Mỗi người “ghé” một vai

Thông tin về việc Toyota không tiếp tục tài trợ V-League đã gây hụt hẫng lớn cho những người làm bóng đá Việt Nam. 
Khi mùa giải 2018 chỉ còn 2 tháng nữa là khai diễn, có thể nói việc vận động tài trợ với số tiền lên đến 30-40 tỷ đồng là vô cùng gian nan, đó là chưa nói việc rút lui của Toyota cũng để lại một ảnh hưởng không nhỏ đến công tác này bởi phải sau hơn 10 năm, V-League mới có một thương hiệu nước ngoài tầm cỡ như vậy đồng hành, trong khi tình hình tài trợ cho thể thao nói chung tại Việt Nam đang ở giai đoạn sút giảm nhất.

Thông tin cũng cho biết, Toyota muốn giảm chi phí tài trợ nếu tái ký hợp đồng. Động thái này thể hiện việc đánh giá hiệu quả tài trợ cho V-League là không cao. Điều này cũng dễ hiểu vì sau 3 mùa giải được Toyota tài trợ, lượng khán giả trung bình của V-League giảm gần 30%, trong khi hình ảnh tiêu cực liên quan đến bạo lực sân cỏ, trọng tài… lại chưa giảm. 

Đối với Công ty VPF - đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức V-League, thì trước sau gì cũng sẽ phải có nhà tài trợ mới. Nhưng phía sau sự rút lui của Toyota, có lẽ cần phải đánh giá đúng thực chất của vấn đề. Bởi trên thực tế, hoạt động truyền thông, quảng bá và công tác tổ chức của VPF đều có những thay đổi rất lớn trong những năm qua. V-League xuất hiện trên sóng truyền hình hay truyền thông, mạng xã hội hầu như 100% thời lượng. Nếu so với quyền lợi mà những Petro Gas, Eximbank trước đây nhận được thì hình ảnh các bảng quảng cáo Toyota tăng đến hơn 200% và độ phủ cũng gấp vài chục lần. Thế nhưng, số lượng đôi khi lại tỷ lệ nghịch với chất lượng. Được biết nhiều hơn không đồng nghĩa với được yêu mến hơn, thậm chí còn ngược lại.
Trong bối cảnh đó, trách nhiệm của những nhà quản lý, điều hành là một chuyện, nhưng cũng cần xem lại trách nhiệm của các thành viên khác của bóng đá Việt Nam. Lấy ví dụ, dù quy chế bóng đá chuyên nghiệp đặt ra những tiêu chuẩn như nhau, nhưng trong 14 đội dự V-League thì chỉ vài đội ít ỏi như Than Quảng Ninh làm rất tốt công tác quảng bá hình ảnh cho mỗi trận đấu, tổ chức được hội CĐV chuyên nghiệp, thể hiện tốt tinh thần thi đấu suốt mùa giải… nên lượng khán giả bình quân ở các trận đấu mà họ thi đấu rất cao, hoặc như đội Hoàng Anh Gia Lai, dù đạt thành tích không cao trong mùa giải, nhưng vẫn có lượng khán giả đông đảo.
Trong khi đó, có nhiều CLB sau khi đã chắc suất trụ hạng thì coi như không cần quan tâm đến việc thi đấu phục vụ khán giả, nên có trận đấu chỉ thu hút vài trăm người đến xem. Câu hỏi đặt ra là tại sao các đội bóng đều được hưởng quyền lợi tài chính khi tham gia V-League, nhưng lại không hề chịu bất kỳ trách nhiệm gì trong sự sa sút chung của cả giải đấu? Tại sao khi muốn tay đổi chất lượng bóng đá nội, người ta chỉ quan tâm đến việc cải tổ bộ máy lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) mà không ai bàn đến trách nhiệm của các thành viên, nhất là cấp CLB dù đây chính là nòng cốt của Ban chấp hành VFF?

Ở một góc độ khác, các giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam do Báo Sài Gòn Giải Phóng sáng lập và tổ chức suốt 22 năm qua, giải Fair-play của Báo Pháp luật TPHCM, giải U.21 của Báo Thanh Niên… có điểm chung là do các đơn vị truyền thông thực hiện, đóng góp cho bóng đá nước nhà theo nguyên tắc cộng đồng trách nhiệm, nên cho đến nay vẫn hoạt động tốt, tạo nên những điểm sáng. Để duy trì một giải thưởng như Quả bóng vàng Việt Nam, những “người ngoại đạo” với bóng đá tại Báo SGGP đã đối diện với không ít kỳ trao giải khó khăn, không chỉ là chuyện vận động tài chính mà còn chịu tác động tiêu cực từ hoạt động thi đấu bóng đá.
Vậy nhưng, 22 năm qua, chỉ duy nhất 1 lần Ban tổ chức giải thưởng Quả bóng vàng buộc lòng phải tạm dừng dù có không dưới 5 lần khác đứng trước quyết định tương tự. Để vượt qua những trở ngại trong chừng đó năm, những nhà tổ chức luôn tâm niệm rằng “mình không làm không sao, nhưng có thể sẽ khiến các cầu thủ mất đi một cơ hội để được tôn vinh”. Suy nghĩ ấy, nói cho cùng cũng là cách để “mỗi người ghé một vai” giúp cho bóng đá Việt Nam thay đổi.

Tin cùng chuyên mục