“Món nợ” chỗ ở cho công nhân

Thời gian qua, các cấp công đoàn TPHCM luôn quan tâm, có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, người lao động, tuy nhiên vẫn còn những “món nợ”.

Dai dẳng nhất là chương trình nhà ở cho công nhân, nhà giữ trẻ cho con công nhân, dù đã được đặt ra từ nhiều năm qua nhưng kết quả thực hiện rất hạn chế.

“Món nợ” chỗ ở cho công nhân ảnh 1 Một nhà trọ công nhân trên đường Tân Hòa Đông, phường 14, quận 6, TPHCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU 

Gửi con tạm bợ

Khi bóng chiều buông trên những dãy nhà trọ san sát nhau trong một con hẻm ở phường Tân Tạo A (quận Bình Tân, TPHCM), cũng là lúc những căn phòng bắt đầu nhộn nhịp. Anh Phong chở vợ (chị Phú) và 2 đứa con, cùng lỉnh kỉnh đồ đạc về xóm trọ.

Sau giờ tan ca tại Công ty Pouyuen, chị Phú về nhà là hối hả chuẩn bị cơm chiều. Sinh con được vài tháng, đôi vợ chồng công nhân quê Đồng Tháp phải gửi cho người hàng xóm trông. Đến khi bé lên 3 tuổi, anh chị phải gửi vào cơ sở mầm non tư thục gần nơi trọ, mỗi tháng 2,4 triệu đồng/2 bé.

Chị Phú kể, cuộc sống công nhân nuôi 2 đứa con rất cực, nhất là trong việc kiếm được chỗ gửi con để yên tâm đi làm. Song, chị Phú cho rằng vợ chồng mình vẫn còn may mắn, có thu nhập ổn định và gửi con gần nơi trọ.

Rất nhiều công nhân ở khu này phải gửi con cho những nhóm trẻ tự phát, phó mặc sự nuôi dạy chăm sóc của chủ nhóm trẻ. Ở cuối dãy nhà trọ gần nhà anh chị là căn phòng trọ chưa đầy 10m2 của gia đình bà L. Mấy năm nay bà ở nhà, nhận giữ 2 trẻ với giá 2 triệu đồng/tháng. 

Tại “cơ sở giữ trẻ” của bà D. gần đó, đã 18 giờ 30 phút nhưng vẫn còn gần chục bé chưa được ba mẹ đón về. Theo bà D., ba mẹ các bé tranh thủ tăng ca, có khi 19 giờ - 20 giờ mới đến đón con.

“Cơ sở giữ trẻ” này là một căn phòng trọ rộng chưa đến 20m2, được ngăn làm nhiều “phòng chức năng”. Một phần nhỏ trong cùng là nhà vệ sinh và nơi nấu nướng, rửa chén. Phần còn lại được ngăn đôi, dành cho 2 nhóm trẻ lớn nhỏ khác nhau.

Cơ sở này nhận giữ trẻ với giá 1,2 - 1,5 triệu đồng/tháng/trẻ, giữ cả những bé từ 4 tháng tuổi (hầu như không nơi nào nhận giữ) để cha mẹ bé đi làm. Cứ vậy suốt 15 năm, hàng trăm đứa trẻ đã lớn lên từ bàn tay chăm sóc của bà D.

Dù khu vực vệ sinh dùng chung với gia đình, luôn ẩm ướt, không đảm bảo vệ sinh nhưng với nhiều gia đình công nhân như vậy cũng đã tốt rồi.

Chị Lan từng gửi con tại đây cho biết, gia đình không an tâm gửi con ở nơi lạ vì con cái dễ bị hành hạ, đánh đập. Do đó, chị Lan cùng nhiều gia đình công nhân khác chọn nơi đáng tin tưởng như chỗ bà D. để gửi trẻ.

Nhà giá rẻ - giấc mơ xa vời!

Thời gian qua, TPHCM đã có nhiều nỗ lực giải quyết chỗ ở cho công nhân, nhưng thực tế việc xây dựng nhà ở giá rẻ vẫn giậm chân tại chỗ. Xây nhà giá rẻ bán cho công nhân là vấn đề được TPHCM ưu tiên và giao Liên đoàn Lao động TPHCM cùng các sở ngành bàn bạc, đề xuất cơ chế giải quyết.

Song, bài toán về nhà ở giá rẻ cho công nhân vẫn chưa được các cấp công đoàn thành phố tìm được lời giải. Trong khi nhu cầu của công nhân là rất lớn thì việc chăm lo xây nhà lưu trú, nơi ở tươm tất cho công nhân hiện nay chỉ dừng lại ở sự đầu tư nhỏ lẻ của các doanh nghiệp.

Theo Phòng Phát triển nhà (Sở Xây dựng TPHCM), hiện thành phố có khoảng 285.000 công nhân đang làm việc tại 17 khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN). Nếu tính cả các cụm công nghiệp nhỏ lẻ bên ngoài thì số lượng người lao động vào khoảng 380.000 người. Trong số 285.000 người lao động đang làm việc tại các KCX-KCN thì chỉ khoảng 15.000 công nhân được giải quyết nhu cầu về chỗ ở.

