Nâng tầm quản lý giao thông đô thị

Việc đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát và điều khiển giao thông (TTGS-ĐKGT)  giai đoạn 1, đã giúp TPHCM nói chung và Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM nói riêng nâng tầm công tác quản lý giao thông đô thị trên địa bàn.
Theo dõi tình hình lưu thông trên đường tại Trung tâm Giám sát và điêu khiển giao thông. Ảnh: THÀNH TRÍ
Theo dõi tình hình lưu thông trên đường tại Trung tâm Giám sát và điêu khiển giao thông. Ảnh: THÀNH TRÍ

Lợi ích rõ ràng

Vào lúc 15 giờ 14 ngày 6-3, thông qua hệ thống camera giám sát, TTGS-ĐKGT (đặt tại Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn) phát hiện tại khu vực cầu Cát Lái A có một xe container chết máy dừng giữa đường, gây cản trở giao thông. Lập tức TTGS-ĐKGT đăng thông tin cảnh báo lên Cổng Thông tin giao thông TPHCM,  đồng thời thông báo đến Đội Cảnh sát giao thông Cát Lái để đơn vị này đến xử lý tình huống, tránh sự cố gây kẹt xe kéo dài trong khu vực. Chỉ 1 phút sau, Đội Cảnh sát giao thông Cát Lái đã có mặt tại chỗ giải quyết vụ việc.

Sau đó vài giờ, lúc 19 giờ 51, TTGS-ĐKGT tiếp tục phát hiện tại quốc lộ 1A, đoạn trên cầu An Lập thuộc quận Bình Tân, theo hướng từ vòng xoay An Lạc về phía Trạm thu phí An Sương - An Lạc, xảy ra va chạm giữa 2 xe tải mang biển kiểm soát 51C-4325 và 51C-376.89. Thông tin này được lập lại quy trình như trên (lần này là thông báo đến Đội Cảnh sát giao thông quận Bình Tân). Chính việc phối hợp chia sẻ thông tin nhanh chóng đã giúp cơ quan chức năng kịp thời xử lý, không để sự cố kẹt xe nghiêm trọng.
Những dẫn chứng vừa nêu chỉ là vài ví dụ cho thấy lợi ích và hiệu quả thực tế mà TTGS-ĐKGT đem lại sau khi được đưa vào vận hành từ đầu năm 2019 đến nay. Một điều rõ ràng là TTGS-ĐKGT được đầu tư xây dựng để đáp ứng chiều hướng tiến lên đô thị thông minh của TPHCM. Một khi hoàn thiện, TTGS-ĐKGT trở thành hệ thống quản lý, điều hành giao thông hiện đại nhất nước với 4 chức năng chính là giám sát giao thông, điều khiển giao thông, cung cấp thông tin giao thông và hỗ trợ phối hợp xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên phạm vi toàn địa bàn TPHCM.

Ông Lê Minh Triết, Giám đốc Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn, cho biết chức năng giám sát giao thông được thực hiện trên cơ sở kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu của 762 camera giám sát giao thông với các cơ quan chức năng, đơn vị quản lý địa phương, cộng với sự tích hợp giám sát giao thông trên hệ thống 54 màn hình tường có độ phân giải cao đặt tại Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn. Những công cụ này giúp các nhân viên vận hành tại TTGS-ĐKGT kịp thời ghi nhận tình hình giao thông ở các vị trí trọng điểm, điểm nóng thường xảy ra ùn tắc giao thông để kịp thời thông báo đến các cơ quan chức năng. Chức năng điều khiển giao thông được vận hành nhờ sự kết nối với 216 tủ điều khiển tín hiệu giao thông trên 78 tuyến đường chính ở các quận trung tâm và 28 nút giao thông trên các tuyến đường Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống. Trong khi đó, chức năng cung cấp thông tin giao thông được thực hiện thông qua 70 bảng thông tin giao thông điện tử đặt ở các trọng điểm giao thông. Cuối cùng là chức năng phối hợp, hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông được thực hiện thông qua hệ thống camera giám sát giao thông, 9 điểm kiểm soát tốc độ tự động, các điểm kiểm soát tải trọng phương tiện…

