Một bộ phận cán bộ chính sách làm việc với tâm thế ban ơn

Việc rà soát hồ sơ hưởng chế độ cho đối tượng có công với cách mạng vẫn hạn chế, tiến độ còn chậm. Nhiều trường hợp do hướng dẫn không tỉ mỉ khiến hồ sơ nghẽn rất lâu. Một bộ phận cán bộ làm việc với tâm thế ban ơn.
Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm thăm gia đình thương binh ở quận 4, TPHCM
Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm thăm gia đình thương binh ở quận 4, TPHCM

Ngày 22 - 8, Ban Văn hoá - Xã hội HĐND TPHCM tổ chức khảo sát việc thực hiện chế độ chính sách cho người có công với cách mạng trên địa bàn TPHCM từ năm 2015 đến nay.

Tại buổi làm việc, các địa phương, sở ngành liên quan nhìn nhận, bàn bạc nhiều vướng mắc trong thực hiện chính sách cho người có công với cách mạng như: thủ tục cấp thẻ BHYT, giải pháp giúp gia đình chính sách thuộc diện nghèo, cận nghèo, đào tạo nghề... Trong đó, nhiều đại biểu quan tâm đến kết quả giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công với cách mạng.

Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM hiện địa bàn còn 13 hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ ở Quận 9 và 1 ở quận Bình Tân.

Tại quận 9, cơ quan chức năng đã xét duyệt 9 hồ sơ đủ điều kiện nên chuyển cấp có thẩm quyền xử lý theo quy trình. Những hồ sơ khác cần xác minh, bổ sung thêm thông tin.

Tương tự, quận Bình Tân đã hoàn tất hồ sơ, chuyển cấp trên thẩm định. Những trường hợp tồn đọng là do quy định tại các thời kỳ thay đổi, thiếu sự quan tâm từ chính quyền địa phương.

Nhận xét về tình hình giải quyết hồ sơ chính sách có công trên địa bàn TPHCM, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP, cho rằng sở ngành, địa phương cần sâu sát hơn nữa trong công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng.

Chủ tịch HĐND TP nhận thấy việc rà soát hồ sơ cho diện chính sách vẫn hạn chế, tiến độ còn chậm. Trên thực tế, không ít người thấy thủ tục nhiêu khê, rườm rà nên không đến cơ quan chức năng làm thủ tục hưởng chế độ. Nhiều trường hợp do hướng dẫn không tỉ mỉ khiến hồ sơ nghẽn rất lâu. Một bộ phận cán bộ làm việc với tâm thế ban ơn, cứng nhắc nên chưa tận tâm trong công việc.

Vì vậy, địa phương cần chủ động tìm đến, vận động, hướng dẫn những đối tượng sinh sống trên địa bàn đủ điều kiện nhưng chưa hưởng chế độ tiến hành làm hồ sơ. Cán bộ phải tới tận nhà, hướng dẫn, thậm chí làm thay người dân.

“Bên cạnh đào tạo nghiệp vụ, các cấp chính quyền thường xuyên giáo dục tinh thần, ý thức tận tâm trong công việc. Cán bộ cần xem cá nhân, gia đình chính sách là đối tượng được phục vụ, từ đó làm việc trên tinh thần, thái độ đền ơn đáp nghĩa. Chính quyền phải mời người dân đến làm thủ tục hưởng chế độ chứ không ngồi chờ hay hướng dẫn thủ tục một cách cứng nhắc, đối phó. Lãnh đạo cơ quan, đơn vị giáo dục cán bộ bằng chính sự tận tuỵ, thái độ tôn trọng, biết ơn người có công của bản thân”, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh. 

Tin cùng chuyên mục