Mô hình quản lý địa bàn ​

Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, bài học kinh nghiệm quan trọng của Công ty CP Cấp nước Gia Định trong thực hiện chỉ tiêu kéo giảm tỷ lệ nước thất thoát là tổ chức lại hệ thống mạng cấp nước khoa học, hiệu quả. 
Các quận Phú Nhuận, Bình Thạnh và các phường 12, 13, 14 (quận 3); phường 1 (quận Gò Vấp), TPHCM, từng được biết đến như một “điểm đen” về thất thoát nước. Trước thời điểm năm 2013, tỷ lệ thất thoát trung bình hàng năm của các nơi này là 50%, có thời điểm đến 53%. Sản lượng nước trung bình qua đồng hồ tổng hàng tháng đo đếm được khoảng 6 triệu m3/tháng, tương ứng lượng nước thất thoát 3 triệu m3/tháng. Tính chi phí sản xuất trung bình 3.000 đồng/m3 nước thì số tiền thất thoát 9 tỷ đồng/tháng (gần 100 tỷ đồng/năm). Một con số khổng lồ!
Hệ quả, khi tỷ lệ nước thất thoát cao không chỉ gây lãng phí nguồn tài nguyên nước sạch mà còn làm tăng chi phí sản xuất, giảm chất lượng dịch vụ khách hàng, tạo ra dư luận không tốt làm ảnh hưởng hình ảnh ngành cấp nước. Đặc biệt là tạo bất bình đẳng giữa người sử dụng nước chấp hành tốt các quy định sử dụng nước và khách hàng gian lận nước.
Có thâm niên hơn 20 năm trong ngành, ông Lê Trọng Thuần, Phó Giám đốc Công ty CP Cấp nước Gia Định, cho rằng nguyên nhân chính khiến tỷ lệ thất thoát nước của đơn vị cao do công ty quản lý địa bàn cấp nước phức tạp với chiều dài mạng lưới đường ống 610km, mật độ dân cư đông; trong khi đó, hệ thống đường ống cấp nước đã đầu tư lâu đời, đa số ống bằng gang và nhựa chất lượng thấp. Ông Thuần cho biết, ống cũ, mục chiếm đến 60% tổng chiều dài mạng lưới cấp nước. Chưa kể tình trạng gian lận nước tinh vi trong khách hàng...
Do vậy, yêu cầu cấp bách đặt ra đối với Công ty CP Cấp nước Gia Định là phải giảm nhanh, giảm sâu tỷ lệ nước thất thoát. Hàng loạt giải pháp đã được Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn và đơn vị triển khai, bắt đầu từ công tác quy hoạch, tái cấu trúc lại mạng lượng cấp nước đến cải thiện nâng cao chất lượng các công trình; công tác đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng mô hình nhân viên quản lý địa bàn tiên tiến của thế giới (mô hình caretaker). Cụ thể, bắt đầu năm 2012, đề án quy hoạch phân vùng tách mạng của công ty triển khai được đánh giá đạt chất lượng tốt phù hợp với hiện trạng, yêu cầu quản lý của đơn vị. Đến thời điểm này, công ty đã đưa vào vận hành 71DMA (loại đồng hồ tổng được lắp đặt để đo đếm lượng nước trong từng khu vực, làm cơ sở để biết được lượng nước thất thoát).
Nhằm nâng cao chất lượng công trình, bên cạnh nâng cao năng lực thiết kế, đơn vị cũng lựa chọn các loại phụ tùng, vật liệu đường ống nước phù hợp với địa hình của địa phương thường xuyên bị ngập lụt do mưa; đặc biệt do thủy triều. Cùng với đó, đơn vị chú trọng quan tâm nâng cao chất lượng giám sát và thi công các công trình, đảm bảo bít thủy hết các công trình cải tạo ống mục. Với áp lực giảm nhanh, giảm sâu tỷ lệ thất thoát nước, công tác đầu tư cải tạo ống mục đầu tư đỉnh điểm có năm lên đến 150 - 200 tỷ đồng. Với nhiều biện pháp triển khai quyết liệt đã kéo giảm tỷ lệ nước thất thoát của đơn vị này từ 53% xuống còn 23,43% vào tháng 6-2017. 
Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, bài học kinh nghiệm quan trọng của Công ty CP Cấp nước Gia Định trong thực hiện chỉ tiêu kéo giảm tỷ lệ nước thất thoát là tổ chức lại hệ thống mạng cấp nước khoa học, hiệu quả. Trong đó, công ty đã phối hợp với Hà Lan triển khai mô hình quản lý caretaker - mô hình nhân viên quản lý địa bàn. Theo mô hình này, đơn vị đã chia các nhóm công nhân quản lý theo từng vùng cấp nước. Những nhóm công nhân này được đào tạo nghiệp vụ bài bản, được giao chỉ tiêu cụ thể trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, trong công tác tổ chức có sự phối hợp chặt chẽ giữa công nhân kỹ thuật và nhân viên kinh doanh để khi kiểm tra hiện trường, phát hiện vấn đề gì phát sinh có thể xử lý được ngay. Những công nhân, nhân viên này được trả công tương xứng với thành quả lao động của mình. Đồng thời, những người không đáp ứng yêu cầu của công việc sẽ bị luân chuyển hoặc loại ra khỏi bộ máy.

Tin cùng chuyên mục