Mỹ - Trung Quốc: Nguy cơ kéo dài chiến tranh tiền tệ

Các chuyên gia, trong đó có nhiều cựu chủ tịch Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã cảnh báo nguy cơ kéo dài chiến tranh tiền tệ Mỹ - Trung Quốc và những hậu quả đi kèm trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục leo thang.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc tiếp tục ảnh hưởng đến chứng khoán toàn cầu
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc tiếp tục ảnh hưởng đến chứng khoán toàn cầu

Bước đi của Bắc Kinh

Theo các nhà phân tích quốc tế, biện pháp thả nổi đồng nhân dân tệ của Trung Quốc có ít nhiều cơ may giới hạn thiệt hại trước đòn tấn công áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, chiến thuật này là con dao hai lưỡi. Cho dù Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC, tức Ngân hàng Trung ương Trung Quốc) Dịch Cương phủ nhận cáo buộc phá giá đồng tiền để trả đũa Mỹ, nhưng trong một bản thông cáo, ngân hàng này xác nhận đang phải “đối phó với những tác động đơn phương, những biện pháp bảo hộ mậu dịch”.

Giới phân tích tin rằng Bắc Kinh đã sẵn sàng sử dụng vũ khí tiền tệ để trả đũa Mỹ trong bối cảnh chiến tranh thương mại không lối thoát. Bo Zhuang, chuyên gia người Trung Quốc của Trung tâm nghiên cứu TS Lombard, cho rằng sự kiện đồng nhân dân tệ mất giá đột ngột là hậu quả của một cuộc “can thiệp chủ động” của ngân hàng nhà nước để hỗ trợ cho hàng xuất khẩu, cũng như để làm giảm bớt phần nào tác động của biện pháp áp thuế của Mỹ.

Theo giáo sư Nathalie Janson, Đại học thương mại NEOMA, Paris, không có gì bảo đảm là Trung Quốc sẽ thành công, nhưng Bắc Kinh chỉ có phương tiện tiền tệ để trả đũa Mỹ trong cuộc chiến thương mại nhằm hỗ trợ xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Nhưng điều này cũng đi ngược lại chính sách của Trung Quốc, bởi từ năm 2015 Bắc Kinh cố gắng ổn định đồng tiền để ngăn chặn xu hướng vốn đầu tư chạy ra nước ngoài.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế trong quý 2-2019 ở mức 6,2%, mức thấp nhất từ 27 năm qua, lạm phát tăng cao sẽ gây thêm khó khăn cho nền kinh tế nước này. Do vậy, theo nhận định của Mark Sobel, một cựu viên chức của Bộ Tài chính Mỹ, Bắc Kinh có thể sẽ kiểm soát chặt chẽ vốn đầu tư và tránh không để đồng nhân dân tệ lao dốc không phanh.

Chuẩn bị đường dài

Trong lúc này, các nhà kinh tế Trung Quốc đang kêu gọi chuẩn bị cho cuộc chiến tranh tiền tệ kéo dài với Mỹ khi mà cuộc chiến thương mại ngày càng leo thang. Chen Yuan, cựu Phó Thống đốc phụ trách chính sách của PBOC, cho rằng việc Mỹ gắn mác Trung Quốc là “nước thao túng tiền tệ” là lời tuyên chiến về chiến tranh tiền tệ và tài chính, do đó các nhà hoạch định chính sách phải chuẩn bị cho khả năng cuộc chiến này kéo dài.

Thậm chí, cựu Thống đốc PBOC Zhou Xiaochuan hôm 10-8 cho rằng, xung đột Trung Quốc với Mỹ có thể mở rộng từ mặt trận thương mại sang các lĩnh vực khác, bao gồm chính trị, quân sự và công nghệ.

Ông Zhou kêu gọi nỗ lực cải thiện vai trò toàn cầu của nhân dân tệ để đối phó với những thách thức của hệ thống tài chính bằng USD. Sau việc PBOC cho phép đồng nhân dân tệ suy yếu trên 7 tệ/USD vào đầu tháng 8, Tổng thống Donald Trump tố cáo nước này thao túng tiền tệ, đồng thời cho biết các cuộc đàm phán với Trung Quốc được lên kế hoạch cho tháng 9 có thể bị hoãn lại. Các nhà hoạch định chính sách kinh tế Trung Quốc giờ đây đang giải bài toán: làm thế nào để hỗ trợ nền kinh tế trong khi tỷ lệ lạm phát có thể tăng cao.

Các nhà kinh tế Trung Quốc thừa nhận việc Bắc Kinh bị Mỹ tuyên bố là nước thao túng tiền tệ là một phần trong chiến lược chiến tranh thương mại tác động lớn đến Trung Quốc. Theo họ, trong khi Trung Quốc nên cố gắng tránh mở rộng thêm các tranh chấp với Mỹ, các nhà hoạch định chính sách phải chuẩn bị cho cuộc xung đột lâu dài với Mỹ về tiền tệ.

Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc thì cho rằng việc Mỹ buộc tội Trung Quốc thao túng tiền tệ là một hành động “nhằm đưa Mỹ đạt được lợi thế trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc nhưng chắc chắn sẽ thất bại”.

Tin cùng chuyên mục