Nâng cao tiêu chí với đội ngũ người thầy là các giáo sư, phó giáo sư

Dự thảo quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) vừa được Bộ GD-ĐT công bố để lấy ý kiến góp ý theo hướng nâng cao hơn nữa tiêu chuẩn chức danh GS, PGS. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS-TSKH Nguyễn Đình Đức (ảnh), Trưởng ban Đào tạo Đại học và Sau đại học của ĐHQG Hà Nội xung quanh dự thảo này.

Dự thảo quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) vừa được Bộ GD-ĐT công bố để lấy ý kiến góp ý theo hướng nâng cao hơn nữa tiêu chuẩn chức danh GS, PGS. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS-TSKH Nguyễn Đình Đức (ảnh), Trưởng ban Đào tạo Đại học và Sau đại học của ĐHQG Hà Nội xung quanh dự thảo này.

°Phóng viên: Thưa GS, dự thảo quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS của Bộ GD-ĐT được cho là nâng chuẩn, ông đánh giá điều này như thế nào?

Nâng cao tiêu chí với đội ngũ người thầy là các giáo sư, phó giáo sư ảnh 1

°GS NGUYỄN ĐÌNH ĐỨC: Việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS những năm qua đã đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp GD-ĐT. Chúng ta đã hình thành được đội ngũ trí thức đầu ngành, đầu đàn là các GS, PGS ở các trường đại học và các viện nghiên cứu lớn của đất nước. Nhưng phải thừa nhận là mặt bằng chung các tiêu chuẩn chức danh GS, PGS của Việt Nam vẫn còn thấp so với tiêu chuẩn GS, PGS của các nước có nền giáo dục tiên tiến. Việc Bộ GD-ĐT, Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước nghiên cứu để đổi mới, nâng cao các tiêu chuẩn với các GS, PGS như hiện nay là rất cần thiết.

°Theo dự thảo, từ năm 2019, ứng viên GS nhóm ngành khoa học tự nhiên - công nghệ phải có ít nhất 2 bài báo, ứng viên nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn, có ít nhất 1 bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus. Như vậy có phù hợp?

°Các tiêu chí trong dự thảo đã có nhiều đổi mới, dù so với thế giới vẫn còn thấp. Tuy nhiên, ở Việt Nam, theo tôi cần có lộ trình và tiêu chí phù hợp với từng ngành mới khả thi.

Bên cạnh ý kiến đề nghị nâng tiêu chuẩn lên hơn nữa cũng có ý kiến cho rằng, khi thực hiện chuẩn mới sẽ làm giảm số lượng GS và PGS; thậm chí có thể có tình trạng một số ngành và chuyên ngành sẽ không có GS, PGS mới trong một vài năm tới. Nhưng theo tôi, chúng ta đã quyết tâm nâng cao chất lượng và chuẩn đầu ra với các nghiên cứu sinh, do đó không có lý do gì để chậm trễ áp dụng, nâng cao tiêu chí với đội ngũ người thầy là các GS, PGS. Đây sẽ là cú hích nhằm tăng chất lượng và uy tín của đội ngũ trí thức Việt Nam, làm tăng chất lượng và uy tín của nền giáo dục đại học Việt Nam.

Tôi tin rằng, chúng ta đang có đội ngũ nhiều tiến sĩ trẻ được đào tạo bài bản ở trong và ngoài nước, có thực tài, có năng lực nghiên cứu xuất sắc và nhiều hoài bão trong khoa học. Sau 5-10 năm nữa, chúng ta sẽ có đội ngũ GS, PGS đạt tiêu chuẩn như các nước tiên tiến.

°Tiêu chí về công bố quốc tế với GS, PGS là đương nhiên. Nhưng với một số ngành đặc thù, như nhóm ngành khoa học xã hội - nhân văn không dễ để công bố bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế. Vậy làm thế nào để xem xét tính đặc thù của từng ngành?

°Trong năm 2016, hội đồng ngành vật lý và cơ học có 100% ứng viên GS, PGS đều có bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế ISI. Vì vậy, với một số hội đồng ngành như toán học, vật lý, hóa học và cơ học... có thể đề xuất có mặt bằng tiêu chí cao hơn so với mặt bằng chung, điều này cũng sát và phù hợp với thực tế ở Việt Nam.

Thực tế là các nước tiên tiến thường đòi hỏi trước khi bảo vệ luận án, nghiên cứu sinh phải công bố được tối thiểu 2 bài báo trên tạp chí ISI có uy tín, và không có ngoại lệ với bất kỳ ngành nào. Chính vì vậy, các nghiên cứu sinh trong khối ngành khoa học xã hội nhân văn, kinh tế luật… làm luận án tiến sĩ thường có thời gian kéo dài hơn so với các nghiên cứu sinh trong khối khoa học tự nhiên, công nghệ. Nhưng ở Việt Nam thì ngược lại, khi số nghiên cứu sinh trong khối khoa học xã hội - nhân văn, kinh tế, luật lại nhiều gấp khoảng 4 lần khối khoa học tự nhiên, công nghệ, và cũng thường kết thúc luận án đúng hạn nhanh và nhiều hơn khối khoa học tự nhiên, công nghệ. Vì vậy, tôi cho rằng, việc nâng cao chất lượng và tiêu chí GS, PGS với cả các ngành thuộc khối khoa học xã hội - nhân văn, kinh tế, luật lại cần thiết ở nước ta.

°Một số ý kiến cũng cho rằng, dự thảo yêu cầu ứng viên GS, PGS phải là tác giả chính hoặc chủ biên ít nhất 1 cuốn sách phục vụ đào tạo là không phù hợp với thực tế hiện nay?

°Chức danh GS và PGS phải được gắn với hoạt động đào tạo đại học và sau đại học. Công bố quốc tế là một tiêu chí quan trọng nhất và là tiêu chí hàng đầu, trước tiên để khẳng định trình độ và năng lực khoa học của GS, PGS, nhưng đó chỉ là điều kiện cần. Nếu chỉ vì có nhiều bài báo quốc tế là có thể phong chức danh GS và PGS mà thiếu sách giáo trình, thiếu sách chuyên khảo (dĩ nhiên là sách được hội đồng khoa học thẩm định chất lượng và phải được sử dụng thực tế phục vụ đào tạo đại học và sau đại học) và thiếu hướng dẫn nghiên cứu sinh thì chưa thể đủ. GS và PGS không chỉ là nhà khoa học, mà còn là người thầy.

Công bố quốc tế chứng minh năng lực nghiên cứu khoa học, còn để trở thành một người thầy cần tích lũy được kinh nghiệm sư phạm, cần có thời gian rèn giũa và khẳng định trong môi trường giáo dục đào tạo đại học và sau đại học. Các kết quả qua năm tháng tích lũy được cụ thể hóa bằng việc xuất bản sách giáo trình, sách chuyên khảo có giá trị và đào tạo, hướng dẫn thành công nhiều nghiên cứu sinh.

Tôi cho rằng với chức danh GS, bên cạnh các bài báo, muốn khẳng định uy tín và thương hiệu của mình, xây dựng được trường phái học thuật, rất cần phải có nhiều sách chuyên khảo có giá trị và hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Vì vậy, những quy định của dự thảo lần này về  viết sách, thâm niên và hướng dẫn nghiên cứu sinh bên cạnh các yêu cầu về công bố quốc tế tôi cho là rất cần thiết và quan trọng.

°Xin cảm ơn giáo sư!

LÂM NGUYÊN - NINH HẠNH (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục