Nâng cấp kênh Chợ Gạo - Chờ đến bao giờ?

Kênh Chợ Gạo (Tiền Giang) dài hơn 28km, nối liền sông Tiền và sông Vàm Cỏ Tây, là tuyến giao thông thủy huyết mạch giữa ĐBSCL với TPHCM. Hiện hai bên bờ kênh sạt lở báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống người dân. Trong khi đó, dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo đã được Bộ GTVT phê duyệt gần 3 năm nay nhưng đến nay vẫn án binh bất động.
Nâng cấp kênh Chợ Gạo - Chờ đến bao giờ?

Kênh Chợ Gạo (Tiền Giang) dài hơn 28km, nối liền sông Tiền và sông Vàm Cỏ Tây, là tuyến giao thông thủy huyết mạch giữa ĐBSCL với TPHCM. Hiện hai bên bờ kênh sạt lở báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống người dân. Trong khi đó, dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo đã được Bộ GTVT phê duyệt gần 3 năm nay nhưng đến nay vẫn án binh bất động.

Với trên 2.000 lượt phương tiện vận tải thủy mỗi ngày, vận chuyển hàng hóa khoảng 20 triệu tấn/năm, từ nhiều năm nay, kênh Chợ Gạo đã quá tải; kèm theo đó là tình trạng sạt lở hai bên bờ kênh, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống người dân. Kết quả khảo sát chưa đầy đủ của ngành chức năng tỉnh Tiền Giang cho thấy cả tuyến kênh Chợ Gạo đã có hơn 150 điểm sạt lở, lấn vào bờ 2 - 20m. Tốc độ sạt lở khoảng 2 - 3m/năm, đặc biệt khu vực ấp Long Thạnh, xã Quơn Long, tốc độ lở lên đến 4m/năm...

Dày đặc phương tiện vận tải trên tuyến kênh Chợ Gạo. Ảnh: T.M.T

Dày đặc phương tiện vận tải trên tuyến kênh Chợ Gạo. Ảnh: T.M.T

Khi thực hiện chủ trương ngọt hóa kênh rạch khu vực huyện Gò Công và Chợ Gạo, nhiều kênh rạch hai bên tuyến Chợ Gạo bị ngăn lại, dẫn tới vào mùa lũ hoặc thủy triều lên xuống, dòng chảy chỉ tập trung trên kênh Chợ Gạo khiến dòng chảy trở nên mạnh hơn trước và tất yếu dẫn đến sự xói lở. Một nguyên nhân khác là mật độ giao thông thủy ngày càng dày đặc trên tuyến kênh Chợ Gạo. Để đảm bảo ATGT cho cả tuyến kênh Chợ Gạo, lực lượng CSGT đường thủy - Công an tỉnh Tiền Giang nhiều năm qua rất vất vả nhất là mỗi khi xảy ra sự cố trên mặt kênh dẫn đến ùn tắc…

Xác định đây là tuyến đường thủy quan trọng, từ năm 2008, Bộ GTVT đã cho lập dự án đầu tư, nâng cấp kênh Chợ Gạo hiện hữu thành kênh cấp 2 đường thủy nội địa. Cuối tháng 10-2009, Bộ GTVT phê duyệt dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo. Theo thiết kế, dự án có tổng chiều dài hơn 27km, đi qua địa bàn hai tỉnh Tiền Giang và Long An do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam làm chủ đầu tư. Theo đó, sẽ nạo vét, mở rộng luồng lên 80m, xây kè bảo vệ hai bên bờ và làm đường dân sinh, khu tái định cư… với tổng mức đầu tư hơn 4.200 tỷ đồng. Dự kiến, dự án khởi công vào quý 4-2010, hoàn thành vào cuối năm 2014.

Thế nhưng, đã gần 3 năm trôi qua kể từ ngày dự án được phê duyệt, ngành chức năng chỉ mới tiến hành một số công việc như đo đạc, kiểm kê, áp giá, làm thủ tục di dời các công trình công cộng, thủ tục xây dựng các khu tái định cư. Vướng mắc của dự án là do Ban quản lý các dự án đường thủy không tạm ứng kinh phí cho địa phương; địa phương phải tự bỏ vốn ra tiến hành một số phần việc.

Lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Tiền Giang cho biết, tổng số hộ dân bị ảnh hưởng khi triển khai dự án này là 2.105 hộ, trong đó huyện Chợ Gạo là 1.739 hộ, Gò Công Tây 366 hộ; số hộ đủ điều kiện tái định cư là 702 hộ. Huyện Chợ Gạo đang áp giá, làm thủ tục di dời các công trình công cộng, thủ tục xây dựng các khu tái định cư.

“Trong thời gian chờ dự án được triển khai, hiểm họa sạt lở đang ngày một gia tăng nên UBND tỉnh đã chỉ đạo hỗ trợ kinh phí di dời và kè chắn cho 42 hộ ở vùng “nóng” sạt lở”, bà Nguyễn Thị Minh Thủy, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang cho biết.

Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Tiền Giang cách nay 2 tháng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ KH-ĐT, Bộ GTVT phải tìm kiếm nguồn vốn, đẩy nhanh dự án kênh Chợ Gạo, đến năm 2015 giải quyết dứt điểm dự án này bởi đây là dự án trọng điểm về giao thông giữa TPHCM và các tỉnh ĐBSCL.

Ngày 20-7, sau khi cùng lãnh đạo tỉnh Tiền Giang và các cơ quan chức năng thuộc Bộ GTVT khảo sát kênh Chợ Gạo, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, trước thực trạng tuyến kênh Chợ Gạo sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng cuộc sống người dân và tình hình lưu thông của tàu thuyền, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã xem xét sắp xếp vốn để thực hiện dự án trong giai đoạn từ nay đến 2015. Theo đó, Bộ GTVT trình Chính phủ hai phương án để triển khai dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo. Phương án 1 phân bổ đủ kinh phí triển khai dự án là 4.600 tỷ đồng; phương án 2 triển khai dự án theo phương thức BOT nếu Chính phủ không phân bổ đủ kinh phí.

Trong khi chờ dự án sớm được khởi động, hàng ngàn hộ dân đang phải sống chung với tình trạng sạt lở trên kênh Chợ Gạo diễn ra ngày càng phức tạp. Điều mong mỏi của đa số người dân là dự án sớm được triển khai, nhằm giúp người dân an cư lạc nghiệp, ổn định sản xuất. 

HÀM LUÔNG - HỮU CHÍ

- Thông tin liên quan:

>> Liên quan đến Dự án kênh Chợ Gạo - Hỗ trợ di dời các hộ dân có nguy cơ bị sạt lở

Tin cùng chuyên mục