Mối nguy sạt lở, sụt lún

Mặc dù đang mùa khô, nhưng nhiều vụ sạt lở, sụt lún nghiêm trọng vẫn xảy ra ở ĐBSCL.

Thông tin từ Bộ NN-PTNT cho biết hiện có 326 vị trí bờ sông, bờ biển bị sạt lở với tổng chiều dài gần 786km. Trong số đó có 57 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 164km. Còn tốc độ sụt lún trung bình ở ĐBSCL đã lên tới hơn 1,1cm/năm, có nơi 2,5cm/năm, cao hơn 10 lần so với tốc độ nước biển dâng.

Từ đầu năm 2019 đến nay, chỉ riêng huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đã xảy ra 10 điểm sạt lở, làm mất trên 1.000m² đất. Tại TP Cần Thơ, vụ sạt lở ngày 24-4 ở phường Thới An, quận Ô Môn gây thiệt hại 11 nhà. Cũng tại khu vực này, năm trước sạt lở làm thiệt hại 34 căn nhà. Ước tính hàng năm, sạt lở đã làm mất 300- 500ha đất ở vùng ĐBSCL.

Nguyên nhân được nhận diện từ việc sông Mê Công bị chặn dòng, xây chuỗi đập thủy điện, do bị “trích máu” bằng các dự án chuyển nước dòng chính làm giảm một nửa lượng phù sa là chất dinh dưỡng nuôi sống các dòng sông đồng bằng. Góp thêm tác động tiêu cực xuyên biên giới là bất cập nội tại trong vùng: Phá vỡ các “túi trữ nước tự nhiên” như Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, bằng nhiều đê bao cục bộ. Những “cú đấm hội đồng” bồi thêm do cát tặc làm “nước đói” xâm thực bờ sông, khai thác nước ngầm quá mức làm “đất khát”, tạo ra “kẻ giấu mặt” sụt lún đất.

Khi “nước đói, đất khát” làm mất cân bằng hệ thống, thì cần được nhận diện hệ thống với sự tiếp cận đa ngành, tăng cường phối hợp liên ngành; cần một chiến lược tổng thể “cân bằng nước”, nâng cao hiệu quả khai thác, quản lý, sử dụng tài nguyên đất và nước bền vững. Thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và tiêu dùng nước theo hướng phát triển nền công nghiệp xanh, nông nghiệp sạch đang là đòi hỏi bức bách.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Quyết định 417/QĐ-TTg ngày 13-4-2019 kèm theo Chương trình Hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP. Theo đó, xác định nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương tổ chức giải quyết vấn đề sạt lở bờ biển, bờ sông và sụt lún đất trong vùng; triển khai quy hoạch, thiết kế các dự án cần đầu tư quy mô lớn ở giai đoạn tiếp theo nhằm triển khai các mô hình kinh tế - xã hội của vùng một cách bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tài nguyên đất và nước ví như đôi chân kiến tạo và phát triển vùng ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức. Cùng với việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của chương trình, rất cần có thêm nhiều nghiên cứu khoa học, các luận cứ khoa học và thực tiễn để chỉnh trị và ứng phó hiệu quả 2 mối nguy từ sạt lở và sụt lún. Tiếp cận theo vùng, liên vùng, phối hợp liên ngành cùng hành động mới mong thích ứng trước các biến đổi tự nhiên và xã hội “giúp đôi chân đồng bằng” vững bước hơn trên đường phát triển.

Tin cùng chuyên mục