Mở rộng các ứng dụng trên nền tảng HCMGIS

Với lượng cơ sở dữ liệu Hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System - gọi tắt là GIS) khổng lồ được thu thập trong nhiều năm và được sử dụng cho nhiều ứng dụng của sở/ngành, quận/huyện, nền tảng HCMGIS được kỳ vọng sẽ góp phần không nhỏ trong kho dữ liệu dùng chung của TPHCM. 

Hơn nữa, các doanh nghiệp phát triển ứng dụng trên nền tảng HCMGIS cũng sẽ đảm bảo khả năng tích hợp dễ dàng hơn. 

Mở rộng các ứng dụng trên nền tảng HCMGIS ảnh 1 Trung tâm HCMGIS triển khai Hệ thống quản lý bệnh truyền nhiễm

Phục vụ kinh tế - xã hội 

GIS có thể được hiểu như một hệ thống gồm các thành phần: con người, phần cứng, phần mềm, cơ sở dữ liệu và quy trình - kiến thức chuyên gia, nơi tập hợp các quy định, quy phạm, tiêu chuẩn, định hướng, chủ trương ứng dụng của nhà quản lý, các kiến thức chuyên ngành và các kiến thức về công nghệ thông tin. 

GIS ngày nay là công cụ trợ giúp quyết định trong nhiều hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng của nhiều quốc gia trên thế giới. GIS có khả năng trợ giúp các cơ quan chính phủ, nhà quản lý, doanh nghiệp, cá nhân... đánh giá được hiện trạng của các quá trình, thực thể tự nhiên, kinh tế - xã hội, thông qua chức năng thu thập, quản lý, truy vấn, phân tích và tích hợp các thông tin được gắn với một nền hình học (bản đồ) nhất quán trên cơ sở tọa độ của dữ liệu đầu vào.

Ông Phạm Quốc Phương, Giám đốc HCMGIS (thuộc Sở KH-CN TPHCM), phân tích: Trên nền tảng HCMGIS, đã có các ứng dụng như Hệ thống quản lý bệnh truyền nhiễm, đã kết nối thông tin đến 79 bệnh viện, triển khai cho toàn bộ 322 phường/xã và giám sát 17.394 tổ dân phố, khu phố; ứng dụng GIS quản lý nhân hộ khẩu, đã được triển khai ở các quận 9, Thủ Đức và huyện Nhà Bè, qua đó quản lý thông tin hộ khẩu, nhân khẩu trên địa bàn, giúp nâng cao hiệu quả trong quản lý trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng; ứng dụng hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về du lịch tại các quận 6, 10, Phú Nhuận, Bình Tân…, giúp du khách chọn lọc thông tin phù hợp với nhu cầu tham quan, tạo môi trường kết nối và góp phần quảng bá du lịch địa phương.

Sở KH-CN TPHCM đã xây dựng mô hình tổng thể ứng dụng GIS với sự tham gia của nhiều đơn vị sở/ngành, quận/huyện. Với riêng Trung tâm HCMGIS, hiện đã phát triển 6 nền tảng GIS làm cơ sở phát triển các ứng dụng, dịch vụ hướng tới phát triển thành phố thông minh. Các nền tảng như Hệ thống quản lý bệnh truyền nhiễm; Hệ thống quản lý vùng sản xuất rau trên địa bàn TPHCM; Hệ thống quản lý lâm sản và động vật hoang dã; Hệ thống GIS quản lý cơ sở dữ liệu môi trường ngành công thương; Ứng dụng GIS phục vụ công tác giám sát chất lượng nước và giám sát môi trường cho Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM; Ứng dụng GIS quản lý hệ thống phân phối trên địa bàn TPHCM.

Mở rộng HCMGIS với doanh nghiệp, startup

TPHCM cũng đã xây dựng Cổng thông tin địa lý HCMGIS Portal cung cấp nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu không gian địa lý, tài liệu và bản đồ trong HCMGIS. Nhà cung cấp dữ liệu có thể tải dữ liệu lên hệ thống, nhập thông tin metadata và biên tập hiển thị dữ liệu. Song song đó, người dùng có thể linh hoạt khai thác dữ liệu, xem dữ liệu, chồng lớp dữ liệu để biên tập và chia sẻ các bản đồ, tải dữ liệu từ hệ thống với nhiều định dạng khác nhau.

Hiện tại, HCMGIS Portal đang có 64 lớp dữ liệu về dân số, vị trí cơ sở y tế, trường học, nhà hàng, đường xá, tuyến xe bus… do các đơn vị, quận/huyện cung cấp. Người dùng có thể chọn xem một trong những lớp dữ liệu này hoặc kết hợp nhiều lớp dữ liệu, tiêu chí lọc khác nhau theo nhu cầu cụ thể. Kết quả truy xuất sẽ được thể hiện trực quan và chính xác trên bản đồ, thuận tiện cho người sử dụng theo dõi.

Ông Võ Phi Vũ, nhà sáng lập dự án SharingFarming.Net, nhận xét: “Sau khi trải nghiệm HCMGIS StoryMaps cho thấy các chức năng của hệ thống rất hữu ích và cần thiết cho các startup về du lịch, giao thông, vận tải. Nhưng đây công nghệ mới và cần giới thiệu rộng rãi hơn đến với cộng đồng”.  

Mới đây, Sở KH-CN TPHCM đã phát động cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp, sản phẩm GIS TPHCM năm 2018”. Cuộc thi này hướng đến các ứng dụng nền tảng HCMGIS để giải quyết bài toán thực tiễn trong các lĩnh vực hạ tầng đô thị, xã hội; xây dựng thành phố thành đô thị thông minh; giải quyết các bài toán trong những chương trình đột phá của thành phố. Những sản phẩm đoạt giải sẽ được đưa vào hỗ trợ phát triển qua chương trình hỗ trợ khởi nghiệp SpeedUp của sở, hoặc ươm tạo hoàn thiện ý tưởng bằng chương trình nghiên cứu khoa học, với mức đầu tư lên đến tối đa 2 tỷ đồng.

Mở rộng với HCMGIS không chỉ vậy, theo ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, cho biết: Sở mong muốn thành lập cộng đồng GIS nhằm thường xuyên trao đổi thông tin, đẩy mạnh việc ứng dụng GIS bằng các giải pháp mới. Trong đó, sở sẽ hỗ trợ cả chuyên gia tư vấn và tài chính để các đơn vị có điều kiện triển khai ứng dụng GIS; hỗ trợ xây dựng mô hình triển khai thông qua loại hình đề tài nghiên cứu ứng dụng hoặc nghiên cứu khoa học… Như vậy, GIS được ứng dụng nhiều hơn trong đời sống và quan trọng hơn, nó là nền tảng cho nhiều ứng dụng sau này.

Tin cùng chuyên mục