Mùa săn sùng đất

Những cánh đồng mì ven sông Phước Giang (xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) vừa thu hoạch xong, cũng là lúc người dân kiếm sống bằng nghề săn sùng đất (con lậy) bắt tay vào việc.

Thời điểm tháng 10 là lúc nông dân có thêm thú vui săn sùng đất trên những chân ruộng mì vừa thu hoạch. Chỉ mới 6 giờ sáng, trên bãi ven sông đã có hàng chục người chia nhau từng mảnh ruộng, dùng cuốc đào liên tục. Một lát sau, một người đàn ông cúi xuống, giơ lên vài con sùng đất, chúng có màu trắng ngà, 6 chân, to bằng ngón tay người lớn. “Sùng đất đấy, đặc sản xứ Quảng…”, ông Hoàng Trung nói. Ông giải thích thêm, chúng là loại bọ rầy đẻ trứng trong đất, trứng nở ra ấu trùng ăn hết củ mì, cỏ, rồi phát triển thành nhộng, hết vòng đời chúng sẽ thành sùng đất, chui lên mặt đất.

“Những gốc cây mì hư hại, đen rễ càng nhiều sùng đất. Nông dân năm nào được mùa mì thì sùng đất ít, mất mùa thì sùng đất nhiều”, ông Trung nói. Chính vì thế, để nhận diện những nơi nhiều sùng đất, người đi đào thường để ý những gốc mì đen, củ mì bị đục lỗ. Loại ấu trùng này cắn rễ, gây chết cây mì hàng loạt. Do vậy, sau mỗi mùa thu hoạch, nông dân vừa đi săn sùng đất vừa hạn chế tình trạng chúng sót lại khi đến vụ xuống giống sau. 

Người đi đào sùng đất chỉ cần đem theo cuốc, xô đựng, bao tay để “hành nghề”. Sùng đất chui xuống lòng đất vài chục xăng ti mét, cứ bới đất theo luống mì đã thu hoạch là bắt gặp. Kinh nghiệm đào là nhát cuốc phải vừa tay để sùng đất không bị đứt hay sứt mẻ, bán mới có giá. Nhiều người kỳ công hơn, phủ lớp cát lên xô để trữ trùng đất. 

Từ lâu, sùng đất ở bãi bồi ven sông huyện Nghĩa Hành đã trở thành món ăn đặc sản từ các quán bình dân đến nhà hàng. Sùng đất được chế biến thành nhiều món ăn. Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt trồng 1 sào mì, thu được 2 tạ mì khô; vừa được mùa mì, vừa đào sùng kiếm “lộc trời”. Bà cho biết: “Sùng đất về rửa sạch có thể luộc, nướng, kho dầu, rang xả ớt…, nhưng người dân ở đây thích nhất là nướng; mùi thơm béo ngậy, ăn giòn tan. Mấy người già bị cảm không muốn ăn cơm chỉ cần nướng sùng đất cho ăn kèm là khỏe người lắm!”. 

Ở Hành Tín Đông chỉ cần trời bắt đầu vào mùa mưa là cả làng đổ xô đi đào sùng đất. Giá sùng đất năm nay cao, lên đến 200.000 đồng/kg, khiến người đi săn sùng đất dày đặc khắp bãi bồi. Nhiều người ví chúng như loài “hải sâm trên cạn”. Thời điểm khan hiếm, loại đặc sản này có thể ở mức gần 300.000 đồng/kg. Bà Nguyệt cho biết, trung bình năm nào hai vợ chồng già cũng kiếm được gần 1 triệu đồng từ bán sùng đất. Ông Đào Thanh Công, Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông, cho biết năm nay nông dân được mùa vụ mì với diện tích 100ha, sản lượng 30 tấn/ha, giá dao động 2.400 - 2.500 đồng/kg. Sau vụ mì, có đến gần 200 hộ tham gia đào sùng đất. “Hiện nay, nhiều nhà hàng ở TP Quảng Ngãi lên tận đây để tìm mua, khiến giá sùng đất tăng gấp đôi so với các năm trước”, ông Công cho biết.

Tin cùng chuyên mục