Mơ về một thành phố thông minh

Gần đây, cụm từ “thành phố thông minh” được nhắc tới khá nhiều lần, như là định hướng về việc xây dựng một đô thị nhiều tiện ích, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành và phục vụ hầu hết các nhu cầu cơ bản của người dân. 
Nói cách khác, thành phố thông minh là một thành phố có chất lượng sống thực sự tốt cho hầu hết các cư dân.
Thành phố thông minh trước hết thể hiện trong quản lý, điều hành để bảo đảm các dịch vụ công được thuận tiện, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả, tránh các tiêu cực do đội ngũ cán bộ công chức gây ra.
Cấp phép đăng ký kinh doanh, thực hiện các dịch vụ công, thu thuế, giải quyết khiếu nại - tố cáo, quản lý công dân, bảo đảm trật tự an toàn xã hội… đều được thực hiện qua hệ thống công nghệ thông tin.
Người dân ngồi ở nhà hay bất kỳ đâu cũng có thể thực hiện yêu cầu và nắm bắt được tình hình xử lý yêu cầu của mình như thế nào. Yêu cầu này sẽ được gửi đến các bộ phận chức năng xử lý trong thời gian hạn định và các cửa này đều có thể được người yêu cầu truy cập để nắm rõ văn bản của mình được xử lý ra sao, có vướng mắc gì hay không, có bị bỏ sót hoặc bỏ quên không.
Đúng hạn định, người yêu cầu chỉ cần đến cơ quan chức năng đóng lệ phí và nhận quyết định cấp phép, hoặc do bưu điện chuyển đến tận nhà sau khi thanh toán lệ phí qua ngân hàng.
Cách làm này sẽ giúp hạn chế tiếp xúc giữa cán bộ - công chức và người yêu cầu, tránh các đòi hỏi, nhũng nhiễu, tránh xảy ra các sự cố về giao tiếp, ứng xử; giảm số lượng cán bộ - công chức, giảm số lượng giấy tờ, văn bản. Đồng thời, hồ sơ sẽ được lưu trên hệ thống, khi cần chỉ việc đề nghị trích xuất, hạn chế thất lạc, hư hỏng, giả mạo.
Trong điều tiết giao thông, thành phố thông minh sẽ cung cấp cho người tham gia giao thông các thông tin được cập nhật thường xuyên về tình hình lưu thông ở các tuyến đường, các khuyến cáo cần thiết về mật độ lưu thông, tai nạn, sự cố, ngập nước…, để người dân có thể lựa chọn các giải pháp phù hợp, như có tham gia giao thông hay không, đi tuyến nào, bằng phương tiện gì, trong thời gian bao lâu…
Đồng thời, giao thông thông minh sẽ tự điều tiết giao thông bằng hệ thống đèn tín hiệu, các bảng báo sao cho bảo đảm việc lưu thông được thuận tiện nhất chứ không cứng nhắc, cố định.
Trong quản lý công dân, mỗi công dân sẽ được định danh bằng một mã số, gồm các thông tin cá nhân như tên, tuổi, quê quán, địa chỉ, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi làm việc, một số quan hệ thân nhân chủ yếu (cha, mẹ, vợ chồng, con, anh chị em ruột…), hình ảnh, dấu vân tay…
Dữ liệu này sẽ được cập nhật định kỳ hoặc khi có biến động và được liên thông trong hệ thống quản lý của cả nước; trong trường hợp cần thiết có thể trích xuất ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào. 
Để xây dựng thành phố thông minh, cần có sự kết nối thông suốt trong toàn hệ thống (trước hết là các cơ quan hành chính nhà nước và các đơn vị cung cấp dịch vụ công) qua hệ thống mạng và ứng dụng các công nghệ tiên tiến.
Hệ thống này cần kết nối trong một mạng liên thông, có các máy chủ đủ dung lượng để có thể lưu trữ tài liệu trong nhiều năm, đáp ứng được các trường hợp đồng loạt truy cập và phải được bảo đảm an toàn tuyệt đối, tránh bị sự cố hoặc phá hoại. Đồng thời, đội ngũ cán bộ công chức phải thích nghi với hình thức quản lý này, có những kiến thức, kỹ năng cần thiết để hỗ trợ người dân tham gia các giao dịch qua hệ thống. 
Trong điều kiện phát triển dân trí và khoa học - kỹ thuật như hiện nay, thành phố thông minh không còn quá xa vời mà đang dần hình thành.
Điều quan trọng là chính quyền ở các đô thị cần thực sự quan tâm đến vấn đề này và tạo ra những tiền đề cần thiết, tiến hành thí điểm hoặc “thực hiện thông minh từng bước” (ở những ngành, lĩnh vực có điều kiện thuận lợi) để có thể tiến tới xây dựng thành phố thông minh thực sự và đồng bộ. Có ước mơ và có mạnh dạn thực hiện thì thành phố thông minh sẽ trở thành hiện thực, chứ không phải chỉ là mơ ước. 

Tin cùng chuyên mục