Nên quy định cụ thể tiêu chí hàng Việt

Sau 1 năm trao đổi với các bộ ngành hữu quan về cơ sở pháp lý cũng như hình thức văn bản, vừa qua Bộ Công thương đã hoàn thành dự thảo thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam. Dự thảo thông tư có 4 chương, 37 điều. 

Theo nhận định của các chuyên gia và một số hiệp hội ngành nghề tại TPHCM, dự thảo quy định khá cụ thể cách xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam mà các quy định trước đó chưa rõ ràng.

Cụ thể, Nghị định 43 và Nghị định 31 của Chính phủ quy định về ghi nhãn hàng hóa, chỉ quy định về ghi nhãn hàng hóa đối với hàng nhập khẩu và xuất khẩu, quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa.

Nhưng 2 nghị định trên vẫn có nhược điểm là chưa quy định rõ ràng cho hàng hóa sản xuất trong nước và lưu thông trong nước. Dự thảo có hướng dẫn cụ thể với 5 cách ghi nhãn hàng hóa, như sản phẩm của Việt Nam hoặc sản phẩm Việt Nam, hàng hóa của Việt Nam hoặc hàng Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam hoặc Việt Nam sản xuất, chế tạo tại Việt Nam hoặc Việt Nam chế tạo…

Ngoài ra, dự thảo cũng hướng dẫn các phương pháp xác định xuất xứ chủ yếu của thế giới, như xuất xứ thuần túy (WO), hàm lượng giá trị khu vực (RVC) hay chuyển đổi mã sản phẩm theo hệ thống hài hòa mô tả và mã hàng hóa (hệ thống HS) của Tổ chức Hải quan thế giới được quy định khá rõ ràng. 

Do vậy, với dự thảo thông tư mới này, về tổng thể đã tạm khắc phục những thiếu sót hiện hữu, Tuy nhiên, để tránh trường hợp mỗi nơi hiểu một cách khác nhau, vẫn còn một số điểm trong dự thảo cần làm rõ.

Chẳng hạn, tại Điều 10, Chương 3 quy định các sản phẩm gia công, chế biến đơn giản, hàng hóa không có xuất xứ Việt Nam, nếu chỉ trải qua một hoặc kết hợp nhiều công đoạn thì không được coi là hàng hóa của Việt Nam.

Nhưng dự thảo thông tư lại không quy định trường hợp này thì sẽ ghi xuất xứ hàng hóa của ai? Ví dụ, một tivi được lắp ráp tại Việt Nam với nhiều vật liệu, linh kiện từ các nước khác nhau, nhưng không được ghi xuất xứ Việt Nam vì chỉ lắp ráp đơn giản, trong trường hợp này phải ghi xuất xứ như thế nào cho phù hợp?

Nên chăng, trong quá trình cấu thành sản phẩm, nếu linh kiện nào có giá trị cao hoặc sử dụng nhiều chi tiết sản phẩm sẽ được ghi xuất xứ của nước đó… 

Liên quan đến vấn đề này, cũng có ý kiến trái chiều cho rằng hội nhập là để tối thiểu hóa chi phí hoạt động sản xuất ra sản phẩm nên các doanh nghiệp (DN) có thể tổ chức sản xuất trên toàn cầu. Vấn đề đặt ra là nên định vị chúng ta đang đứng ở đâu trong chuỗi sản xuất, chứ xuất xứ được hiểu là sản xuất nhiều ở trong nước thì không còn phù hợp.

Điều quan trọng hơn cả và để thắng trong quá trình hội nhập cũng như tận dụng tốt nhất các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã ký kết thì chúng ta cần có những sản phẩm xuất khẩu được thiết kế bởi chính Việt Nam, tức phải có sản phẩm “Made by Vietnam” chứ không phải những sản phẩm xuất khẩu “Made in Vietnam”.

Hai vấn đề này hoàn toàn khác nhau và giá trị mang lại cũng rất khác biệt cho nền kinh tế. Nếu chúng ta cứ mãi xuất khẩu những sản phẩm “Made in Vietnam” sẽ không có nhiều giá trị.

Trở lại với dự thảo thông tư, các DN có cùng quan điểm, đến thời điểm này, Bộ Công thương mới có quy định việc ghi nhãn hàng hóa đối với sản phẩm sản xuất trong nước là khá muộn so với thực tiễn.

Do vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành chức năng, đồng hành tiến hành lấy ý kiến đóng góp từ các hiệp hội ngành hàng và DN để hoàn thành dự thảo trình Chính phủ phê duyệt và ban hành trong thời gian sớm nhất để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như các DN làm ăn chân chính.

Đây cũng là cách để chúng ta hạn chế tình trạng các DN lợi dụng những khoảng trống của luật pháp để trục lợi.

Tin cùng chuyên mục