Năm 2017, tăng trưởng GDP ước đạt 6,7%

Kết quả nổi bật năm 2017 là tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 6,7%, hoàn thành mục tiêu đề ra, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước với khoảng cách lớn, trên 1 điểm phần trăm; quy mô GDP đạt khoảng 5 triệu tỷ đồng
Các doanh nghiệp lớn thuộc ngành điện tử, điện thoại tăng mạnh sản lượng
Các doanh nghiệp lớn thuộc ngành điện tử, điện thoại tăng mạnh sản lượng

Sáng 12-10, tiếp tục chương trình nghị sự phiên họp thứ 15, UBTVQH nghe và cho ý kiến về báo cáo tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm 2017.

Trước khi bắt đầu phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gửi lời chia sẻ sâu sắc với đồng bào ở nhiều địa phương trên cả nước đang bị ảnh hưởng lũ lụt do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, đề nghị Chính phủ và các bộ ngành quan tâm chỉ đạo khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định cuộc sống cho nhân dân.

Theo Báo cáo của Chính phủ tại phiên họp, kinh tế vĩ mô đang được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 4%; các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo; tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý, đáp ứng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tập trung cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên, khu vực sản xuất kinh doanh; lãi suất giảm từ 0,5%-1%; tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định; dự trữ ngoại hối tăng; thị trường chứng khoán khởi sắc, vượt mốc 800 điểm trong vòng 9 năm qua; thu ngân sách đạt khá; nợ công trong giới hạn quy định.

“Kết quả nổi bật năm 2017 là tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 6,7%, hoàn thành mục tiêu đề ra, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước với khoảng cách lớn, trên 1 điểm phần trăm; quy mô GDP (theo giá hiện hành) đạt khoảng 5 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 225 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng 2.400 USD”, báo cáo nêu rõ.

Nổi bật là tăng trưởng cao ở khu vực công nghiệp và xây dựng (7,6%), trong đó, đóng góp chủ yếu là của khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 12,9%), nhờ sự mở rộng quy mô sản xuất, tăng sản lượng đột biến của các doanh nghiệp lớn thuộc ngành điện tử, điện thoại (như nhà máy Samsung), ngành thép (như nhà máy Formosa).

Khu vực dịch vụ tăng mạnh (7,6%) với sự khởi sắc của dịch vụ bán buôn, bán lẻ trong nước (tăng 8,7%), khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 13 triệu lượt khách, tăng 30%.

Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản phục hồi, tăng 2,9%, trong đó đóng góp chính là ngành thủy sản, tăng 5,5%...

Bên cạnh đó, nhiều chỉ tiêu khác cũng tăng cao so với năm 2016, phản ánh kết quả tăng trưởng năm 2017 là hợp lý, như: xuất khẩu tăng mạnh, ước đạt 202 tỷ USD, tăng 14,4% (cao gấp hơn 2 lần so với tốc độ tăng GDP và cao gấp 1,5 lần tốc độ tăng của năm 2016); thu ngân sách nhà nước ước tăng 10,1% (cao gấp 1,5 lần so với tốc độ tăng GDP); huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 33,4% GDP, tăng 12,6% (cao gấp gần 1,5 lần tốc độ tăng của năm 2016), trong đó vốn FDI thực hiện tăng mạnh, ước đạt 17 tỷ USD, tăng 7,5%, vốn đầu tư thực hiện thông qua góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt khoảng 3 tỷ USD; doanh nghiệp thành lập mới tăng cao, tăng 13,5% về số doanh nghiệp và tăng 36,3% về số vốn đăng ký...

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế năm 2017 tăng 5 bậc, đứng thứ 55/137 quốc gia, vượt qua Philippines và đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN; môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 9 bậc, đứng thứ 82/190 nền kinh tế, duy trì vị trí thứ 5 trong khu vực ASEAN.

Tin cùng chuyên mục