Mở rộng mô hình trường học tiên tiến

Nhằm tiếp cận mục tiêu hội nhập giáo dục khu vực và quốc tế, ngành GD-ĐT TPHCM không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy và mở rộng mô hình giáo dục tiên tiến hội nhập ở các bậc học.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) cùng trao đổi trong giờ học nhóm
Học sinh Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) cùng trao đổi trong giờ học nhóm
Thêm 9 trường áp dụng mô hình Theo Sở GD-ĐT TPHCM, trong năm học 2017-2018, thành phố sẽ có thêm 9 trường học triển khai thực hiện mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế, nâng tổng số trường áp dụng mô hình này lên 35 trường, từ bậc mầm non đến THPT. Theo đó, ở bậc mầm non có trường Hoa Đào (quận 12) và Anh Đào (quận Gò Vấp); bậc tiểu học có 4 trường là Bàu Sen (quận 5), Lê Đức Thọ (Gò Vấp), Tân Sơn Nhì (Tân Phú) và Võ Thị Sáu (quận 12). Còn ở bậc THCS có 3 trường gồm Phan Văn Trị (Gò Vấp), Nguyễn Chí Thanh (quận 12) và Lý Thánh Tông (quận 8). Từ mô hình hiệu quả đầu tiên của Trường THPT Lê Quý Đôn, TPHCM đã mở rộng thêm 2 trường THPT là Nguyễn Hiền (quận 11) và Nguyễn Du (quận 10). Trong năm học qua, UBND TP cũng đã mở rộng mô hình này đến 23 trường, từ cấp mầm non đến THCS.  Để chuẩn bị kế hoạch tuyển sinh đầu cấp ở các trường thực hiện mô hình này, các quận huyện đã có kế hoạch đầu tư, tạo điều kiện để nhà trường tuyển sinh rộng rãi, không phân tuyến và phụ huynh tự nguyện lựa chọn. Mức học phí thực hiện theo Quyết định 3968 của UBND TP ban hành năm 2015. Theo đó, ngoài học phí chính quy 120.000 đồng/học sinh/tháng, nhà trường còn được thu thêm các khoản theo thỏa thuận với phụ huynh để đảm bảo yêu cầu hoạt động thực hiện của mô hình tiên tiến nhưng tổng mức thu thỏa thuận không quá 1,5 triệu đồng/học sinh/tháng. Về chương trình học, tham gia mô hình trường tiên tiến hội nhập này, các trường vẫn bám sát chương trình của Bộ GD-ĐT nhưng tăng tiết học phát triển năng khiếu, kỹ năng sống cho học sinh. Cụ thể, ở bậc mầm non, mỗi tuần các bé có thêm 2 buổi học với 10 kỹ năng vận động, 2 buổi học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ, kèm các buổi dã ngoại trong năm để rèn luyện kỹ năng sống. Còn ở bậc tiểu học, ngoài chương trình chính khóa buổi sáng, các em được học và rèn nhiều về năng khiếu, kỹ năng sống, tham gia các hoạt động giáo dục trong và ngoài trường... vào buổi chiều hoặc ngoài giờ. Theo Sở GD-ĐT TP, các trường muốn thực hiện mô hình này phải đáp ứng tiêu chí trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế của UBND TP. Ở từng bậc học, các trường phải đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất, có điều kiện đảm bảo để học sinh phát triển toàn diện, nhất là các kỹ năng mềm, năng lực ngoại ngữ đạt chuẩn quốc tế…Thiếu trường lớp chuẩn Chủ trương của TPHCM về mở rộng mô hình trường tiên tiến hội nhập được đánh giá là cơ sở thúc đẩy xã hội hóa giáo dục mạnh hơn, huy động thêm nguồn lực để đầu tư cho giáo dục TP phát triển đúng hướng. Hơn nữa, từ bước đệm xã hội hóa giáo dục từng phần, các trường có điều kiện sẽ chuyển qua mô hình tự chủ tài chính hoàn toàn. Như thế, sẽ góp phần giảm gánh nặng ngân sách dành cho giáo dục, giúp nhà trường chủ động chi tiêu về tài chính, trả lương xứng đáng cho giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học… Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), cho biết: “Từ khi áp dụng mô hình này, trường có điều kiện cải thiện lương giáo viên, tăng cường dạy ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm và mở rộng các hoạt động trải nghiệm thực hành, sáng tạo cho học sinh. Thêm vào đó, cảnh quan, môi trường học đường… cũng được cải thiện tốt hơn”.  Tuy nhiên, mục tiêu để mở rộng hơn mô hình trường học tiên tiến hội nhập ở TPHCM còn gặp nhiều rào cản. Nhiều quận huyện đang phải loay hoay với khó khăn về trường lớp, cơ sở vật chất vì chưa đảm bảo theo yêu cầu. Ông Dương Trí Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD-ĐT TPHCM) nêu cái khó lâu nay: “Với áp lực tăng sĩ số lớp học ở các quận huyện có đông người dân nhập cư, việc bố trí đủ chỗ học đã khó nên việc chọn trường đáp ứng tiêu chí 30 học sinh/lớp là rất khó. Hơn nữa, điều kiện đầu tư sân chơi, bãi tập, phòng tập đa năng để rèn luyện thể lực, thư viện… cũng eo hẹp, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển toàn diện cho học sinh”. Nghịch lý này đang là rào cản đối với việc mở rộng mô hình trường tiên tiến hội nhập, cũng như áp dụng các chương trình giảng dạy với yêu cầu sĩ số không quá 30-35 em/lớp. 
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn khẳng định, dù khó khăn nhưng TPHCM cũng phải tháo gỡ dần để tạo môi trường học tập tốt hơn, tiếp cận chuẩn tiên tiến hiện đại cho học sinh thành phố. TPHCM cũng đang từng bước áp dụng các chuẩn đánh giá đầu ra cho học sinh các cấp theo chuẩn quốc tế, để các em có nhiều lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục