Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 _ 27-7-2017)

Nặng lòng với đồng đội

Giữa nghĩa trang mênh mông, cô quạnh, người cựu chiến binh già Phan Thanh Dũng (xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) lặng lẽ làm công việc ông vẫn làm nhiều năm nay: tỉ mỉ chăm sóc cho phần mộ của đồng đội.
Ông Phan Thanh Dũng vẫn thầm lặng với công việc tìm kiếm hài cốt của đồng đội
Ông Phan Thanh Dũng vẫn thầm lặng với công việc tìm kiếm hài cốt của đồng đội
1. Tôi cùng ông nhặt nhạnh đám cỏ vừa nhú lên ở phần mộ liệt sĩ trong khuôn viên nghĩa trang. Ông nhớ lại, hồi năm 1980, cả xã phát động phong trào quy tập mộ liệt sĩ. Ông nằm trong đoàn quân xung phong. Vốn là giao liên của D1 (Mặt trận 44 Quảng Đà), ông thuộc nhiều ngõ ngách đường rừng, nhiều vị trí đóng quân của các đơn vị. Những ngày tháng lăn lộn tìm kiếm, ký ức ông luôn hiện lên, bếp Hoàng Cầm, hầm hào, bệnh viện dã chiến, lán trại nơi bộ đội đóng quân xưa kia giữa chốn rừng sâu. Tự trong tâm khảm, nỗi ám ảnh khi nghĩ về những đồng đội còn nằm rải rác ở các cánh rừng, lòng ông lại đau nhói. Rồi ông lặng lẽ vượt suối, băng rừng vào tận từng ngóc ngách để tìm mộ. Có những lần thật đau lòng khi tìm được đúng chỗ, nhưng đào lên có tới hàng chục hài cốt. Nhìn hài cốt nào cũng như nhau, không phân biệt ai ra ai. Những gói có tên, còn lại rất nhiều những gói không rõ tên tuổi và quê quán. Hầu hết đều là những người con miền Bắc ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc… Năm ấy, nghĩa trang xã đón 300 hài cốt trở về trong niềm xúc động của biết bao gia đình, người thân. Ông bảo, hồi ấy chưa đến chục người nhưng mang đến 300 hài cốt trên vai, vậy mà thấy sao nhẹ tênh, nhẹ như có gió dưới chân mình. Mùa mưa tháng 8-2009, ông cùng thân nhân liệt sĩ Thân Văn Thọ (xã Hồng Thái, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) cùng đi vào núi, nơi Bệnh viện 76 ngày xưa cắm đóng để tìm kiếm hài cốt. Trong đầu, dự tính đi khoảng 4 ngày nên lương thực mang theo không nhiều. Đến khi phát hiện địa điểm, rồi khai quật được nửa chừng thì trời mưa. Mưa càng lúc càng nặng hạt. Ông sợ nước ở các con suối lên nhanh sẽ không có đường rút lui. Nhưng nghĩ thương đồng đội đang nằm dưới lớp đất lạnh lẽo, nên không đặng bỏ về… Cả đoàn dựng lều trại ở lại. Đói, rét run nhưng vẫn bám trụ. Những đêm ấy không ai ngủ được vì nhưng cơn gió rít lên giữa núi rừng hiu quạnh, đêm vọng ra những âm thanh mơ hồ, cảm giác như tiếng bước chân của bộ đội, có gì đó xốn xang như lời hẹn ước trước giờ xuất trận. Lâu lâu ông đứng dậy thắp một nén nhang khấn vái: “Các anh thương thì phù hộ chúng tôi đưa các anh về xuôi, có mộ phần yên ấm bên người thân…”. Cuối cùng thì hài cốt cũng được mọi người địu gọn trên vai, xuống núi sau 12 ngày bám trụ. Một ngày khác, ông cùng 2 người con gái, một người rể của thân nhân liệt sĩ Nguyễn Thị Mậu (huyện Tân Lập, tỉnh Hà Tây cũ) đi tìm mộ. Đồi 402, nơi xảy ra nhiều trận chiến ác liệt, những người ngã xuống đa phần còn rất trẻ. Đi ròng rã một ngày đường, đến một khe dốc, người con gái có linh tính bảo cả đoàn dừng lại. Ông thắp nén hương, khấn vái: “Chị ở đâu, có linh thì chỉ đường giúp”. Người con gái bỗng đến ngay một đồi cây nhỏ, có tảng đá dựng sẵn, rồi bảo: “Đây rồi”. Cô ngồi xuống, nước mắt chảy tràn. Đào xuống một lớp đất mỏng, phát hiện một ống xilanh, nằm bên trong là tên tuổi bà Nguyễn Thị Mậu.
