Mục tiêu của “Tòa Monsanto”

Monsanto, tập đoàn hóa chất khổng lồ của Mỹ, vừa bị đưa ra Tòa án Công dân quốc tế do các tổ chức dân sự thực hiện tại The Hague (Hà Lan). Như những lần trước, phía Monsanto vắng mặt. Vì đây là phiên tòa mang tính hình thức nên không có lời tuyên án nào được đưa ra sau 2 ngày điều trần. Nhưng phiên tòa không chỉ có mục đích lên án Monsanto.
Mục tiêu của “Tòa Monsanto”

Monsanto, tập đoàn hóa chất khổng lồ của Mỹ, vừa bị đưa ra Tòa án Công dân quốc tế do các tổ chức dân sự thực hiện tại The Hague (Hà Lan). Như những lần trước, phía Monsanto vắng mặt. Vì đây là phiên tòa mang tính hình thức nên không có lời tuyên án nào được đưa ra sau 2 ngày điều trần. Nhưng phiên tòa không chỉ có mục đích lên án Monsanto.

Cơ sở để luận tội

Dù phiên tòa kéo dài trong 2 ngày 15 và 16-10 vừa qua mang tính hình thức (và không có lời tuyên án) nhưng có đến 20 nguyên đơn từ khắp các châu lục có mặt để tố cáo những tội ác của tập đoàn này với những tội danh vi phạm nhân quyền, phạm tội ác chống nhân loại và hủy hoại môi trường; trong đó lớn nhất là tội sản xuất chất độc da cam, gây thảm kịch lên nhiều thế hệ công dân tại Việt Nam. Nhà sáng lập John F.Queeny cũng bị đưa vào ghế bị cáo tại “Tòa Monsanto” vì tội đã xây dựng kiểu làm nông nghiệp phát sinh nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tội khiến cho nông dân khắp thế giới phải phụ thuộc vào giống có bảo hộ quyền phát minh của công ty và tội “vận động hành lang đối với những cơ quan luật pháp và chính phủ” để đạt mục đích kinh doanh của mình.

Phiên tòa chống lại Monsanto này từng được nêu ra nhân Hội nghị quốc tế chống biến đổi khí hậu ở Paris (Pháp) vào đầu tháng 12-2015. Đối với những nguyên đơn và ban tổ chức của “Tòa Monsanto”, mục tiêu của họ cao hơn việc đấu tranh chống lại Monsanto, bởi họ muốn phải làm sao đưa các lãnh đạo doanh nghiệp và lãnh đạo chính trị ra tòa vì tội phá hủy đất đai, gây ô nhiễm đại dương hoặc nguồn nước sinh hoạt của các cộng đồng dân cư. Chưa kể, việc tổ chức “Tòa Monsanto” sẽ giúp thúc đẩy khuôn khổ luật quốc tế, trong đó có việc xử các tội ác hủy hoại môi trường, tức bất kỳ hành vi nào chống lại môi trường sống của con người, từ việc hủy hoại cho đến việc gây nguy hại lâu dài cho hệ thống môi trường mà các cộng đồng dân cư đang sống phải phụ thuộc.

Tự tử vì Monsanto

Tại Ấn Độ, phong trào biểu tình chống Monsanto ngày càng gia tăng cùng với số người tự tử vì rơi vào bẫy của tập đoàn này. Đã có hơn 40.000 nông dân tự tử vì chiến lược của Monsanto. Sau mỗi mùa gặt, nếu không dư tiền để mua lại hạt giống mới cho mùa tới là coi như vỡ nợ và đói.

Biểu tình chống GMO ở Ấn Độ

Hôm 5-10, hưởng ứng phong trào biểu tình chống Monsanto và phản đối thực phẩm biến đổi gien (GMO) đang diễn ra trên khắp Ấn Độ, những người tiêu thụ và trồng thực phẩm hữu cơ ở vùng Doaba đã xuống đường. Họ gửi một văn bản ghi nhớ đến chính quyền bang Punjab, yêu cầu không cho phép các GMO xuất hiện ở địa phương, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng nên khuyến khích, tạo điều kiện cho một trung tâm chuyên trách chống lại cuộc xâm lăng của GMO.

Theo một báo cáo hồi tháng 8, doanh thu bán hạt giống bông biến đổi gien của Tập đoàn Monsanto sụt giảm mạnh trong bối cảnh Chính phủ Ấn Độ tích cực khuyến khích phát triển hạt giống bông trong nước. Hàng ngàn người trồng bông trên khắp miền Bắc Ấn Độ, khu vực sản xuất bông nhiều nhất thế giới và xuất khẩu sợi bông nhiều thứ 2 thế giới, đã chuyển sang dùng hạt giống bông mới của địa phương mình. Đây là cú đánh khá mạnh vào Tập đoàn Monsanto tại thị trường bông lớn thứ 2 thế giới, ngoài Mỹ.

