Mua nhà đất hợp pháp vẫn bị… phát mãi

Một số chủ đầu tư dự án vừa bán nhà đất cho khách hàng, lại vừa đem tài sản nhà đất ấy đi thế chấp ngân hàng. Do quá hạn trả nợ, phía ngân hàng “siết nợ” khiến người mua nhà đất điêu đứng. Người dân mua phải những dự án này, dù đã thanh toán đủ tiền nhưng tài sản vẫn bị phong tỏa!    

Ở gần 20 năm vẫn bị siết nợ

Theo phản ánh của ông Phan Tiến Dũng - một khách hàng mua đất tại khu dân cư Tân Hồng Uy (phường Bình An, quận 2, TPHCM) do Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Kinh doanh nhà Tân Hồng Uy làm chủ đầu tư, ông và nhiều cư dân mua nền đất tại đây từ năm 2001. Theo đó, những khách hàng mua đất tại đây được công ty ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giấy bàn giao đất, giấy phép xây dựng…

Nhiều hộ dân sau khi nhận đất đã xây nhà và chuyển về ở ổn định gần 20 năm nay. Bỗng nhiên, tháng 4-2018, các hộ dân nhận được văn bản số 482 của Ngân hàng BIDV chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa với nội dung “Thông báo xử lý tài sản đảm bảo thu hồi nợ vay”. Qua tìm hiểu, các hộ được biết chủ đầu tư đã sử dụng “sổ đỏ” của các lô đất trong dự án đem thế chấp ngân hàng để vay vốn, rồi không có khả năng trả nợ nên bị ngân hàng “xử lý tài sản” để thu hồi nợ và lãi vay.

Theo phản ánh của người dân, thời điểm chủ đầu tư (bảo lãnh cho Công ty Otral vay) và ngân hàng ký kết diễn ra vào ngày 14-5-2015, lúc này đã có hơn 60% hộ dân xây nhà trên các lô đất. Đồng thời, ngày 24-2-2019, Chi cục Thi hành án dân sự quận Bình Thạnh áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, yêu cầu Công ty Tân Hồng Uy cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp, nên nhiều căn nhà đang xây dựng tại đây bị cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu ngưng thi công, gây bức xúc cho người dân.

Mua nhà đất hợp pháp vẫn bị… phát mãi ảnh 1 Nhiều căn nhà tại khu dân cư Tân Hồng Uy bị buộc ngưng thi công 
Những ngày qua, nhiều cư dân dự án này phải lao đao liên hệ Tòa án nhân dân quận Bình Thạnh và nhiều cơ quan chức năng khi bất ngờ vướng vào tố tụng giữa chủ đầu tư và Ngân hàng BIDV.

Ông Nguyễn Văn Danh, một khách hàng, phản ánh: “Công trình đang xây thì bất ngờ nhận quyết định dừng thi công của Sở Xây dựng TPHCM. Dù đã thế chấp đất dự án từ tháng 10-2015 nhưng ông Đinh Hồng Hải, Giám đốc Công ty Tân Hồng Uy, vẫn bán đất cho tôi. Giờ tôi đã thanh toán hết giá trị đất nhưng không thể xây nhà, hai vợ chồng phải thuê nhà để ở”.

Vi phạm pháp luật

Luật sư Nguyễn Tấn Hải, Đoàn Luật sư TPHCM, phân tích: Theo quy định, đối với hồ sơ vay thì việc thẩm định tài sản là bắt buộc. Trong quy trình thẩm định thì ngân hàng xác minh thông tin pháp lý tài sản, tiến hành ghi nhận hiện trạng của tài sản bằng văn bản và hình ảnh. Nếu phía ngân hàng làm đúng quy trình thì không thể có chuyện nhận thế chấp tài sản mà trên tài sản đó đã có “tài sản trên đất” do người  khác tạo lập.  Về phía chủ đầu tư, dù biết rõ những lô đất nói trên đã chuyển nhượng cho khách hàng nhưng vẫn đem bảo lãnh cho một tổ chức khác vay vốn, là vi phạm pháp luật.

Sau khi sự việc xảy ra, nhóm cư dân lâu năm ở dự án đã có cuộc đối chất với ông Đinh Hồng Hải để giải quyết những bức xúc nói trên. “Ông Hải hứa sẽ trả nợ ngân hàng, sớm hoàn thành hồ sơ cho khách hàng, tuy nhiên đến tháng 3-2019 công ty vẫn chưa trả nợ xong”, một khách hàng cho biết.

Trao đổi với báo chí, ông Đinh Hồng Hải xác nhận việc công ty đã mang giấy tờ của 15 lô đất dự án ven sông phường Bình An thế chấp cho BIDV. “Tôi đã có đơn kiến nghị BIDV giảm 5% lãi suất, khi đó tôi sẽ thanh toán toàn bộ tiền gốc và lãi cho ngân hàng. Mong cư dân đợi thêm thời gian, sau khi trả hết nợ ngân hàng, lấy giấy tờ về tôi sẽ làm hồ sơ tách sổ cho người dân”, ông Hải phân trần.

Vụ việc hiện đang được cơ quan công an thụ lý điều tra.

Tin cùng chuyên mục