Nên khống chế dân số TPHCM ở mức nào?


TPHCM đang nghiên cứu điều chỉnh đồ án quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010. 
Dân cư hình thành tại khu Nam thành phố Ảnh: Thành Trí
Dân cư hình thành tại khu Nam thành phố Ảnh: Thành Trí

Việc làm này vừa thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị (5 năm xem xét, rà soát lại quy hoạch chung) vừa để phù hợp với điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng TPHCM vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và cũng là để thành phố xem xét, cân nhắc lại những vấn đề còn chưa phù hợp với thực tế. Trên tinh thần lắng nghe ý kiến đóng góp từ các chuyên gia của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM - đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì rà soát lại quy hoạch,  phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Hoàng Minh Trí (nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng TPHCM, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM) về nội dung này.

Khó “phân vai” lại các hướng phát triển

PHÓNG VIÊN: Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010, hướng Nam và Đông sẽ là hướng phát triển chính của TPHCM. Hai hướng còn lại Bắc và Tây sẽ là hướng phụ. Thưa ông, có nên “phân vai” lại các hướng phát triển, nhất là khi biến đổi khí hậu (BĐKH) đang ảnh hưởng nặng nề đến TPHCM nói chung và khu Nam nói riêng

Ông Hoàng Minh Trí: Từ thực tế triển khai tổ chức thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM được duyệt năm 2010, theo tôi, sẽ rất khó điều chỉnh các hướng chính và phụ này vì thời gian qua, thành phố đã cơ bản xây dựng gần xong nhiều khu chức năng chủ yếu cho các hướng chính và phụ. Cụ thể: Về hướng chính phía Đông, từ lâu thành phố đã tập trung đầu tư phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm, cũng là trung tâm mới của thành phố để bổ sung các chức năng mà khu trung tâm hiện hữu  là quận 1, quận 3 và một phần quận 4, quận Bình Thạnh còn thiếu hoặc không còn điều kiện phát triển. Hay gần đây, thành phố cũng có chủ trương tiếp tục đầu tư phát triển Khu Đô thị khoa học trên cơ sở Khu Công nghệ cao ở quận 9, Khu Đại học Quốc gia TPHCM ở quận Thủ Đức làm hạt nhân để phát triển thành khu đô thị khoa học thông minh, sáng tạo… Và hàng loạt hệ thống công trình hạ tầng giao thông kết nối 2 trung tâm cũ - mới với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đã được xây dựng. 

Về hướng chính phía Nam, ngoài khu trung tâm cấp thành phố (Khu A) tại Khu đô thị Nam Sài Gòn, gần đây thành phố đang triển khai đầu tư dự án lấn biển Cần Giờ với quy mô hàng ngàn hécta đất và mặt biển. Trong khi đó, các hướng phụ chủ yếu phát triển những khu đô thị nhỏ và vừa để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân là chính.

Theo ông, dân số TPHCM nên ở mức nào và tại sao lại là mức đó?

Trong điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM được phê duyệt năm 2010, dự báo đến năm 2025, TPHCM có dân số 10 triệu người và 2,5 triệu dân vãng lai (kể cả tạm trú dưới 6 tháng). Dự báo này căn cứ vào quỹ đất của thành phố dành cho phát triển đô thị chia cho số diện tích bình quân trên đầu người (đã tính đặc trưng khác nhau của 3 khu vực: 12 quận nội thành hiện hữu, 7 quận mới phát triển và 5 huyện ngoại thành). Như vậy mỗi người dân thành phố sẽ có một diện tích đất để phát triển đô thị, gồm diện tích đất ở, diện tích đất công trình phúc lợi công cộng (y tế, giáo dục, văn hóa), diện tích đất cho cây xanh, diện tích đất hệ thống hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cấp điện, cấp - thoát nước, xử lý chất thải…). Nếu tiếp tục khống chế mức tăng dân số như vậy, theo tôi mới đảm bảo cho thành phố phát triển văn minh, hiện đại, bền vững và đảm bảo người dân có được chất lượng sống tốt cả về vật chất lẫn tinh thần. 

Công tác thích ứng với BĐKH chưa được đề cập nhiều trong đồ án quy hoạch chung xây dựng TPHCM được phê duyệt năm 2010. Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, lần điều chỉnh quy hoạch này sẽ đưa vấn đề BĐKH vào nghiên cứu sâu. Theo ông, nên đề cập như thế nào và đặc biệt nên có sự tương thích với công tác thích ứng với BĐKH trong đồ án quy hoạch xây dựng Vùng TPHCM vừa được phê duyệt ra sao?

