Mỹ để ngỏ lựa chọn quân sự với Iran: Kiếm tuốt cung giương

Ngày 16-6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Washington đang cân nhắc mọi lựa chọn trong đó có cả những lựa chọn quân sự. Cùng lúc nhóm cố vấn của Tổng thống Donald Trump cũng thảo luận khả năng tăng cường lực lượng quân sự đến vịnh Oman.
Tàu sân bay USS Abraham Lincoln của Mỹ hoạt động ở Trung Đông. Ảnh: Reuters
Tàu sân bay USS Abraham Lincoln của Mỹ hoạt động ở Trung Đông. Ảnh: Reuters

Rục rịch chuyển quân

Trả lời phỏng vấn trong chương trình Face the Nation của kênh CBS, ông Mike Pompeo tuyên bố Washington có thể triển khai một loạt hành động nhằm khôi phục khả năng răn đe, trong đó bao gồm cả một phản ứng quân sự.

Ngay trong ngày 17-6, 2 quan chức chính phủ Mỹ giấu tên cho biết nhóm cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump đang chuẩn bị họp bàn về khả năng triển khai thêm lực lượng quân sự tới Trung Đông. Cuộc họp của nhóm cố vấn Nhà Trắng tập trung vào việc răn đe, phòng thủ trước mối đe dọa từ Tehran cùng những lực lượng sẽ được triển khai cho nhiệm vụ này. Quan chức giấu tên cho biết các đơn vị bộ binh sẽ không nằm trong diện xem xét, trong khi tên lửa phòng không Patriot, tiêm kích và tàu chiến được coi là giải pháp răn đe hiệu quả hơn. Tuy nhiên, chưa rõ thời điểm ông chủ Nhà Trắng sẽ nhận báo cáo và quyết định cuối cùng được đưa ra. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cuối tuần trước cũng hé lộ thông tin về các cuộc thảo luận này: “15% sản lượng dầu toàn thế giới được vận chuyển qua eo biển Hormuz, nên chúng ta rõ ràng phải lên kế hoạch dự phòng trường hợp tình hình xấu đi”.

Quân đội Anh cùng ngày thông báo triển khai 100 binh sĩ thủy quân lục chiến nhằm thành lập nhóm tác chiến thường trực số 19 có nhiệm vụ tuần tra trong khu vực vùng biển quanh căn cứ hải quân của nước này ở Bahrain. Theo Bộ Quốc phòng Anh, nhóm tác chiến này sẽ được biên chế tàu cao tốc và máy bay trực thăng để bảo vệ các chiến hạm và tàu hàng của Anh hoạt động ở vịnh Ba Tư trước mọi nguy cơ bị tấn công. Từ giữa tháng 5 tới nay, London cũng bày tỏ lo ngại sau vụ 4 tàu chở hàng bị tấn công bằng thuốc nổ tại phía Nam cảng Fujairah của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), nơi được hải quân Anh thường xuyên dùng làm trạm trung chuyển và trung tâm hậu cần cho các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân của nước này.

Nguy cơ đối đầu rất cao

Loạt diễn biến mới này xảy ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại Vùng Vịnh sau khi tàu dầu Kokura Courageous của Nhật và Front Altair của Na Uy bị tấn công bằng chất nổ sáng 13-6 trên vịnh Oman. Vụ nổ khiến tàu Kokura Courageous bị thủng nhiều lỗ, trong khi Front Altair bốc cháy. Toàn bộ 44 thủy thủ trên 2 tàu đều được giải cứu. Washington và đồng minh cáo buộc Tehran đứng sau sự việc. Iran bác bỏ các cáo buộc, đồng thời kêu gọi mở cuộc điều tra nhằm làm rõ quy mô và thủ phạm. Nga kêu gọi các bên kiềm chế và không vội vàng quy kết trách nhiệm cho bất kỳ nước nào.

Theo Ali Vaez, chuyên gia về Iran thuộc Nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG): “Có quá nhiều xích mích giữa Iran và Mỹ trong khu vực, do vậy nguy cơ đối đầu là rất cao”. Có nhiều nguy cơ giữa Mỹ và Iran, trong khi không có kênh liên lạc hay kế hoạch để chấm dứt khủng hoảng giữa 2 nước. Tuyên bố của Mỹ về một sự đáp trả “không thể chấp nhận được trước bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào các lợi ích của Mỹ hay các đồng minh của Mỹ” đi theo hướng này. Do vậy, John Bolton, Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã kêu gọi một cuộc tấn công phủ đầu đối với Iran với mục tiêu phá hủy hệ thống phòng không và các cơ sở nghiên cứu hạt nhân của nước này.

Xung đột cũng có thể đến từ một đồng minh hay các chủ thể phi nhà nước, chẳng hạn việc các phiến quân Hồi giáo Houthi tấn công các giàn khoan dầu của Saudi Arabia. Người ta chứng kiến một khu vực hết sức bất ổn, với sự đối đầu của Iran và Saudi Arabia và với UAE, Qatar bị phong tỏa, chiến tranh ở Yemen...

Tin cùng chuyên mục