Nâng sức cạnh tranh hàng Việt

Triển khai Chương trình hành động của TPHCM về thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (viết tắt CVĐ) trong 6 tháng đầu năm 2017, ngành công thương đã phối hợp triển khai nhiều biện pháp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh nhằm nâng sức cạnh tranh cho hàng Việt. 
Sản xuất tân dược tại một đơn vị cung ứng bình ổn thị trường
Sản xuất tân dược tại một đơn vị cung ứng bình ổn thị trường
Mở rộng mạng lưới kinh doanh 

Theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, điểm mới trong hoạt động của ngành công thương những tháng đầu năm 2017 là giảm tối đa các cuộc họp; thay vào đó, tập trung lực lượng triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội do Thành ủy và UBND TPHCM giao. Lãnh đạo ngành cũng tăng cường đi thực tế tại các doanh nghiệp (DN) để nắm bắt tình hình hoạt động, tháo gỡ kịp thời những khó khăn cho DN. Mặt khác, sở cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hàng Việt, tổ chức kết nối DN với thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước thông qua các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM với các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ. Tổ chức các hội nghị chuyên đề, chương trình kết nối ngân hàng và DN để tháo gỡ khó khăn, đặc biệt về vốn cho DN; triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, các chương trình bình ổn thị trường; đồng thời tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát và quản lý thị trường để tạo điều kiện cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh. 

Bên cạnh đó, sở tiếp tục hỗ trợ DN phát triển kênh phân phối, mở rộng mạng lưới kinh doanh hàng Việt. Tính đến thời điểm hiện nay, TPHCM đã phát triển được hệ thống phân phối gồm 42 trung tâm thương mại (15 trung tâm hạng I, 4 trung tâm hạng II, 23 trung tâm hạng III), 201 siêu thị (65 siêu thị hạng I, 60 siêu thị hạng II, 76 siêu thị hạng III, tương đương 96 siêu thị chuyên ngành và 105 siêu thị tổng hợp), 240 chợ (3 chợ đầu mối, 14 chợ loại 1, 54 chợ loại 2, 169 chợ loại 3 và chợ tạm).

Các hệ thống phân phối ngày càng được tập trung đầu tư, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, đổi mới cải tiến chất lượng dịch vụ... góp phần đáng kể trong việc thay đổi diện mạo ngành thương mại thành phố theo hướng văn minh, hiện đại; đặc biệt tại các quận ven, huyện ngoại thành. Thông qua CVĐ, tỷ lệ hàng Việt Nam tại các hệ thống phân phối chiếm tỷ lệ từ 90% - 100%, điển hình tại các hệ thống phân phối lớn như siêu thị Big C hàng Việt chiếm tỷ lệ 95%, hệ thống Satramart, Satrafoods 95%, siêu thị Giant 99,98%…

Riêng chương trình bình ổn thị trường, ngoài việc liên kết để phát triển nguồn hàng cung ứng cho chương trình, các DN cũng tập trung phát triển điểm bán. Đến nay, thành phố đã phát triển được 10.602 điểm bán hàng bình ổn, phủ rộng khắp các địa bàn, khu vực vùng ven ngoại thành và KCX-KCN phục vụ công nhân và người lao động. Qua công tác hỗ trợ DN phát triển kênh phân phối, đã giúp DN tạo sự gắn kết và nâng cao hiệu quả kinh doanh, mở rộng thị trường phân phối, tiêu thụ sản phẩm nội địa, tạo điều kiện để người tiêu dùng tiếp cận hàng Việt có chất lượng, giá cả hợp lý.

