Muốn nhanh cứ phải từ từ

HLV Park Hang-seo đã chọn cho mình một công việc rất khó, tức là gọi đến 50% cầu thủ trên 23 tuổi vào danh sách tập trung cho AFF Cup 2018 sắp đến.

Vì trên thực tế, nếu sử dụng đội hình U.23 Việt Nam để thi đấu tại AFF Cup, ông Park Hang-seo sẽ đỡ áp lực hơn. Số đông đang muốn điều đó và nếu có thất bại thì cá nhân ông Park cũng có nhiều cách để giải thích.

Nhưng hơn ai hết, HLV Park Hang-seo hiểu rằng, mọi thứ không thể vội vàng được như vậy. Ông thầy người Hàn Quốc suýt nữa đã là nạn nhân của áp lực thành tích ấy tại Asiad 2018. Chỉ trong một thời gian ngắn, người hâm mộ Việt Nam đã muốn các cầu thủ U.23 thắng mọi trận đấu, đánh bại mọi đối thủ tại châu Á. Sau khi trở thành á quân U.23, người ta lại muốn có HCV Asiad, tham vọng cứ dồn lên nhanh chóng mà quên đi các giới hạn khó có thể thay đổi trong một sớm một chiều ở các cầu thủ Việt Nam. 
Ông Park Hang-seo ký hợp đồng với bóng đá Việt Nam với tư cách là HLV trưởng đội tuyển quốc gia. Nghĩa là sự thành công cũng như giá trị của chính cá nhân ông Park nằm ở thành tích AFF Cup 2018 và giải vô địch châu Á Asian Cup 2019 sắp đến. Những chiến tích ở lứa tuổi U.23, có thể quan trọng với bóng đá Việt Nam ở thời điểm hiện nay, nhưng xét trên bình diện quốc tế, các đánh giá tích cực vẫn còn hạn chế. Vị trí của bóng đá Việt Nam trên bản đồ thế giới vẫn chưa thay đổi, ít nhất là ở bảng xếp hạng FIFA hay thứ hạng tại khu vực Đông Nam Á. Bản thân HLV Park Hang-seo cũng chưa hề có chiến thắng nào khi cầm quân ở đội tuyển.

Nói cách khác, các sân chơi AFF Cup hay Asian Cup hoàn toàn khác biệt so với những giải đấu dành cho U.23 vừa qua. Kinh nghiệm thi đấu giữa một cầu thủ trưởng thành và một cầu thủ trẻ được tính bằng nhiều năm phấn đấu liên tục. Với một lứa cầu thủ trẻ tài năng, HLV Park Hang-seo có thể giúp họ trở nên vượt trội so với các đối thủ cùng độ tuổi, nhưng chắc chắn ông không thể cho họ kinh nghiệm và bản lĩnh thi đấu, thứ mà rất nhiều đối thủ sắp đến của chúng ta đang có. 

Bóng đá Việt Nam đã từng có bài học ở thế hệ 2003. Chúng ta vội vàng đưa các cầu thủ trẻ tham gia vào mọi giải đấu để rồi phải mất đến 5 năm sau, mới vô địch AFF Cup 2008 bằng một lứa cầu thủ khác, được tích lũy kinh nghiệm từ giải V-League khi đó đang ở thời cực thịnh. Mạnh như Thái Lan ở Đông Nam Á, họ cũng mất ít nhất 5 năm kể từ sau thua Việt Nam tại AFF Cup 2008 mới xây dựng một đội bóng trẻ để trở thành nhà vô địch AFF Cup 2 kỳ liên tiếp gần đây cũng như lọt vào vòng đấu loại cuối cùng World Cup 2018 khu vực châu Á. Trong khi đó, dù đoạt 2 HCV ở các kỳ SEA Games 1999, 2001 nhưng Malaysia lại không thành công ở cấp độ đội tuyển quốc gia những năm gần đây, nay phải bắt đầu lại từ đội U.23. Hay như Myanmar, có lứa cầu thủ dự U.20 World Cup và chung kết SEA Games năm 1995 nhưng đến nay vẫn chưa phát triển đến đâu. 

Tóm lại, thay vì nôn nóng với U.23, cần phải có một quá trình để họ được tích lũy thành công. Sự thận trọng của HLV Park Hang-seo không chỉ thông qua bản danh sách triệu tập có nhiều cầu thủ lớn tuổi, mà còn ở việc ông khéo léo nhờ các trợ lý người Hàn Quốc của mình trả lời báo chí tự hạ thấp mục tiêu tại AFF Cup 2018 sắp đến, đồng thời cảnh báo người hâm mộ về những khó khăn khó lường phía trước. HLV Park Hang-seo dường như muốn để cho các cầu thủ U.23 thêm thời gian, ít nhất là cho đến kỳ AFF Cup lần kế tiếp.

Tin cùng chuyên mục