Năm 2020, vận hành thống nhất hệ thống thông tin đất đai trên toàn quốc

Từ nay đến năm 2020, Bộ TN-MT sẽ xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia theo lộ trình Chính phủ điện tử, cũng như hệ thống thông tin quản lý đất đai được vận hành thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà chủ trì Hội thảo “Mô hình và phần mềm vận hành hệ thống thông tin đất đai”

Tại Hội thảo “Mô hình và phần mềm vận hành hệ thống thông tin đất đai” được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tổ chức ngày 9-3, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà khẳng định, thông tin đất đai cần tiếp cận được công nghệ tiên tiến và sẽ được cập nhật thường xuyên để bắt kịp trình độ công nghệ thông tin của thế giới.

Bộ TN-MT mong muốn nhận được sự hợp tác của các tổ chức, doanh nghiệp từ hạ tầng đến cung cấp dịch vụ dưới các hình thức đầu tư như BT, BOT để có thể triển khai hệ thống này rộng khắp trong cả nước và phát huy tính hiệu quả trong thực tiễn, hướng đến xã hội hóa dịch vụ cung cấp thông tin đất đai.

Vẫn theo người đứng đầu Bộ TN-MT, theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, Bộ TN-MT sẽ xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia theo lộ trình Chính phủ điện tử, cũng như hệ thống thông tin quản lý đất đai được vận hành thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Tại hội thảo, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp công nghệ thông tin như FPT, Tập đoàn VNPT, Tập đoàn CMC, Tập đoàn AIC… đã cùng thảo luận, đưa ra phương án tối ưu để xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai một cách đồng bộ và thống nhất, có khả năng ứng dụng cao và đặc biệt là dễ sử dụng để mọi người dân có thể tiếp cận.

Để tạo khung khổ pháp lý cho việc xây dựng, vận hành hệ thống, ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai cho biết, Bộ TN-MT đã trình Chính phủ 2 dự thảo Nghị định, bao gồm “Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai”, “Nghị định quy định về xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác sử dụng hệ thống thông tin đất đai” và đang xây dựng các thông tư quy định chi tiết kèm theo.

Ông Đào Trung Chính nhấn mạnh, hệ thống thông tin đất đai phải được xây dựng căn cứ trên nhu cầu, điều kiện thực tế, huy động được tối đa nguồn lực cho công tác ứng dụng công nghệ thông tin và tính hiệu quả giữa việc đi thuê dịch vụ so với đầu tư xây dựng mới.

Đặc biệt, một yêu cầu rất quan trọng là hạ tầng kỹ thuật công nghệ của hệ thống thông tin đất đai cũng cần phải phù hợp với khung kiến trúc của Chính phủ điện tử Việt Nam, kiến trúc của Chính phủ điện tử của Bộ TN-MT và kiến trúc của Chính phủ điện tử của các địa phương...

Tin cùng chuyên mục