Trăm năm sân khấu cải lương

Một thời thịnh suy

Thập niên 1960 thế kỷ trước có thể coi là thời kỳ hoàng kim của sân khấu cải lương Sài Gòn và miền Nam nói chung. Trong năm 1966, toàn miền Nam có 92 gánh cải lương lớn nhỏ, trụ ở Sài Gòn và các tỉnh. Báo Chánh Đạo số tất niên chốt hạ bằng một câu: “Đi đâu cũng gặp hát cải lương!”.
Thanh Nga (giữa) và Hữu Phước trong một vở cải lương của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga
Thanh Nga (giữa) và Hữu Phước trong một vở cải lương của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga

1. Trang báo kịch trường của tờ báo này đã điểm qua 10 đại ban đáng mặt anh hào như Thanh Minh - Thanh Nga, Dạ Lý Hương, Hương Mùa Thu, Kim Chưởng, Kim Chung, Trăng Mùa Thu, Phước Chung, Thế hệ Dũng Thanh Lâm, Sao Ngàn Phương, Ánh Chiêu Dương. Chỉ trong năm 1966, các ban đã dựng 80 vở cải lương, đa số là tuồng hương xa, kiếm hiệp, chỉ có 12 vở có đề tài xã hội, như: Con cò trắng (kịch bản Thu An, đoàn Hương Mùa Thu), Nắng sớm mưa chiều (kịch bản Ngọc Linh, Cô Nguyệt phóng tác, đoàn Thanh Minh - Thanh Nga), Nước biển mưa nguồn (kịch bản Năm Châu, đoàn Ánh Chiêu Dương), Tuyệt tình ca 2 (kịch bản Hoa Phượng, đoàn Dạ Lý Hương), Sau bóng hậu trường (tức Sân khấu về khuya, kịch bản Năm Châu, đoàn Thanh Minh - Thanh Nga)...

Nhận định số lượng tuồng xã hội hiếm hoi, tờ báo viết: “Ôi, tuồng hay, tuồng đậm đà dân tộc tính sao mà quá ít ỏi. Mà hầu hết tuồng đều mang hình thức tận… Tàu, Nhựt, Ai, Hồi... Tuy nhiên vẫn còn an ủi, đáng mừng là nội dung tuồng vẫn khá lành mạnh, đề cao lòng yêu nước, ca ngợi những đức tính anh hùng, chung thủy và đả phá cường bạo, tàn ác, phản trắc gian tà…”. Bù lại, mức độ ăn khách của các tuồng xã hội vẫn tương đối mạnh hơn các loại tuồng khác. Trong đó có 2 vở được báo chí và khán giả khen ngợi là Con cò trắng (của Thu An, đoàn Hương Mùa Thu) vì thể hiện được hình ảnh quê hương, tình mẹ, đức tính thủy chung của vợ hiền. Riêng vở Bọt biển (của Nguyễn Long, Nguyễn Phương - đoàn Thanh Minh - Thanh Nga) có vẻ “nóng sốt”, xoáy mạnh vào vết thương thời đại của của dân tộc và xứ sở ta: Nạn lấy ngoại kiều, tâm lý tham tiền, thích vật chất đến mức đạp lên đạo lý và nền nếp sinh hoạt truyền thống Việt Nam.

Đề cập đến những vở tuồng xã hội của thập niên này, người mê cải lương không thể không nhớ đến những Nửa đời hương phấn, Thảm kịch tuổi xanh, Con gái chị Hằng, Tần nương thất, Sông dài, Rồi hai mươi năm sau… Khán giả mê tuồng xã hội vì tính thời đại, mạnh tay mổ xẻ những “ung nhọt” của xã hội lúc ấy, khai thác tình tiết từ cuộc sống phong phú của đại đa số người lao động. Mỗi đoàn cải lương khai thác vốn mạnh của mình, như đoàn Thanh Minh - Thanh Nga khai thác mảng tâm lý xã hội, gia đình; đoàn Kim Chung chuyên về tuồng kiếm hiệp, diễm tình; đoàn Dạ Lý Hương thiên về đời sống hiện đại; thích màu sắc hương xa thì thì đi xem gánh Út Bạch Lan - Thành Được, Thống Nhứt, Kim Chưởng…

2. Rồi vào thời kỳ truyện chưởng của Kim Dung thịnh hành cũng làm rộn ràng sân khấu cải lương. Nào là Cô gái Đồ Long với Kim mao sư vương Tạ Tốn đã đem lại cho Thanh Sang huy chương vàng giải Thanh Tâm. Trên các sân khấu, nghệ sĩ đua nhau đánh chưởng xịt ra bột, rồi xịt ra điện từ hai lòng bàn tay. Mỗi lần phi thân, vị đại hiệp bay vèo vèo trên sân khấu đã đem lại sự mới lạ cho cải lương. Trước xu thế đó, các ông bà bầu đã buộc các soạn giả thường trực phải sáng tác ngay những kịch bản cải lương ăn theo trào lưu kiếm hiệp. Các đại ban cũng tìm cách cách tân sân khấu như đoàn Hương Mùa Thu thực hiện sân khấu Panorama; đoàn Thủ Đô dựng sân khấu hoành tráng, sàn diễn mở rộng từ 8 - 12m qua các vở Tiếng trống sang canh, Cây quạt lụa hồng, Chiếc áo ân tình…

