Mỹ khởi động kế hoạch rút khỏi Syria

CNN dẫn nguồn tin từ một quan chức Mỹ cho biết quân đội Mỹ đã rút một số kiện hàng và khí tài quân sự khỏi Syria. Hành động này cho thấy phía Mỹ đã khởi động kế hoạch rút toàn bộ lực lượng Mỹ khỏi Syria được Tổng thống Donald Trump công bố hồi tháng trước.
Lực lượng quân sự Mỹ ở Syria
Lực lượng quân sự Mỹ ở Syria

Duy trì cuộc chiến chống khủng bố

Phía quân đội Mỹ chưa cho biết loại khí tài nào đang được chuyển đi cũng như vị trí thu hồi trang thiết bị. Bộ tư lệnh Trung tâm Mỹ (Centcom) là đơn vị giám sát chiến dịch rút quân, đồng thời triển khai nhiều tàu chiến, máy bay và các đơn vị mặt đất hỗ trợ hoạt động này. Lực lượng của Centcom cung cấp thông tin trinh sát và tình báo, bảo đảm an ninh và vận tải cho binh sĩ ở Syria.

Trước đó có thông tin cho rằng nhiều khả năng Mỹ sẽ rút quân từ khu vực phía Bắc Syria, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, binh sĩ Mỹ có thể không rời quốc gia Trung Đông này ngay lập tức. Phát biểu trong chuyến công du vừa diễn ra ở Ai Cập, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Washington sẽ rút quân khỏi Syria trong khi tiếp tục hoàn tất cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Việc rút quân sẽ diễn ra từng bước theo lịch trình và Mỹ vẫn là một đối tác quan trọng ở Trung Đông trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuyên bố được đưa ra vào thời điểm Chính phủ Mỹ đang chịu nhiều chỉ trích từ phía đồng minh sau kế hoạch rút quân bất ngờ khỏi Syria. Sau khi công bố kế hoạch trên, Ngoại trưởng Pompeo đã khởi động chuyến công du đến 8 quốc gia Trung Đông. Dù đây là chuyến thăm được lên lịch trình từ trước, nhưng dư luận vẫn cho rằng sứ mệnh của ông Pompeo trong chuyến công du là nhằm xóa bỏ phần nào những nghi ngại của đồng minh trong khu vực này. Sự kiện ông Pompeo lên đường sang Trung Đông chỉ diễn ra chỉ vài ngày sau khi Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton bắt đầu thực hiện chuyến công du tới Thổ Nhĩ Kỳ và Israel vào ngày 4-1 với sứ mệnh đưa ra lời giải thích về kế hoạch rút quân của Mỹ trước Ankara và Tel Aviv.

Thêm đồng minh muốn rút quân

Mỹ có khoảng 2.000 binh sĩ ở Syria, phần lớn là lực lượng đặc nhiệm hỗ trợ Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) với thành phần là dân quân người Kurd và Arab. Ngoài các nước đồng minh, quyết định này còn vấp phải sự phản đối của nhiều nghị sĩ Mỹ, trong đó có các nghị sĩ đảng Cộng hòa, quan chức Bộ Quốc phòng cũng như các đồng minh của Washington. Hầu hết các ý kiến chỉ trích cho rằng việc rút quân có thể tác động đến tình hình thực địa, tạo ra những phân nhánh địa chính trị bất thường. Bên cạnh đó, quyết định này còn khiến số phận của liên minh giữa các tay súng người Kurd và Arab, trong đó lực lượng người Kurd chiếm đa số, còn gọi là Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) vốn được Mỹ ủng hộ tham gia cuộc chiến chống IS, rơi vào tình cảnh không chắc chắn.

Phản ứng về quyết định rút quân của đồng minh Mỹ, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết nước này sẵn sàng rút quân khỏi Syria khi quốc gia Trung Đông đạt được một giải pháp chính trị. Tuyên bố này đã để ngỏ khả năng Pháp sẽ rút quân sau Mỹ. Các cố vấn của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được cho là đã gặp nhóm người Kurd đại diện cho nhóm vũ trang SDF để khẳng định về sự hỗ trợ từ phía Paris trong tương lai sau khi Mỹ rút quân khỏi Syria.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại có tuyên bố cứng rắn hơn. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu khẳng định, chiến dịch quân sự nhằm vào lực lượng Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) được Mỹ hậu thuẫn ở vùng Đông Bắc Syria sẽ không phụ thuộc vào việc Mỹ rút quân hay không. Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã lên án việc Mỹ hậu thuẫn quân sự cho các chiến binh người Kurd, mà Ankara coi là tổ chức khủng bố, có liên quan đến đảng Công nhân người Kurd (PKK). Phía Nga cho biết trong thời gian tới, giới chức 2 nước sẽ có các cuộc tiếp xúc liên quan đến vấn đề Syria.

Tin cùng chuyên mục