước khi cổ phần hóa (CPH) và vai trò của KTNN.
Vốn nhà nước tăng thêm 8.400 tỷ đồng từ định giá lại
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VI, qua kiểm toán 8 DNNN được các tổ chức tư vấn xác định theo phương pháp tài sản, KTNN đã kiến nghị điều chỉnh tăng thêm vốn nhà nước hơn 8.400 tỷ đồng. Trong đó, Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn chênh lệch số kiểm toán và số báo cáo là hơn 4.500 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam 2.000 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Dầu Việt Nam hơn 500 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam hơn 260 tỷ đồng…
Ngoài ra, trong số 8 đơn vị nêu trên, có 2 đơn vị (Tổng công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist và Công ty TNHH MTV Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam) đủ điều kiện áp dụng định giá theo phương pháp dòng tiền chiết khấu nhưng đơn vị tư vấn chỉ xác định giá trị DN theo phương pháp tài sản. KTNN xác định giá trị DN theo phương pháp dòng tiền chiết khấu thì giá trị DN tăng so với phương pháp tài sản hơn 15.600 tỷ đồng. KTNN không kiến nghị điều chỉnh giá trị DN mà kiến nghị cơ quan có thẩm quyền lưu ý khi thẩm định và phê duyệt trước khi chính thức công bố giá trị DN.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, những hạn chế của việc thực hiện xác định giá trị DN nằm ở chỗ: tính đầy đủ, hợp lý của giá trị DN được các tổ chức tư vấn định giá xác định còn hạn chế và còn rủi ro; còn nhiều sai sót trong định giá và xử lý tài chính; một số tài sản chưa được định giá hoặc đã định giá nhưng chưa đủ cơ sở để xác nhận… 
TS Lưu Trường Kháng, Phó Kiểm toán trưởng, KTNN chuyên ngành V, cho rằng, hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến công tác xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện CPH vẫn còn nhiều vướng mắc. Đó là chưa có quy định yêu cầu phải xác định giá trị thị trường của tài sản tương đương và tỷ lệ còn lại của tài sản để làm cơ sở so sánh với giá trị thị trường và tỷ lệ còn lại do tổ chức tư vấn định giá đưa ra. Điều đó dẫn đến có trường hợp giá trị tính vào giá trị DN CPH bị đánh giá thấp hơn so với giá trị thị trường của tài sản. Bên cạnh đó, chưa có quy định, cơ chế xác định lợi thế quyền thuê đất vào giá trị DN CPH đối với diện tích đất DN CPH được Nhà nước cho thuê trả tiền hàng năm, trong khi đó, nhiều DN CPH đang quản lý, sử dụng quỹ đất thuê trả tiền hàng năm là các diện tích “đất vàng” đối với thị trường bất động sản. Do đó, nhiều trường hợp dù kinh doanh thua lỗ, mất hết vốn nhà nước nhưng đang quản lý, sử dụng quỹ đất thuê trả tiền hàng năm này đang là đối tượng thôn tính DN của các DN khác… 
Minh bạch hóa, chống tham nhũng, thất thoát 
TS Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, đề nghị, để bịt các lỗ hổng về định giá DNNN khi CPH cần có cơ chế khuyến khích việc sử dụng kết hợp nhiều cách tiếp cận với nhiều phương pháp xác định giá khác nhau để xác định giá trị DN. Cần thiết quy định khi xác định giá trị DN phải áp dụng ít nhất 2 phương pháp (một phương pháp chính và một phương pháp có tính chất kiểm tra, đối chiếu). Trong số ít nhất 2 phương pháp áp dụng bắt buộc phải áp dụng phương pháp tài sản, coi kết quả xác định giá từ phương pháp này như là giá DN tối thiểu (giá sàn). Theo TS Nguyễn Ngọc Tuấn, vẫn có không ít chuyên gia có lợi ích cá nhân, không vượt qua được cám dỗ để làm sai lệch. Hệ thống các công ty thẩm định giá có những công ty không lấy chất lượng để cạnh tranh mà chạy theo lợi ích không đúng, bóp méo việc thẩm định giá. Điều này cần phải khắc phục và KTNN cũng cần tăng cường kiểm toán kết quả định giá để ngăn ngừa những sai sót, hạn chế trong thẩm định giá DN khi CPH.
Về vấn đề định giá DN, PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ, trong một tầm rộng hơn, cần thấy rằng, trong hệ thống thị trường, việc có những thước đo đúng (giá cả) là điều kiện tiên quyết để quá trình chuyển đổi sở hữu diễn ra thuận lợi. Thế nhưng, thời gian qua, các thị trường, nhất là các thị trường nguồn lực đầu vào (đất đai, tài sản DN, vốn, lao động…) rất chậm chuyển sang hoạt động đầy đủ theo nguyên tắc thị trường. Đó là lý do để quá trình CPH bị các cá nhân “am hiểu kinh tế thị trường” lợi dụng và trục lợi. Cũng theo chuyên gia này, trong vấn đề thẩm định giá thời gian qua cần phải làm rõ có lợi ích nhóm trong việc định giá thấp hay không và cần quy trách nhiệm, chế tài với việc định giá phải rõ ràng, bởi nếu không, khả năng thất thoát, “tù tội” là rất cao.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của KTNN với việc kiểm toán kết quả định giá, theo TS Hồ Đức Phớc, Tổng KTNN, Luật KTNN năm 2015 quy định: “KTNN có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”. Như vậy, KTNN có vai trò không thể thiếu trong việc kiểm tra, kiểm soát quá trình CPH DNNN, trong đó đặc biệt là việc xác nhận, kết luận về giá trị DN trước khi CPH một cách khách quan, minh bạch, bảo đảm nguồn lực quốc gia không bị thất thoát cũng như quyền lợi của các bên liên quan. Tuy nhiên, kiểm toán kết quả định giá DNNN không chỉ dừng lại ở việc xác định tăng giá trị thực tế vốn nhà nước, kiến nghị xử lý tài chính mà quan trọng hơn là KTNN đánh giá thực trạng, các tồn tại bất cập đang diễn ra để kịp thời kiến nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét, chỉnh sửa, bổ sung cơ chế chính sách hiện hành nhằm minh bạch hóa, góp phần phòng chống tham nhũng, thất thoát tài sản công trong quá trình thực hiện CPH DNNN, đẩy nhanh tiến trình CPH DNNN. 
“Trong bối cảnh Chính phủ đang quyết tâm đẩy nhanh tiến độ CPH DNNN, đặc biệt là số các DN còn lại đa phần có quy mô về tài sản rất lớn, nguy cơ của việc thất thoát tiền và tài sản nhà nước trong quá trình xác định giá trị DN càng trở lên hiện hữu. Để đảm bảo cho quá trình CPH DNNN diễn ra một cách minh bạch, công bằng, tránh thất thoát nguồn lực nhà nước, cần làm rõ vai trò của KTNN cũng như sử dụng kết quả của KTNN trong quá trình CPH”, TS Hồ Đức Phớc nói.

Tin cùng chuyên mục