Đối với các trường hợp còn lại, hầu hết phải thuê phòng trọ của tư nhân. Thế nhưng, các khu nhà trọ này chưa đảm bảo điều kiện sinh sống cơ bản và thiếu thốn các tiện ích.

Ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn các KCX-KCN TPHCM, nhận xét: Nhu cầu chỗ ở của công nhân đang làm việc tại các KCX-KCN rất lớn, nhưng khả năng đáp ứng rất hạn chế. Các cấp công đoàn TPHCM đã có kiến nghị hỗ trợ gói kinh phí 900 tỷ đồng xây dựng các thiết chế dành cho công nhân lao động thu nhập thấp; trong đó bao gồm cả nhà ở lẫn các dịch vụ xã hội khác. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là TPHCM không còn quỹ đất thực hiện.

Chị Nguyễn Thị Hiền, công nhân may tại KCX Linh Trung 1, đang thuê phòng trọ cho biết, 2 vợ chồng chị làm công nhân với mức lương gần 12 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ các chi phí, mỗi tháng vợ chồng chị để dành được 3 triệu đồng cho kế hoạch mua nhà.

“Chúng tôi rất mong TPHCM sớm triển khai dự án nhà giá rẻ. Gia đình tôi sẽ vay mượn thêm để mua nhà, chứ với nhà thương mại thì dành dụm cả đời cũng không mua nổi”, chị Hiền bày tỏ.

Sở Xây dựng dự báo, đến năm 2020, TPHCM có khoảng 400.000 công nhân làm việc tại các khu vực công nghiệp tập trung. Trong số này có khoảng 280.000 người có nhu cầu về chỗ ở.

Đây sẽ là một nhiệm vụ rất khó khăn mà TPHCM phải đối mặt để giải quyết nơi ở ổn định cho công nhân. Chưa kể, nếu tính cả số lượng công nhân đang làm việc bên ngoài các KCX-KCN, toàn TPHCM có khoảng 2,2 triệu công nhân và bài toán chỗ ở cho công nhân càng thêm nan giải.

Trong chương trình phát triển nhà ở, TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ phát triển thêm 240.000 chỗ ở cho công nhân. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ đầu tư khoảng 30.000 chỗ ở, số còn lại (210.000 chỗ ở) vẫn trông cậy vào nhà trọ, phòng cho thuê của người dân.

Bà TRẦN DIỆU THÚY, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM:

Các dự án, giải pháp chưa thể thực hiện

Các cấp công đoàn đã có nhiều kiến nghị về việc xây trường mầm non dành cho con công nhân. Song đến nay, nhu cầu này của công nhân vẫn chưa được giải quyết.

Trong vấn đề này, tôi cho rằng rất cần sự đầu tư lớn của Nhà nước. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng vận động doanh nghiệp có điều kiện xây dựng nhà trẻ trong khuôn viên doanh nghiệp. Các giải pháp về xây nhà trẻ trong các nhà văn hóa lao động cũng đang được tính toán, nhưng điều đó vẫn còn trong tương lai xa.

“Món nợ” chỗ ở cho công nhân ảnh 2

Hiện nay, thành phố đã dành quỹ đất tại 2 nơi để giao Liên đoàn Lao động TPHCM xây dựng thiết chế văn hóa phục vụ công nhân, trong đó có nhà giữ trẻ, khu vui chơi và cả nhà ở cho công nhân.

Các thiết chế văn hóa cho công nhân là điều mà công đoàn các cấp trăn trở, tìm cách giải quyết. Tuy nhiên, dự án vướng rất nhiều khó khăn nên vẫn đang giậm chân tại chỗ.

Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA):

Khuyến khích xã hội hóa xây nhà xã hội 

TPHCM có thể xây dựng các căn hộ nhà ở xã hội diện tích 30m2 (20m2 sàn và 10m2 gác lửng), với giá khoảng 200 triệu đồng/căn tại một số khu vực quanh KCX, KCN cho công nhân.

Để thực hiện được thì cần điều chỉnh quy hoạch chi tiết để dành quỹ đất làm nhà ở xã hội tại KCX Linh Trung 1, 2 và 3, Khu Công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung, Đại học Quốc gia TPHCM…

“Món nợ” chỗ ở cho công nhân ảnh 3

Tại các KCX, KCN, cần phát triển nhiều căn hộ nhà ở xã hội cho thuê có diện tích phù hợp với nhu cầu thực tế của công nhân lao động. Để thực hiện được, theo chúng tôi, TPHCM phải xác định việc phát triển nhà ở cho công nhân là một nhiệm vụ chính trị.

Chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân phải được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm để thực hiện.

Một trong những giải pháp cụ thể là đẩy mạnh khuyến khích xã hội hóa, huy động các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở cho thuê giá rẻ để đáp ứng phần nào nhu cầu về chỗ ở cho công nhân lao động.

Tin cùng chuyên mục