Nga: Báo động chảy máu chất xám

Nga: Báo động chảy máu chất xám

(SGGP).- Sau nhiều năm làm việc tại các trường đại học Mỹ, nhà khoa học Nga Andrei Sarychev đã quay trở về quê hương để tiếp tục việc nghiên cứu khi đã bước sang tuổi 60. Ông Sarychev không phải là người duy nhất mà chỉ là một trong số rất nhiều nhà khoa học Nga đã rời đất nước trong những năm qua.

Cơn sốt “chảy máu chất xám” tại Nga đã bùng nổ vào cuối thập niên 90 khi từng nhóm chuyên gia tìm cách ra đi. Làn sóng các nhà khoa học Nga đến làm việc tại nước ngoài đã gia tăng nhanh chóng trong khoảng thời gian từ năm 1987 cho đến năm 2002, lên đến hơn 20.000 người.

Các nhà toán học, di truyền học và công nghệ sinh học là những người đầu tiên rời quê hương. Theo ước tính, tổng số người tham gia các công trình nghiên cứu khoa học ở Nga đã giảm một nửa từ năm 1990-2002.

Trong bối cảnh suy thoái toàn cầu vẫn đang đe dọa đến nền kinh tế Nga như hiện nay, nước này có thể đối mặt với làn sóng “chảy máu chất xám” mới ra nước ngoài. Đây là lời cảnh báo của Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Nga (RAN) Alexander Nekipelov. Dù hiện tượng “chảy máu chất xám” có suy giảm sau thời kỳ cải cách kinh tế năm 1987 song nước Nga hiện vẫn phải đương đầu với không ít khó khăn trong việc giữ chân tầng lớp trí thức.

Nhiều nhà khoa học Nga đã chọn nước ngoài là nơi làm việc và nghiên cứu

Nhiều nhà khoa học Nga đã chọn nước ngoài là nơi làm việc và nghiên cứu

Viện sĩ Nekipelov nhấn mạnh một số nước như Mỹ và Đức đã thực thi các biện pháp chống khủng hoảng, trong đó có việc đầu tư những khoản tiền khổng lồ cho khoa học nhằm làm thay đổi về chất diện mạo nền kinh tế. Những nước này sẵn sàng bỏ tiền ra “mua” những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc tại các trường đại học của Nga.

Bởi Nga là một trong những nước đào tạo các chuyên gia khoa học rất tốt nên nhiều quốc gia phương Tây đã ưu tiên nhận các nhà khoa học đến từ Nga. Việc tiếp nhận những nhà khoa học Nga đã giúp các nước tiếp nhận tiết kiêïm hơn 200.000 USD chi phí đào tạo mỗi người. Các nhà vật lý, toán học và sinh học có thể tìm việc tại các trường đại học Mỹ mà không gặp khó khăn gì lớn. Do đó, nguy cơ “chảy máu chất xám” đang là việc có thật ở Nga.

Theo Viện sĩ Nekipelov, ngân sách dự kiến chi cho RAN năm 2010 là khoảng 1,3 tỷ USD. Trong khi đó, tiền lương đã chiếm khoảng 70% chi phí của RAN. Ông Nekipelov cũng cho biết, nếu nguồn tài chính tiếp tục bị cắt giảm, trong năm tới, RAN buộc phải cắt giảm chi phí cho các công trình nghiên cứu cơ bản và một số chương trình mục tiêu, cũng như tạm ngưng việc tái trang bị cho các viện nghiên cứu khoa học.

Điều đáng báo động hiện nay là phân tích các số liệu thống kê cho thấy, tình trạng “chảy máu chất xám” khiến Nga thiệt hại hơn 30 tỷ USD/năm. Trước tình trạng này, cả Chính phủ cùng Bộ Giáo dục và Khoa học Nga tin rằng cần phải đưa ra một hệ thống khuyến khích hiệu quả để thu hút các chuyên gia trẻ tuổi vào lĩnh vực khoa học.

Chính phủ của Tổng thống Medvedev tuyên bố đang có kế hoạch hỗ trợ kinh phí cho hàng ngàn nhà nghiên cứu trẻ tuổi và sinh viên mới ra trường, bên cạnh đó là việc đưa ra những chính sách ưu đãi nhằm kêu gọi những nhà khoa học Nga quay trở về nước phục vụ cho quê nhà.

PHƯƠNG NAM (Theo The National, Reuters)

Tin cùng chuyên mục