Trong thời kỳ quy hoạch chung xây dựng TPHCM được phê duyệt năm 2010, đã có kịch bản BĐKH do Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra. Do vậy, công tác dự báo về BĐKH đã được đề cập trong quy hoạch này, nhưng chỉ là chưa rõ nét. Lúc đó, các nhà quy hoạch về chuẩn bị đất xây dựng (cốt nền) diễn giải chưa rõ ý về thích ứng với BĐKH khi thuyết trình, mà chỉ tập trung giải thích về điều kiện địa chất thủy văn của từng khu vực nhằm đưa ra mô hình phát triển đô thị thích hợp. Lần điều chỉnh quy hoạch này, theo tôi phải đặt vấn đề thích ứng với BĐKH vào trọng tâm nghiên cứu, đặc biệt trong các phương án quy hoạch thoát nước và chuẩn bị đất xây dựng. 

Và tất nhiên, việc này cũng phải phù hợp với công tác thích ứng BĐKH của điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng TPHCM vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tiếp tục mô hình “tập trung - đa cực”

 Theo nhiều chuyên gia, thời gian qua, TPHCM đã lập được nhiều đồ án quy hoạch tốt nhưng do thiếu chế tài, thiếu các quy định chặt chẽ về việc phải tuân thủ quy hoạch được duyệt nên khi thực thi trên thực tế, nhiều quy hoạch đã bị… biến dạng. Lần điều chỉnh quy hoạch này, theo ông, có đặt vấn đề khắc phục các bất cập đó không? Cụ thể ra sao?

 Việc triển khai thực hiện quy hoạch chung muốn đúng với quyết định phê duyệt của Thủ tướng, rất cần có những quy định cụ thể, chi tiết về việc điều chỉnh quy hoạch để tránh làm biến dạng quy hoạch “gốc” (Thủ tướng phê duyệt). Tôi cho rằng, với Luật Quy hoạch đô thị (có tích hợp các quy hoạch ngành) mới được ban hành và có hiệu lực vào năm 2019, Bộ Xây dựng nên nghiên cứu để ban hành thông tư hướng dẫn và có các điều khoản quy định để khắc phục được các bất cập trong quá trình triển khai thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung. 

 Thưa ông, công tác bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị nên được đặt ra như thế nào?

 Công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị là quá trình cùng song song tồn tại với phát triển đô thị, nên sẽ có những thuận lợi và khó khăn nhất định để giữ được bản sắc đô thị hay còn gọi là “hồn đô thị”. Trong điều chỉnh quy hoạch lần này, theo tôi không chỉ chú trọng bảo tồn những công trình cụ thể, đơn lẻ mà phải thêm cả những khoảng không gian với nhiều công trình hay bảo tồn những tuyến đường có nhiều công trình có giá trị lịch sử, kiến trúc, văn hóa.

 TPHCM có nên tiếp tục theo đuổi nguyên tắc phát triển đô thị theo hướng “tập trung - đa cực” với mục tiêu phát triển thành phố “Có chất lượng sống tốt - văn minh - hiện đại - nghĩa tình”?  

 Cho đến nay, thành phố vẫn chưa thực hiện được hoàn chỉnh nguyên tắc “tập trung - đa cực”. Nói về “tập trung” thì Khu đô thị mới Thủ Thiêm về cơ bản vẫn chưa hình thành khu vực trung tâm của khu đô thị mới (khu 770ha đã được Thủ tướng phê duyệt). Nói về “đa cực” thì tại quy hoạch chung xây dựng TPHCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010 có xác định 4 hướng của thành phố sẽ có các trung tâm cấp thành phố với các chức năng hành chính, y tế, giáo dục, văn hóa nhằm giải áp lực lên trung tâm hiện hữu đang quá tải. Kiểm điểm lại, đến nay chỉ mới hình thành một khu ở phía Nam thành phố (Khu A) còn lại các hướng Đông, Bắc và Tây, chưa hình thành được như mục tiêu đặt ra. Chính vì vậy, đến nay khu trung tâm hiện hữu vẫn còn đang phải chịu một áp lực quá tải rất lớn. Theo tôi, trong điều chỉnh quy hoạch chung lần này, TPHCM vẫn nên theo đuổi mô hình “tập trung - đa cực”, nhưng phải có giải pháp thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn.

Tin cùng chuyên mục