Nâng tầm hợp tác xã nông nghiệp

Muốn sản phẩm vào siêu thị, bên cạnh sản xuất đạt tiêu chuẩn, các hợp tác xã (HTX) phải cung ứng đầy đủ sản lượng, không tăng giá như cam kết theo hợp đồng. Trong khi đó, các HTX lại gặp khó khăn trong việc phát triển, nâng cấp do chưa xây dựng được nhà màng, nhà sơ chế, nhà kho trên đất nông nghiệp.
Liên minh HTX TPHCM hỗ trợ HTX bò sữa Tân Thông Hội mua sắm thiết bị và vật tư sản xuất
Liên minh HTX TPHCM hỗ trợ HTX bò sữa Tân Thông Hội mua sắm thiết bị và vật tư sản xuất

Cung ứng không ổn định

Theo Hội Nông dân TPHCM, tính đến tháng 6-2019, thành phố có 403 mô hình kinh tế tập thể gồm 294 tổ hợp tác (THT) nông nghiệp, với 3.750 tổ viên và 86 HTX đang hoạt động nông nghiệp với 2.476 thành viên. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2019, đã xây dựng mới 12 HTX và 14 THT. Ông Nguyễn Văn Lượng, đại diện Hội Nông dân TPHCM, cho hay hiện có 14 cấp xã chưa thành lập được HTX nông nghiệp và 18 xã có HTX nhưng hoạt động không có hiệu quả, dự kiến giải thể. Đặc biệt, nhiều THT hoạt động có hiệu quả, được nâng lên HTX như THT nuôi thủy sản Cầu Bà Chín ở xã Bình Khánh (huyện Cần Giờ), THT hoa kiểng Bình Lợi (huyện Bình Chánh).

Nhiều HTX đang trên đà phát triển, nhưng khi đưa hàng hóa vào các siêu thị lại không thực hiện đúng theo cam kết hợp đồng. Ông Nguyễn Thành Long, Giám đốc vùng miền Nam, hệ thống siêu thị Vinmart, nhận xét: “Những ngày đầu tiên, sản phẩm của các HTX đưa vào siêu thị luôn đạt chuẩn. Tuy nhiên, sau đó giảm dần từ số lượng đến chất lượng, khiến siêu thị luôn hụt hàng. Bên cạnh đó, một số nông dân sản xuất đạt chất lượng, nhưng lại không đủ giấy tờ chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Vấn đề cuối cùng, thời gian giao hàng luôn chậm trễ, khiến siêu thị gặp khó trong bán hàng”.

Ở góc cạnh nhà sản xuất, nhiều HTX cho hay, hiện quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp chưa đồng bộ với quy hoạch đô thị, còn tình trạng đất nông nghiệp vướng quy hoạch bỏ hoang không sản xuất một thời gian dài.  Diện tích sản xuất HTX nhỏ lẻ, manh mún, đã vậy quỹ đất công còn rất ít. Xin phép xây dựng nhà kho, nhà sơ chế, công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp, đất trong khu quy hoạch không được, do vướng quy định. Thêm nữa, HTX tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của thành phố để đầu tư ứng dụng công nghệ cao còn khó khăn do chính sách tín dụng. Bà Nguyễn Thị Kim Xuân, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Mặt Trời Mọc, đề nghị nhà nước cần có kế hoạch lâu dài hỗ trợ HTX để sản xuất sản phẩm chất lượng cao hơn, tránh nhà phân phối gặp khó khăn và nông dân yên tâm sản xuất. Các HTX phải xây dựng chuỗi liên kết và mỗi nông dân có nhiệm vụ cùng nhau thực hiện để phát triển. 

Hỗ trợ nhân lực, vốn

Trong những năm qua, nhiều HTX nông nghiệp đã trở thành cầu nối hiệu quả trong việc tiếp thu, hướng dẫn ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi cây trồng, vật nuôi chủ lực… Đó là nhờ TPHCM luôn quan tâm, ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ các HTX nông nghiệp như chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị; hỗ trợ cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng về công tác tại các HTX; hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho HTX mới thành lập; chính sách sản xuất theo quy trình VietGAP; hỗ trợ xây dựng công trình xử lý chất thải trong chăn nuôi, đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn… Các HTX nông nghiệp từng bước khẳng định thương hiệu, sản phẩm đạt chất lượng, tiêu chuẩn để bán hàng vào các siêu thị lớn như Coop Mart, BigC, Aeon, VinMart. Điển hình, trong năm 2018, Liên minh HTX TPHCM đã hỗ trợ HTX bò sữa Tân Thông Hội mua sắm thiết bị và vật tư sản xuất. Dự kiến năm 2019, hỗ trợ HTX Thuận Yến mua máy móc, thiết bị nuôi tôm công nghệ cao.

Cũng trong năm 2018, Liên minh HTX TPHCM đã tổ chức 27 lớp với tổng số 1.439 lượt học viên tham dự trên địa bàn 5 huyện. Năm 2019, Liên minh HTX tổ chức các lớp về các chuyên đề như bồi dưỡng nghiệp vụ vận tải, các chính sách thuế mới, thương mại điện tử, khai báo thuế qua mạng và tuyển sinh lớp dài hạn trình độ đại học về kế toán và lớp trung cấp về điều hành vận tải hành khách công cộng. 

Trong năm 2018, Quỹ trợ vốn xã viên HTX TPHCM đã hỗ trợ vay vốn cho 60.849 lượt thành viên với tổng doanh số trợ vốn 1.524 tỷ đồng và trong 6 tháng đầu năm 2019, hỗ trợ 11.510 lượt thành viên HTX, THT với tổng doanh số trợ vốn khoảng 332 tỷ đồng. 

Nâng tầm HTX bằng quảng bá thương hiệu sản phẩm, Liên minh HTX TPHCM đã phối hợp với Sở KH-ĐT, Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP xây dựng chương trình xúc tiến thương mại năm 2019; đồng thời, hỗ trợ các HTX có sản phẩm xuất khẩu tham gia nhiều hội chợ trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, liên minh còn phối hợp với Sở KH-CN, Ban Quản lý Khu nông nghiệp hỗ trợ HTX ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất. Thêm nữa, Sở KH-ĐT, Sở Công thương, Sở TN-MT, Sở Tài chính cũng trình UBND TPHCM, HĐND TPHCM phê duyệt đề án “Thực hiện chính sách khuyến khích nguồn nhân lực trẻ có trình độ về làm việc tại các HTX phi nông nghiệp trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2019-2020”. Cùng với đó, đề nghị UBND các huyện cần quan tâm hỗ trợ các HTX hình thành và phát triển tại địa phương.

Tin cùng chuyên mục