Mua nhầm điện thoại chưa thanh lý hợp đồng

Việc mua điện thoại trợ giá và trả tiền hàng tháng theo gói cước cam kết của nhà mạng đã phổ biến tại nhiều nước. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hình thức này còn rất mới, khá lạ lẫm với nhiều người, chính vì vậy một số kẻ gian đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết về công nghệ để lừa đảo người mua hàng nhằm trục lợi bất chính.
Nên tìm hiểu kỹ trước khi quyết định mua điện thoại sang tay
Nên tìm hiểu kỹ trước khi quyết định mua điện thoại sang tay

Hình thức trợ giá điện thoại giúp người tiêu dùng được hưởng những ưu đãi, quyền lợi mà nhà mạng và nhà sản xuất thiết bị hợp tác mang lại, thậm chí có thể mua điện thoại rẻ hơn so với thị trường từ 40%-50%. Với một số tiền nhỏ đặt cọc ban đầu, khách hàng có thể sở hữu một chiếc điện thoại “xịn”, đi kèm theo đó là hợp đồng 12 tháng cam kết sử dụng gói cước nhà mạng.

Tuy nhiên, chính sách này cũng nảy sinh nguy cơ bị kẻ gian lợi dụng để mua rẻ, lừa đảo bán lại cho những người ít hiểu biết công nghệ với giá cao hơn rất nhiều lần, sau đó “quỵt” tiền cước hàng tháng. Thấy giá rẻ và còn bảo hành dài hạn, nhiều người đã tin tưởng mua về sử dụng, nhưng máy có thể bị khóa bất cứ lúc nào nếu như không thanh toán cước phí đúng hạn.

Anh Bùi Văn Ninh (24 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) kể, vào đầu tháng 6 vừa qua, anh tìm mua chiếc điện thoại của hãng Bphone tại chợ rao vặt. Người bán giới thiệu máy mới mua 2 tháng và cam kết không bị lỗi nào. Khi kiểm tra thì thấy tình trạng máy như mới, lại còn bảo hành chính hãng gần 10 tháng tại cửa hàng nên anh yên tâm, quyết định mua với giá 3,3 triệu đồng.

“Cứ tưởng mua được điện thoại giá rẻ, nhưng khi mang máy về nhà, tôi tìm kiếm mục khởi động lại toàn bộ máy nhưng không thấy, gọi điện lên tổng đài hỗ trợ thì nhân viên báo điện thoại của tôi là máy hợp đồng sử dụng gói cước cam kết của nhà mạng nên đã khóa chức năng này. Máy được mua với giá là 1,1 triệu đồng và số tiền trả hàng tháng là 600.000 đồng, duy trì trong 12 tháng; nếu chậm thanh toán 15 ngày, máy sẽ bị khóa, không thể sử dụng. Giờ tôi rất hối hận không biết tìm cách nào để trả lại máy cho người bán, vì chỉ mua bán qua mạng không biết địa chỉ cụ thể.”

Thị trường mua bán điện thoại cũ luôn sôi động. Tình trạng người dùng không am hiểu công nghệ mua phải điện thoại cam kết nhà mạng khi chưa thanh lý hết hợp đồng là rất phổ biến. Đây là một tình huống các nhà mạng cần xem xét kỹ, có giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Nên chăng cần phải có hình thức ràng buộc pháp lý chặt chẽ hơn đối với cá nhân đặt bút ký hợp đồng mua máy và hợp đồng mua sim trả 12 tháng. 

Anh Nguyễn Thành Trung, nhân viên một hệ thống bán lẻ tại TPHCM, cho biết: “Khi quyết định mua điện thoại sang tay, khách hàng nên kiểm tra máy thật kỹ. Với công nghệ quản lý hiện đại, người mua có thể kiểm tra được IMEI máy trên hệ thống để xem có phải máy đang dùng bản cam kết của nhà mạng hay không, trước khi quyết định mua”.

Tin cùng chuyên mục