Mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca đột quỵ mới

Bệnh đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não là tình trạng bệnh lý do tổn thương mạch máu não đột ngột.

 Nguyên nhân có thể do sự tắc nghẽn mạch máu não làm ngừng trệ dòng máu lên nuôi não phía sau chỗ tắc; hoặc do vỡ mạch máu trong não làm cho máu trong lòng mạch thoát ra bên ngoài tràn vào mô não, phá hủy và chèn ép mô não.

Hậu quả của bệnh đột quỵ làm phần não có liên quan bị tổn thương, không thể hoạt động được, dẫn đến phần của cơ thể mà phần não đó kiểm soát cũng không thể hoạt động.

Theo Tổ chức Đột quỵ Châu Âu, cứ mỗi 30 phút lại có một bệnh nhân đột quỵ đáng lẽ có thể được cứu sống lại phải chết hoặc tàn phế vĩnh viễn. Nguyên nhân đáng buồn này do phần lớn người thân không nhận biết được dấu hiệu của bệnh để đưa bệnh nhân đến đúng bệnh viện chuyên khoa điều trị đột quỵ sớm trong khoảng giờ vàng.

Cứ 6 người khỏe mạnh sẽ có 1 người bị đột quỵ trong tương lai: đây là một tỉ lệ rất đáng quan tâm, nhắc chúng ta quan tâm nhiều hơn đến căn bệnh đột quỵ này. Hiện nay, theo ghi nhận của các BV tại TPHCM, số lượng bệnh nhân đột quỵ gia tăng theo từng năm và số tuổi bệnh nhân mắc căn bệnh này ngày càng trẻ hóa.

Một khi đã mắc bệnh, thì trung bình cứ 10 người bị đột quỵ thì 2 người sẽ tử vong, 5 người bị tàn phế, chỉ có 3 người có thể trở lại cuộc sống bình thường sau đột quỵ. Đột quỵ là một gánh nặng về sức khỏe cho chính bệnh nhân và gánh nặng tài chính cho gia đình trong quá trình điều trị sau đột quỵ. Ở Việt Nam, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh lý nói chung.

Hiện tại, ở TPHCM, chỉ có một số BV có thể điều trị đột quỵ cấp. Khi phát hiện người đột quỵ, người xung quanh cần đưa nạn nhân bị đột quỵ đến cơ sở y tế có khả năng điều trị đột quỵ càng sớm càng tốt. Nên nhớ rằng tuyệt đối không thực hiện các hành động xử lý không đúng cách cho bệnh nhân, như: cạo gió, giật tóc, nặn chanh vào miệng …. vì những việc làm này hoàn toàn không có lợi cho bệnh nhân và làm chậm thời gian cấp cứu cho bệnh nhân đột quỵ

Hội Đột quỵ TPHCM phối hợp VPĐD Boehringer Ingelheim International GmbH (Đức) tại TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học thường niên lần thứ 3 về cập nhật chẩn đoán và điều trị đột quỵ được tổ chức tại TPHCM vào ngày 14 và 15-10-2017. Tại hội thảo, cùng với sự tham gia của gần 20 công ty dược, 500 bác sĩ đến từ các bệnh viện, phòng khám chuyên ngành cùng với các báo cáo viên là các giáo sư chuyên ngành thần kinh học (đến từ Australia, Singapore, Canada, Philippines, Pháp, Thái Lan) và các giáo sư, phó giáo sư bác sĩ chuyên ngành của Việt Nam đã cập nhật các phương pháp chẩn đoán mới nhất, cơ chế, liệu pháp điều trị tiên tiến và hệ quả của bệnh đột quỵ.

Quang cảnh buổi hội thảo
 Tại hội thảo, TS. BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội đột quỵ TP.HCM, trưởng khoa bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115, đã chia sẻ một số ý kiến và kinh nghiệm của mình trong điều trị đột quỵ, bác sĩ cho biết đột quỵ là nguy cơ gây tử vong thứ ba trên toàn thế giới và đứng số một tại Việt Nam. Mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca đột quỵ mới, tỉ lệ tử vong do căn bệnh này gây ra tại nước ta vượt qua nhiều những bệnh lý hiểm nghèo khác như ung thư, bệnh lý tim mạch, tai nạn giao thông. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng trên là do người nhà bệnh nhân không nhận biết được triệu chứng, hoặc khi biết triệu chứng thì đưa nạn nhân đến không đúng bệnh viện hoặc đưa nạn nhân đến quá muộn. Hiện nay, số lượng bệnh viện có đơn vị đột quỵ còn chưa nhiều, tại TPHCM có 11 đơn vị, Hà Nội có 10 đơn vị, các tỉnh thành khác có 1-2 đơn vị hoặc không có.

Ngoài ra, nhiều báo cáo viên cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển mạng lưới đột quỵ, mạng lưới cấp cứu ngoại viện và các chương trình tuyên truyền cho cộng đồng cụ thể chương trình Angels - Initiative (Acute Network Striving for  Excellence in Stroke) là chương trình mang tính toàn cầu được thực hiện lần đầu tiên tại châu Âu vào năm 2015. Năm 2017, bắt đầu triển khai tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Chương trình được cố vấn bởi Hội Đột quỵ châu Âu và Hội Đột quỵ thế giới. Tại TPHCM, chương trình được sự phối hợp thực hiện của Hội Đột quỵ TP.HCM.

Ông Stephen Walter – Tổng giám đốc của Cty Boehringer Ingelheim tại Việt Nam cho biết công ty đã nỗ lực đóng góp vào hoạt động giáo dục cộng đồng kiến thức về đột quỵ thông qua việc tham gia và phát triển chương trình Angels. Ông cho biết công ty đã bắt đầu phát triển chương trình Angels tại Việt Nam từ tháng 4-2017 với mục tiêu xây dựng mạng lưới 100 bệnh viện điều trị đột quỵ đến năm 2021, tham gia các hội thảo khoa học về đột quỵ với các chuyên gia đầu ngành về đột quỵ, tổ chức các chương trình câu lạc bộ bệnh nhân để giáo dục kiến thức về đột quỵ cho người dân trong cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục