Nâng vị thế khoa học xã hội

Ngày 16-1, ĐH Quốc gia TPHCM phối hợp cùng Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn tại Việt Nam”. Thông tin tại đây nêu bật vai trò của khoa học tự nhiên và khoa học xã hội (KHXH) - là 2 lĩnh vực nền móng, đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững của một quốc gia. KHXH nghiên cứu các quy luật hình thành và phát triển của xã hội con người, của mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội. Vì vậy, KHXH hiện nay càng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và tiến bộ của mỗi quốc gia.

KHXH bao gồm một loạt vấn đề khoa học về kinh tế học, khoa học chính trị, xã hội học, lịch sử, khảo cổ, nhân chủng học, luật, nghệ thuật… So với khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, KHXH cung cấp cái nhìn sâu sắc về khoa học được hoạt động và đổi mới như thế nào, thực chất đó là khoa học của khoa học, hình thành và phát triển cùng với sự phát triển của xã hội loài người. Khi xã hội ngày càng phát triển, con người ta càng quan tâm đến phát triển bền vững. Và, KHXH hiện nay giữ 3 trụ cột quan trọng cho sự phát triển bền vững là: môi trường bền vững, xã hội bền vững, kinh tế bền vững.

Nhìn lại Việt Nam với hơn 30 năm thực hiện đường lối kinh tế đổi mới đã cho thấy rõ đóng góp quan trọng của KHXH. Vị thế chính trị và kinh tế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được củng cố và khẳng định thông qua các chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước. Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội lần thứ XII cũng ghi rõ: “KHXH và nhân văn góp phần quan trọng trong việc cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; khẳng định lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc, bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, bảo tồn các giá trị và bản sắc văn hóa Việt Nam”.  

Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế những hạn chế, những yếu kém, thậm chí phản đối những bao biện cho rằng KHXH có những đặc thù nên dù lực lượng khoa học nhiều nhưng công bố quốc tế lại rất ít, nếu không muốn nói là đứng chót bảng so với các lĩnh vực khác.

Chúng ta có gần 400 tạp chí nhưng chưa có tạp chí nào vào danh mục các tạp chí thuộc cơ sở dữ liệu của thế giới như ISI hoặc SCOPUS. Thống kê công bố quốc tế của lĩnh vực KHXH thật đáng buồn: Trong giai đoạn 2013-2018, Việt Nam có 487 bài báo trong danh mục ISI (đứng sau Singapore, Malaysia, Thái Lan); Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam với 34 viện nghiên cứu, 7 trung tâm khoa học, hơn 700 cán bộ có học hàm giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học, tiến sĩ, thạc sĩ thuộc lĩnh vực KHXH nhưng công bố chỉ có 22 bài ISI (giai đoạn 2011-2015); Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) với 380 giảng viên (112 giáo sư, phó giáo sư, 133 tiến sĩ, 147 thạc sĩ) nhưng chỉ có 79 bài ISI (từ 2010-2018); trong giai đoạn từ 2014-2018 trong 25 lĩnh vực khoa học có công bố nhiều nhất thì KHXH không có trong tốp này… Chừng ấy con số cũng đủ để chúng ta thấy sự nhỏ bé của của KHXH trên trường quốc tế.

 Trong khi đó, hiện nay nhu cầu của nước ngoài muốn tìm hiểu về Việt Nam rất lớn. Từ ngày đất nước đổi mới đến nay, nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài đã thực hiện nhiều chuyến đi và có những công bố, nghiên cứu về Việt Nam rất có giá trị trên các tạp chí quốc tế. Ngược lại, nhiều tạp chí KHXH và nhân văn của ta dù đã tăng về số lượng nhưng lại có xu hướng xuống cấp về chất lượng chuyên môn lẫn cách thức tiếp cận thế giới nên không còn thu hút được cộng đồng học thuật bên ngoài. Những công bố quốc tế chủ yếu do các nghiên cứu sinh Việt Nam và người Việt Nam ở nước ngoài thực hiện. Trong nhiều thập niên chúng ta không quan tâm, xem nhẹ các công bố quốc tế nên số lượng công bố quốc tế về KHXH và nhân văn rất còi cọc…

GS-TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng, chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế, mổ xẻ những hạn chế yếu kém để mở đường cho KHXH ngày càng phát triển để tương xứng với vai trò, vị thế của nó. Chúng ta không lấy lý do đặc thù này, đặc thù kia để bao biện cho những hạn chế, yếu kém, vì khi một bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế thì tiêu chí mới, đóng góp cho khoa học của nhân loại được xếp trên hết.

 Như vậy, các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, các cơ sở đào tạo (viện, trường) cần cởi bỏ cách quản lý, nghiên cứu, đào tạo lạc hậu… để tiếp cận với phương thức mới để đưa KHXH Việt Nam hòa nhập với thế giới. Cùng với việc tăng số lượng công trình công bố quốc tế, chúng ta phải có nhiều tạp chí KHXH lọt vào danh mục các tạp chí thuộc danh mục ISI hoặc SCOPUS để thế giới biết đến vị thế KHXH Việt Nam. Khi chúng ta có quyết tâm và làm theo chuẩn mực quốc tế, nghịch lý “vai trò lớn - đóng góp ít” sẽ được thay đổi.

Tin cùng chuyên mục