Ngăn chặn đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài

Đánh bắt hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài không những bị thu giữ hoặc phá hủy phương tiện, thuyền viên bị bắt phạt tù, mà còn ảnh hưởng đến tình hình ngoại giao với các nước bạn, đẩy các hàng trăm doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu hải sản vào thế khó.
Cá vận chuyển lên bờ ở cảng cá Phước Tỉnh (Bà Rịa - Vũng Tàu)
Cá vận chuyển lên bờ ở cảng cá Phước Tỉnh (Bà Rịa - Vũng Tàu)

Việc ngăn chặn tình trạng đánh bắt hải sản trái phép là vấn đề cấp thiết, đòi hỏi phải có sự phối hợp của nhiều ngành, cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương. 

Các vụ vi phạm gia tăng

Là một trong những ngư trường trọng điểm của phía Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu có số lượng tàu bè đánh bắt hải sản thuộc tốp đầu cả nước. Tính đến tháng 12-2017, toàn tỉnh có 6.282 tàu bè hoạt động các nghề như lưới vây, lưới rê, lưới kéo, dịch vụ hậu cần thủy sản và các nghề có chọn lọc khác. Trong đó, số tàu đánh bắt xa bờ chiếm 49%.

Giai đoạn 2010 - 2015, số phương tiện, thuyền viên của tỉnh bị nước ngoài bắt giảm mạnh và được Bộ NN-PTNT đánh giá là một trong những tỉnh đi đầu trong công tác ngăn chặn đánh bắt thủy hải sản trái phép có tính bền vững. Cụ thể, năm 2010 có 66 chiếc tàu với 444 thuyền viên bị bắt giữ, nhưng các năm tiếp theo, số tàu thuyền và số thuyền viên bị bắt chỉ còn hơn 1/3. Tuy nhiên, gần 2 năm trở lại đây, tình trạng tàu cá của tỉnh đánh bắt thủy hải sản trái phép lại có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Năm 2016, số tàu bị bắt đã tăng lên gấp đôi năm 2015, còn số thuyền viên tăng lên gấp 3 lần. Năm 2017, số vi phạm tiếp tục tăng lên gấp rưỡi so với năm 2016, tập trung ở các địa bàn như xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền), TP Vũng Tàu và huyện Xuyên Mộc. Đa số tàu cá bị nước ngoài bắt giữ là hoạt động nghề lưới kéo - loại phương tiện không hiệu quả, khai thác mang tính hủy diệt trên vùng biển nước ta. 

Một thuyền viên ở TP Vũng Tàu từng tham gia đánh bắt hải sản trái phép trên vùng biển Indonesia bị cảnh sát nước này bắt giữ hơn một tháng cho biết, mới đi chuyến đầu hơn một tháng, về được chia 35 triệu đồng, chuyến thứ hai thì bị bắt. Theo anh này, nguyên nhân mà các chủ tàu cá không ngại bị đánh chìm ghe vì khai thác thủy sản trên vùng biển nước ngoài mang lại lợi nhuận lớn hơn nhiều do khai thác ngư trường trong nước. 

Một chủ tàu cá tại xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền) cũng thừa nhận: Biết là có thể bị bắt, thậm chí bị sử dụng vũ lực nhưng nếu không ra biển nước ngoài đánh bắt thì sau mỗi chuyến tàu về không có tiền công trả cho thuyền viên. Vì lợi nhuận mỗi chuyến có thể cả tỷ đồng nên nhiều tàu thuyền vẫn bất chấp nguy hiểm để làm. 

Ngoài ra, một nguyên nhân hết sức quan trọng dẫn đến việc đánh bắt hải sản trái phép thời gian qua là chế tài xử phạt và việc áp dụng chế tài đối với tàu cá và ngư dân vi phạm chưa đủ sức răn đe, chưa đủ mạnh. Công tác quản lý cũng còn gặp khó khăn do lực lượng chức năng trên biển, vùng biển giáp ranh còn hạn chế, việc phối hợp chưa chặt chẽ, nhiều tàu không gắn định vị và không cập nhật vị trí đánh bắt, né tránh khai báo khi bị bắt.

Cần chế tài mạnh

Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 689/CT-TTg và các Công điện 1329/CĐ-TTg và Công điện số 732/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thực hiện nhiều nhóm giải pháp, đặc biệt, tại các địa phương có lượng tàu cá bị bắt giữ nhiều. Không cấp giấy phép khai thác thủy sản, không cho đóng mới đối với chủ tàu có tàu cá tái phạm, tàu cá bị bắt giữ chuộc, thả hoặc trốn về nước; tạm dừng chuyển quyền sở hữu và tước quyền giấy phép khai thác thủy sản từ 6 tháng đến 1 năm đối với tàu cá vi phạm lần đầu; đình chỉ vĩnh viễn đối với tàu cá tái phạm, chủ tàu không được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Tỉnh đang triển khai kế hoạch chuyển đổi nghề lưới kéo và khai thác ven bờ kết hợp với triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân theo Nghị định 67 của Chính phủ. Lộ trình từ nay đến 2020 cơ bản không còn nghề lưới kéo trên địa bàn tỉnh. Tỉnh không phát triển tàu vỏ gỗ trong thời gian tới (kể cả mua tàu vỏ gỗ ngoài tỉnh), chỉ được đóng mới tàu vỏ gỗ thay thế tàu cũ; tập trung đầu tư tàu vỏ thép, tàu composite có công suất lớn, hiện đại, tham gia đánh bắt xa bờ; bắt buộc tàu đánh bắt xa bờ phải lắp thiết bị giám sát hành trình để kiểm soát và kịp thời phát hiện phương tiện xâm phạm vùng biển các nước, xử lý nghiêm đối với trường hợp cố tình tắt thiết bị thông tin liên lạc. “Sở cũng đang tham mưu cho tỉnh ra nghị quyết để các ngành chức năng cùng vào cuộc, phối hợp giải quyết chứ không chỉ riêng ngành nông nghiệp như hiện nay”, ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết.

Tin cùng chuyên mục