Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng ​

Sáng 25-12, Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2018 đã được Bộ Tư pháp tổ chức tại Hà Nội. Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến dự và phát biểu tại Hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Theo Báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2018, trong bối cảnh khối lượng công việc tăng, nhiều việc phát sinh ngoài kế hoạch, điều kiện về nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất còn hạn chế…, ngành Tư pháp đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận.

Bộ Tư pháp đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện 313 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, qua đó đã hoàn thành 279 nhiệm vụ, đang tiếp tục thực hiện 34 nhiệm vụ (chủ yếu là nhiệm vụ có thời hạn hoàn thành trong năm 2018), không có nhiệm vụ quá hạn.

Trên cơ sở những định hướng của công tác tư pháp, Bộ Tư pháp đã nêu rõ 8 nhóm giải pháp trọng tâm trong năm 2018, trong đó đáng lưu ý là việc thực hiện rà soát, đánh giá tổng thể pháp luật Việt Nam phục vụ việc xem xét phê chuẩn các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thực hiện hội nhập quốc tế theo Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Một nhóm giải pháp quan trọng không kém là việc thực hiện tốt công tác kiểm tra, kịp thời xử lý văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) theo thẩm quyền, tập trung xử lý triệt để các văn bản trái pháp luật đã được phát hiện và kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với người tham mưu ban hành văn bản trái pháp luật.

Trong công tác thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp cho biết sẽ xây dựng, trình Quốc hội, Chính phủ Đề án miễn thi hành án các khoản thu, nộp ngân sách không có điều kiện thi hành, đã tồn đọng trong nhiều năm; tập trung giải quyết có hiệu quả các khoản nợ của tổ chức tín dụng; các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; bảo đảm thi hành dứt điểm các các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính còn tồn đọng.

Báo cáo khẳng định sẽ “đề xuất xử lý nghiêm trách nhiệm đối với các trường hợp không chấp hành án hành chính, gắn với trách nhiệm người đứng đầu, nhất là Chủ tịch UBND các cấp trong thi hành án hành chính”…

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị, ngành Tư pháp tiếp tục chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng thành các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là về xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Đồng thời, ngành cần làm tốt công tác tham mưu với Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương trong việc thực hiện các nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp.

Chủ tịch nước yêu cầu ngành Tư pháp chú trọng triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong toàn hệ thống thi hành án dân sự, tiếp tục thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu thi hành án dân sự; xây dựng và thực hiện các giải pháp giảm số lượng án tồn đọng, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng. “Chỉ có như vậy mới củng cố được niềm tin của nhân dân vào tính nghiêm minh của pháp luật và cơ quan tư pháp, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội”, đồng chí Trần Đại Quang khẳng định.

Tin cùng chuyên mục