Mảnh ghép của đô thị thông minh

Việc đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành TTGS-ĐKGT là bước phát triển đáng ghi nhận của TPHCM. Trước đây, khi mới đưa vào vận hành từ trung tuần tháng 1-2017, Cổng Thông tin giao thông TPHCM lúc bấy giờ chỉ được xem như một dạng bản đồ số về giao thông và vận hành trực tuyến thông qua website tại địa chỉ: giaothong.hochiminhcity.gov.vn và ứng dụng trên thiết bị di động sử dụng hệ điều hành Android và IOS. Và đến nay, Cổng Thông tin giao thông TPHCM đang phụ trách cung cấp rộng rãi cho người dân quan tâm nhiều loại hình thông tin, bao gồm thông tin về tình hình giao thông theo thời gian thực, thông tin hình ảnh camera giám sát, thông tin vận tốc cho phép lưu thông trên các tuyến đường, thông tin về điều chỉnh phân luồng giao thông, thông tin vị trí bãi đậu xe trong các tòa nhà và trung tâm thương mại, thông tin các tuyến đường cho phép đậu xe, thông tin hướng dẫn lộ trình lưu thông, công cụ tìm đường cho người tham gia giao thông và thông tin về chất lượng môi trường không khí, môi trường nước sông kênh rạch.

Ngoài Cổng Thông tin giao thông, Sở GTVT TPHCM cũng lần lượt đưa vào vận hành một loạt ứng dụng phần mềm trong chiều hướng tăng cường tương tác với người dân thành phố, như phần mềm thông tin xử lý hạ tầng kỹ thuật có tên gọi “Phản ánh sự cố hạ tầng”, có thể dễ dàng cài đặt trên điện thoại thông minh dùng hệ điều hành Android và IOS, nhờ đó người dân có thể chụp ảnh và gửi tin phản ánh các sự cố hạ tầng về Sở GTVT. Một công cụ khác là trang Facebook của Sở GTVT với đường link https://www.facebook.com/sgtvthcm. Khi vào trang Facebook này, người dân có thể trực tiếp phản ánh các bất cập hoặc nêu ý kiến, đề xuất liên quan đến cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông. Ngoài ra, ngay tại đầu mối tiếp nhận là Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn còn có đường dây nóng 028 3915 3915 của chính trung tâm và tại Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cũng có đường dây nóng tiếp nhận thông tin 1022. Cả hai đường dây nóng trên đều hoạt động 24/24 giờ và hoàn toàn miễn phí cho các cuộc gọi đến báo tin… Tất cả những nỗ lực nêu trên của TPHCM không chỉ nhằm mục tiêu cung cấp các kênh thông tin giao thông tương tác hiệu quả cao cho người dân mà còn phù hợp với định hướng xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh trong giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2025 của lãnh đạo TPHCM và các sở ngành liên quan.

Ông Nguyễn Ngọc Tường (Phó trưởng Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM): Khởi đầu là xây dựng Cổng Thông tin giao thông TPHCM và nay xây dựng và đưa vào vận hành TTGS-ĐKGT là những nỗ lực vượt khó và vươn lên của ngành giao thông thành phố. Về mặt chuyên môn, chúng tôi tin rằng TTGS-ĐKGT sẽ hỗ trợ, giúp ích rất nhiều trong công tác quản lý trật tự an toàn giao thông đô thị. Nói cách khác, nhiều cơ quan đơn vị chức năng sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ TTGS-ĐKGT, trong đó có Ban An toàn giao thông TPHCM.

Trung tá Nguyễn Văn Bình (Đội trưởng Đội Tham mưu thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an TPHCM): Chúng tôi ghi nhận rằng, ngay cả trước khi ngành chức năng xây dựng và đưa vào vận hành TTGS-ĐKGT, giữa lực lượng Cảnh sát giao thông và Sở GTVT cùng Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn đã có sự hỗ trợ, phối hợp rất hiệu quả trong công tác thường ngày. Với việc ngành GTVT thành phố đưa vào hoạt động TTGS-ĐKGT, chúng tôi cho rằng việc phối hợp hỗ trợ công tác giữa các đơn vị đặc thù sẽ càng hiệu quả hơn; đặc biệt tại những điểm phức tạp về trật tự an toàn giao thông, như khu vực quanh cảng Cát Lái, sân bay Tân Sơn Nhất và khu vực trung tâm thành phố.

Tin cùng chuyên mục