Nhằm đảm bảo cho người dân tại khu vực vùng ven, ngoại thành và người lao động tại các KCX- KCN có thể mua hàng hóa bình ổn, Sở Công thương đã tổ chức 3 nhóm bán hàng lưu động. Trong 6 tháng đầu năm, 3 nhóm DN bình ổn thị trường do Saigon Co.op, Satra, Công ty Ba Huân làm đầu mối đã tổ chức 602 chuyến bán hàng lưu động. Địa bàn thực hiện chủ yếu tại các quận ven, huyện ngoại thành như Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn... Riêng Saigon Co.op còn triển khai hơn 600 chuyến bán hàng lưu động đến 36 tỉnh, thành trên cả nước với tổng giá trị hàng hóa thực hiện hơn 35 tỷ đồng…

Không ít trở ngại

Theo nhận định của Sở Công thuơng, việc tổ chức triển khai thực hiện CVĐ đã và đang mang lại hiệu quả nhất định. Tuy vậy, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đó là sức cạnh tranh của DN chưa cao. Việc xây dựng thương hiệu tuy đã được chú trọng và có sự hỗ trợ tích cực của nhà nước, nhưng nhìn chung, các DN ở một số lĩnh vực, ngành nghề vẫn chưa xây dựng được thương hiệu uy tín đối với người tiêu dùng. Trong khi Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới nên các sản phẩm sản xuất trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của sản phẩm nhập khẩu. Quá trình đổi mới công nghệ của các DN còn rất chậm. Trình độ công nghệ chủ yếu là trung bình và thấp, dẫn đến chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng Việt tại thị trường trong và ngoài nước chưa cao. Do không có nguồn lực về nhân sự, tài chính để xây dựng nội dung, hình thức tuyên truyền, quảng cáo, marketing trên các kênh truyền thông nên hàng Việt chưa thể tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Ý thức của một số thương nhân, DN còn hạn chế; chủ yếu vì lợi ích riêng nên tạo điều kiện, tiếp tay cho hàng nhái, hàng kém chất lượng tồn tại... 

Để khắc phục những hạn chế trên, trong 6 tháng cuối năm 2017, ngành công thương TPHCM tiếp tục triển khai đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020. Phối hợp triển khai các hoạt động, chương trình của đề án mang tính đa dạng, phong phú, sáng tạo, thiết thực như chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, bình ổn thị trường, kết nối ngân hàng - DN; chương trình chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu; kế hoạch hành động thực hiện chiến lược xuất khẩu hàng hóa; phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TPHCM giai đoạn năm 2015-2020, định hướng đến năm 2025… Tạo hiệu ứng lan tỏa, tích cực từ TPHCM đến các tỉnh thành trong cả nước, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh và tiêu thụ hàng Việt, đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định giá cả. 

Đẩy mạnh tổ chức các hội chợ triển lãm, phiên chợ hàng Việt, công tác bán hàng lưu động trên địa bàn, đặc biệt tại các quận ven nhằm đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng. Tích cực rà soát, giới thiệu mặt bằng, địa điểm để DN khảo sát, lựa chọn nhằm tăng tần suất, bố trí thời gian bán hàng lưu động hợp lý để phục vụ nhân dân và công nhân; tăng cường phối hợp đoàn thanh niên, hội phụ nữ phát triển điểm bán hàng Việt. 

Ngoài ra, sở cũng xây dựng và triển khai chương trình tháng khuyến mãi hàng năm; hướng tới mở rộng quy mô, tần suất, đổi mới hình thức, cơ chế để vận động DN tham gia và tích cực thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi truyền thống, khuyến mại trực tuyến, giảm giá sâu trong các dịp lễ, tết; góp phần kích thích tiêu dùng và hỗ trợ người thu nhập thấp mua sắm.

Ngành công thương TP cũng phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm; tập trung, ưu tiên hỗ trợ các mặt hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, được nuôi trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP… Xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn, liên kết chặt chẽ, lưu thông hàng hóa hiệu quả xuyên suốt từ hoạt động nuôi trồng, sản xuất đến hoạt động phân phối nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống phân phối phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; giảm chi phí trung gian, giá thành sản phẩm.

Theo Sở Công thương, để thực hiện tốt CVĐ, yếu tố quan trọng nhất vẫn là tạo điều kiện cho DN phát triển, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng; đồng thời có biện pháp mở rộng mạng lưới phân phối, đáp ứng tốt nhất nhu cầu tiêu dùng của người dân. Do vậy, sở sẽ tiếp tục thực hiện các nội dung này để khơi thông dòng chảy cho hàng hóa, từ đó tạo chỗ đứng cho hàng Việt.

Tin cùng chuyên mục