Những đại ban hay trung ban luôn nuôi 1-2 soạn giả thường trực chuyên viết tuồng theo lối “đo ni đóng giày” cho nghệ sĩ của đoàn. Bỏ qua hết những tên tuổi “ầu ơ ví dầu” thì sân khấu cải lương giai đoạn này không thể quên những Hà Triều - Hoa Phượng, Mộc Linh, Thiếu Linh, Quy Sắc, Mai Quân, Ngọc Huyền Quân, Viễn Châu, Thái Thụy Phong, Nhị Kiều, Tám Vân, Thu An, Yên Sơn, Yên Ba, Loan Thảo, Kiên Giang, Yên Trang, Hoàng Khâm… Với lực lượng tác giả tài năng đã tung ra cho các đoàn những vở tuồng với các “ông hoàng - bà chúa” của sân khấu thời kỳ đó như Út Trà Ôn, Thanh Nga, Thành Được, Út Bạch Lan, Hữu Phước, Tấn Tài, Hùng Cường, Bạch Tuyết, Diệu Hiền, Ngọc Hương, Như Ngọc, Thanh Tú, Trang Bích Liễu, Thanh Sang, Lệ Thủy, Minh Vương, Mỹ Châu, Minh Phụng, Minh Cảnh, Hoàng Giang… Đa số những nghệ sĩ trên đều đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm.

3. Sân khấu cải lương Sài Gòn bắt đầu có dấu hiệu tuột dốc từ sau năm 1968. Tình hình chiến sự lan rộng, giờ giới nghiêm quá sớm, vật giá leo thang, các rạp hát ở đô thành - Chợ Lớn đều bị các công ty điện ảnh thao túng. Tại Sài Gòn chỉ còn 2 rạp Quốc Thanh và Olympic là dành cho cải lương, còn tất cả đều xoay ra chiếu bóng. Nhiều đoàn cố bươn chải về nông thôn nhưng không nơi nào có đông khán giả đi xem hát, một là vì tình hình an ninh cầm chân họ tại nhà, hai là họ không đủ sống vì giá sinh hoạt lên cao. Đoàn Dạ Lý Hương rã gánh, đoàn Hương Mùa Thu chỉ tập trung thu hình phát tivi để sống qua ngày. Đoàn Thanh Minh cho kép Hữu Phước thuê “xác gánh” lập ra gánh Thanh Minh - Hương Lan. Không diễn ở Sài Gòn nổi, đoàn Thanh Minh - Hương Lan phải xuống Gò Công để khai trương bảng hiệu, nhưng chỉ vài tháng sau phải trả “xác gánh” lại cho bà bầu Thơ. Cuối năm 1972, đoàn Bạch Tuyết - Hùng Cường ra đời nhưng cũng chẳng chịu nổi “phong ba bão táp” nên không đầy 1 năm sau thì dẹp tiệm. 

Báo Phụ nữ ngày mai đã nhận định về tình hình của các đại ban như sau: “Các rạp hát có đoàn trình diễn như Quốc Thanh (đoàn Thái Dương), Olympic (Kim Chung) đã không thể kéo màn hát lúc 8 giờ đêm khi mà số khán giả vào giờ này đến xem hát chỉ độ 50 người đã là nhiều. Tuy là đại ban quy tụ toàn nghệ sĩ tên tuổi, tuồng tích và tranh cảnh luôn đổi mới nhưng số thu vẫn bị giảm từ 25% - 30%. Riêng giới nghệ sĩ cải lương, bữa nào hát mới lãnh tiền, khi thì lãnh đủ, khi thì phân nửa hoặc 1/3, nay họ không được lãnh một khoản tiền nào. Nghệ sĩ và công nhân sân khấu đang đứng trước một tương lai đen tối chỉ vì chi phí sinh hoạt tăng vọt, người dân phải thắt lưng buộc bụng…”. 

Không đi hát được, nên một số nghệ sĩ cũng phải đổi nghề, tìm phương sinh sống. Các báo cho biết, cặp vợ chồng  Nhật Thanh - Bo Bo Hoàng, trước kia hát cho đoàn Minh Cảnh nhưng lương kém quá bèn đưa nhau về Sài Gòn, chạy vốn mua quần áo cũ rồi chở nhau trên chiếc mobylette ra các chợ nhỏ xung quanh bán kiếm lời. Hề Minh nhận lái xe hàng với tiền lương mỗi tháng mấy chục ngàn đồng đủ nuôi vợ con. Út Bạch Lan về sống với mẹ tại một ngôi đình ở Tân Định, kiếm sống bằng bán quán cà phê. 

Tình hình bi đát của sân khấu cải lương kéo dài cho đến sau tháng 4-1975 mới hồi phục trở lại thời đêm đêm đèn sáng, đào kép rực rỡ xiêm y, áo mão… 

Tin cùng chuyên mục