Nghĩa trang Liệt sĩ xã Đại Thạnh được xây dựng từ năm 1985. Đến nay đã có 320 hài cốt liệt sĩ được quy tập tại đây, trong đó có hơn một nửa là liệt sĩ vô danh.
2. Ông tự hào kể một thời đáng nhớ của mình. 15 tuổi, làm liên lạc cho bộ đội hành quân, vận chuyển đạn dược, lương thực, thực phẩm. 18 tuổi, chăm sóc, vận chuyển thương binh ở vùng núi Đại Lộc, nơi có nhiều bệnh viện dã chiến như Y10, K76, đồi 530… Sau giải phóng, ông đảm nhiệm các cương vị Phó Chủ tịch xã, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã. Về hưu, ông vẫn không chịu ngơi nghỉ. Hơn 30 năm rong ruổi chân trần vì không đi được xe đạp, vẫn lội suối băng rừng tìm đồng đội. Ngoài hàng trăm hài cốt đi cùng đoàn, thì 108 hài cốt khác được một mình ông lặng lẽ đưa về 30 nghĩa trang ở các tỉnh miền Bắc. Hành trình tìm kiếm này với ông sẽ chưa dừng lại. Ông bảo, có lẽ không ai đong đếm được những mất mát, hy sinh của chiến tranh. Chiến tranh đã biến những ước mơ chưa kịp xanh đã héo. Những người anh, người chị, người em chưa kịp chào từ biệt người thân đã gửi thân mình nơi ghềnh núi. Những hy sinh ấy vừa anh dũng, vừa đau đớn, sau mấy mươi năm hòa bình vẫn còn cứa vào lòng, chảy máu bên trong. Những năm tháng ác liệt của chiến trường, giữa những thời khắc giao tranh khốc liệt, sự sống - cái chết chỉ là trong nháy mắt, có những nấm mộ của đồng đội chỉ chôn cất vội để kịp hành quân. Để hôm nay, ông lại miệt mài theo đuổi một hành trình không mệt mỏi - hành trình tìm kiếm đồng đội - đó cũng là tâm nguyện của ông với những người đã ngã xuống để cuộc sống hôm nay được yên bình.3. Nắng xế chiều tháng 7 như muốn đốt cả lưng áo chúng tôi. Người cựu chiến binh già ngồi xuống quẹt nhanh bật lửa, đốt thêm bó nhang thắp khắp các mộ phần. Đã 5 năm nay, ông vẫn tình nguyện làm việc đó mỗi ngày. Cái lưng còng và vẫn đi bộ hàng ngày trên đôi dép cũ từ nhà đến nghĩa trang, chưa một ngày ngơi nghỉ. Từ nghĩa trang hoang sơ, cỏ mọc um tùm, dưới bàn tay chăm sóc của ông cùng với sự đầu tư của chính quyền địa phương, giờ đã trở nên khang trang, sạch đẹp, có tường bao, rào chắn, có bóng cây rủ mát quanh năm do tự tay ông trồng, chăm sóc. Người cựu chiến binh già được bà con thôn xóm yêu thương,  chính quyền xã, huyện khen thưởng hàng năm. Ông luôn tâm niệm rằng, còn sống ngày nào thì ước nguyện đi tìm hài cốt đồng đội, chăm sóc nghĩa trang sẽ không ngừng nghỉ. Trong làn khói hương nghi ngút, tôi nhìn ông và hình dung đâu đó tại các nghĩa trang trong cả nước vẫn có nhiều những cựu chiến binh tình nguyện gắn phần đời còn lại với công việc chăm sóc các phần mộ của đồng đội, đồng chí. Người cựu chiến binh thầm thì câu thơ nghe nhói lòng: “Ngủ ôm súng suốt một thời trai trẻ… Con tắc kè nghe, nhanh nhảu nói: Sắp về!...”.

Tin cùng chuyên mục