Kinh nghiệm chống GMO

Năm 2015, Nga cùng hàng chục quốc gia khác đã tham gia lệnh cấm thương mại hóa cây trồng biến đổi gien, cũng như cấm nhập khẩu sản phẩm GMO. Trong thông điệp liên bang cuối năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dành lượng lớn thời gian để nói về việc cải cách nông nghiệp. Tổng thống Putin không chỉ tạo ra động lực cho chiến lược tăng cường an ninh lương thực của nước Nga, trong bối cảnh bị phương Tây cấm vận, mà còn trở thành người tiên phong, có tiếng nói quan trọng trong phong trào “Nói không với GMO”. Theo ông Putin, Nga không nên chỉ trồng những loại thực phẩm của riêng mình, mà nên đầu tư để nó đạt giá trị cao hơn - theo cách gọi của phương Tây là “thực phẩm hữu cơ” không biển đổi gien.

Nga chủ trương chuyển sang nông nghiệp hữu cơ

Hạt giống được coi là sinh vật sống và sẽ là bất hợp pháp nếu sáng chế và tư nhân hóa hạt giống trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Chính vì nhận thức này, Chính phủ Venezuela đã xây dựng Luật Hạt giống và luật này có thể được xem là một trong những luật sâu sắc nhất thế giới để bảo vệ hạt giống. Theo Luật Bảo vệ hạt giống GMOs-Free mới, 10 cộng đồng trong cả nước sẽ tiến hành thí điểm, mỗi đơn vị sản xuất một loại thực phẩm khác nhau từ các loại đậu, giá, cà tím, ớt, bắp… Có 30% hạt giống sản xuất ra sẽ được phân phối trên mạng để hỗ trợ nghề nông ở vùng khác. Đã có nông dân lai thành công giống bắp bản địa với bắp nước ngoài, tạo ra một giống phù hợp phát triển ở địa phương. Ý tưởng này là để bảo tồn giống và không phải chịu sự lệ thuộc từ hạt giống của Mexico, Brazil… Đây cũng là cách để “tự vệ” trong bối cảnh Venezuela khủng hoảng như hiện nay.

Khác với Venezuela, kinh nghiệm Nhật Bản chống thực phẩm GMO là thành lập một tổ chức như Liên minh No-GMO Campaign, theo đó người tiêu dùng, nông dân, nhà buôn liên kết cùng nhau tránh ô nhiễm GMO. Liên minh No-GMO Campaign được thành lập vào năm 1996, ngay khi cây trồng GM bị Mỹ phát tán thương mại để ngăn chặn thực phẩm biến đổi gien (GMO). Mục đích và mục tiêu của No-GMO Campaign là không mua, không ăn, không bán, không trồng GMO; yêu cầu dán nhãn của GMO; làm mọi cách để tăng tự túc lương thực (an ninh lương thực) và hỗ trợ nông nghiệp quy mô nhỏ địa phương; khuyến khích nông dân Nhật Bản tiết kiệm hạt giống để giữ gìn đa dạng sinh học của Nhật Bản và phát triển nguồn tài nguyên di truyền nông nghiệp; tổ chức các hội thảo, hội nghị và xuất bản các tài liệu thông tin; phân phối các bản tin về GMO hàng tháng cho các thành viên; tẩy chay sản phẩm được sản xuất bởi các công ty pro-GMO; thử nghiệm và phân tích độc lập thực phẩm tại Nhật Bản để xác minh về GMO. Ngoài ra, liên minh này còn vận động được 2 triệu chữ ký chống GMO tại Nhật Bản.

Tập đoàn Monsanto ra đời tại Mỹ năm 1901. Nhà sáng lập John F. Queeny đặt tên Monsanto cho công ty nhằm tưởng nhớ người vợ quá cố Olga Monsanto. Monsanto có một lịch sử rất đen tối đã được ghi nhận trong nhiều năm qua. Trong chiến tranh Việt Nam, cùng với những “gã khổng lồ” về hóa chất lúc bấy giờ như Dow Chemical, Monsanto đã sản xuất thuốc diệt cỏ dùng trong quân sự, có tên gọi chất da cam (Agent Orange), trong đó chứa lượng lớn hóa chất gây chết người dioxin. Trong những năm 1961-1971, quân đội Mỹ đã rải 50 - 80 triệu lít chất độc da cam trên khắp các khu rừng rậm nhiệt đới, rừng và các vị trí chiến lược trọng yếu của Việt Nam để phá hủy các khu rừng. Hậu quả của sự tàn phá đã khiến 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất da cam, trong đó hơn 3 triệu nạn nhân bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp và khoảng 150.000 trẻ em bị dị tật bẩm sinh. Những hậu quả này được cho là sẽ tiếp diễn trong cả thế kỷ như ung thư, dị tật bẩm sinh và các bệnh khác theo cấp số nhân, do chúng được di truyền qua nhiều thế hệ.

Hạnh Chi (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục