Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành da giày

Dù có mức tăng trưởng hàng năm khá cao, nhưng do hạn chế về nguồn vốn, kỹ năng tiếp cận thị trường… nên ngành da giày đang phải đối mặt với sức ép cạnh tranh ngày càng lớn.
Sản xuất giày tại một doanh nghiệp. Ảnh: THÀNH TRÍ
Sản xuất giày tại một doanh nghiệp. Ảnh: THÀNH TRÍ
Sức ép trên sân nhà
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ Trương Thị Thu Hà, sau 6 năm thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển ngành da giày Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, ngành da giày đã tăng trưởng bình quân 6,7%/năm. Ngành hiện là mũi nhọn của nền kinh tế khi chiếm tới 8% - 10% tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) cả nước. Việt Nam hiện chỉ đứng thứ 2 sau Trung Quốc về XK giày dép ra thị trường thế giới. Nhiều thương hiệu lớn, như: Adidas, Nike… đều đặt hàng sản xuất, gia công tại Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp (DN) trong nước có quy mô nhỏ, thiếu vốn và công nhân lành nghề, năng suất lao động thấp… trong khi sức cạnh tranh ngày một gay gắt. 
Đáng chú ý, dù DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chỉ chiếm 23% về số lượng nhưng chiếm tới 81% giá trị XK. Trong đó, chủ yếu là các tập đoàn đến từ Đài Loan, Hàn Quốc, như các tập đoàn Yuan Chi, Pou Chen Group, Feng Tay… với kim ngạch XK mỗi năm hàng tỷ USD. Mức đóng góp của khối DN FDI đang tăng nhanh theo từng năm. Nếu như năm 2013, khối DN này chiếm 75% tỷ trọng, năm 2015 đã tăng lên 78% và năm 2016 chiếm trên 80%. Theo nhận định của các chuyên gia, XK của khối DN FDI liên tục tăng cao là do các DN tiếp tục mở rộng công suất nhà máy hiện có và xây dựng các nhà máy mới tại Việt Nam nhằm đón đầu cơ hội được giảm thuế từ các hiệp định thương mại tự do. Trong khi đó, trái ngược với sức tăng trưởng từ khối DN FDI, xuất khẩu của các DN trong nước lại có xu hướng giảm; năm 2013 chiếm 25% tỷ trọng, đến năm 2015 giảm còn 21,4% và sang năm 2016 chỉ còn 19,2%.
Nguyên do, các DN nội địa gặp khó khăn về nguồn vốn và tiếp cận thị trường khiến chậm chân hơn trong việc mở rộng sản xuất, yếu sức cạnh tranh. Qua đây cho thấy, DN trong nước đang thua kém rất nhiều và cần phải có giải pháp căn cơ trong tương lai. “Trong cơ cấu giá trị của một đôi giày, nguyên phụ liệu chiếm 70%, chi phí nhân công 15%, chi phí đầu vào và quản lý gián tiếp chiếm 9%, còn lại 6% là lợi nhuận của DN. Hiện nay, chi phí nhân công sản xuất ngày một tăng, nên nếu tỷ lệ nội địa nguyên phụ liệu không tiếp tục được nâng lên, các DN sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, đại diện Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) đưa ra khuyến nghị. Không chỉ gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, các DN sản xuất trong nước còn phải đối mặt với áp lực cạnh tranh rất khốc liệt từ hàng ngoại nhập, hàng giả, hàng nhái.
Theo Lefaso, hiện nay 50% sản phẩm giày dép tiêu thụ trên thị trường nội địa đến từ Trung Quốc, Thái Lan. Nguyên do là ngoài khả năng tài chính hạn chế, chưa có kỹ năng nghiên cứu, đánh giá thị trường chuyên nghiệp, còn do tư tưởng sính ngoại của một bộ phận người tiêu dùng cũng khiến giày dép Việt khó cạnh tranh ngay trên sân nhà.
Chính sách bảo hộ phù hợp
Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành da giày, mới đây Bộ Công thương đã ban hành quyết định điều chỉnh quy hoạch để giúp ngành phát triển bền vững hơn. Theo đó, đề án Điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành công nghiệp da giày Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã đưa ra 3 kịch bản cho phát triển ngành trong giai đoạn tới. Cụ thể, với kịch bản cao, tổng kim ngạch XK của ngành năm 2025 đạt 43,97 tỷ USD, năm 2035 đạt 74,19 tỷ USD; với kịch bản cơ sở, XK sẽ đạt 37,23 tỷ USD và 57,6 tỷ USD; còn kịch bản thấp dự kiến đạt 31,4 tỷ USD và 44,6 tỷ USD… Để thực hiện các mục tiêu đưa ra, quy hoạch điều chỉnh cũng đưa ra các nhóm giải pháp, gồm: Phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu, đầu tư, quản lý ngành, tài chính, khoa học công nghệ… 
Theo Phó Chủ tịch Lefaso Diệp Thành Kiệt, để có một quy hoạch chắc chắn cho ngành da giày, đề án phải có sự phân tích bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam, giai đoạn từ năm 2017-2035, dự báo được các chính sách của các nước và khu vực lớn trên thế giới. Bên cạnh đó, phải làm việc với các nhà đặt hàng về chiến lược phát triển và xu hướng tiêu thụ sản phẩm trong 5 năm tới; đồng thời phải có sự phân tích về các DN FDI vì các DN này đang chiếm áp đảo tỷ lệ năng lực sản xuất của ngành da giày.
Ngoài ra, đề án phải xác định cụ thể các mục tiêu về tỷ trọng của DN Việt Nam, khả năng cung cấp nguyên phụ liệu, khả năng chiếm lĩnh thị trường nội địa. Ngoài ra, để hỗ trợ DN, bên cạnh chính sách chung áp dụng cho ngành, cần có các chính sách riêng áp dụng cho các đối tượng DN cụ thể. Để DN không thua ngay trên sân nhà, cần có các chính sách phù hợp để bảo hộ sản xuất trong nước và kiểm soát chặt chẽ đối với  hàng tiểu ngạch, hàng giả, hàng nhái…
Ngoài ra, ngành da giày cần đổi mới mô hình sản xuất, tham gia các chuỗi sản xuất da giày trong nước, khu vực và toàn cầu; đồng thời, đổi mới công nghệ, thiết bị hiện đại hóa và mở rộng quy mô sản xuất của các DN trong nước, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm XK. Để có thể cạnh tranh với làn sóng hàng ngoại nhập, DN sản xuất da giày trong nước cần hình thành chuỗi liên kết bằng việc mua nguyên liệu từ các nhà cung ứng trong nước để hạ giá thành, ổn định sản xuất. Đây cũng là giải pháp phải nhằm thoát khỏi sự lệ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập từ nước ngoài.
Bên cạnh đó, các DN sản xuất và DN thương mại ở các địa phương phải kết nối với nhau để tạo ra các kho, trạm trung chuyển. Điều này hết sức cần thiết, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, tạo lợi thế cạnh tranh cho DN mà còn là yếu tố quan trọng để người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm với giá cả hợp lý.

Tin cùng chuyên mục