Miền Trung gồng mình chống hạn

Chưa năm nào thời tiết ở miền Trung lại bất thường, gay gắt như năm nay. Đó là nhận định của lãnh đạo Sở NN-PTNT các tỉnh, thành miền Trung. Hạn hán kéo dài làm cho ruộng đồng khô cháy, sông suối cạn kiệt, nhiễm mặn đã và đang đẩy người dân vào khốn khó.
Miền Trung gồng mình chống hạn

Chưa năm nào thời tiết ở miền Trung lại bất thường, gay gắt như năm nay. Đó là nhận định của lãnh đạo Sở NN-PTNT các tỉnh, thành miền Trung. Hạn hán kéo dài làm cho ruộng đồng khô cháy, sông suối cạn kiệt, nhiễm mặn đã và đang đẩy người dân vào khốn khó.

        Hạn chưa từng thấy

Miền Trung đã trải qua nhiều tháng liền không có mưa lớn, hy hữu lắm mới có 1 cơn mưa nhỏ. Hạn hán trở nên khốc liệt chưa từng thấy trong hàng chục năm qua khi các con sông, suối lớn đều cạn kiệt nguồn nước, vùng hạ lưu nước mặn xâm nhập, ruộng đồng khô khốc.

Đà Nẵng sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn trong sản xuất do hạn hán nặng. Tính đến hạ tuần tháng 5-2013, hai hồ chứa vừa và lớn trên địa bàn TP là Hòa Trung và Đồng Nghệ chỉ mới trữ được 30%-50% dung tích nước; 17 hồ chứa nhỏ do các địa phương quản lý, trong đó 6 hồ có dung tích dưới 10%, 11 hồ không còn nước. Với nguồn nước dự trữ nói trên, khả năng bảo đảm nước tưới trong vụ hè thu ở Đà Nẵng chỉ có 2.278ha/3.000ha theo kế hoạch. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc gần 800ha đất nông nghiệp phải bỏ hoang, hàng trăm hộ nông dân rơi vào tình cảnh khó khăn.

Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, dự báo toàn tỉnh sẽ có trên 26.000 ha bị hạn, trong đó có trên 17.000ha lúa và 9.200ha cây trồng khác. Trên 43.000 người thiếu nước sinh hoạt và trên 38.800 con vật nuôi thiếu nước uống.

Sông Vực Chèo ở Xuân Trạch, Phúc Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) cạn khô. Ảnh: MINH PHONG

Sông Vực Chèo ở Xuân Trạch, Phúc Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) cạn khô. Ảnh: MINH PHONG

Ở Thừa Thiên - Huế, mực nước tại 14 hồ chứa lớn đều chỉ đạt dưới 40%. Mực nước trên các sông Bồ, sông Hương, sông Truồi, sông Đại Giang, sông Như Ý thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,2m - 0,3m. Thời tiết diễn biến bất thường, nắng hạn gay gắt từ cuối năm 2012 đến nay đã gây nên nguy cơ thiếu nước sản xuất nông nghiệp trên diện rộng. Thêm vào đó, việc chặn dòng các công trình hồ Tả Trạch khiến vùng đồng bằng nam sông Hương thiếu nước. Các công trình thủy điện tích nước làm thay đổi dòng chảy ở hạ lưu khiến sự bồi lắng trên các sông ngày càng tăng, gây nên tình trạng cạn nước…

Trao đổi với PV Báo SGGP vào sáng 23-5, ông Ngô Đức Hợi, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Tĩnh cho biết, vụ hè thu năm 2013, một số xã ở vùng phía Bắc của huyện Thạch Hà (khoảng 200ha) và huyện Nghi Xuân (có khoảng 1.000ha) do phụ thuộc vào nguồn nước trời và hiện tại chưa có công trình thủy lợi nên khả năng số diện tích đất nông nghiệp này bị bỏ hoang là rất lớn. Bên cạnh đó, tình trạng mặn xâm nhập sâu tại vùng Can Lộc, Đức Thọ, Nghi Xuân, Thạch Hà sẽ khiến khả năng lấy nước phục vụ sản xuất cho nhiều cánh đồng mẫu bị ảnh hưởng. Theo nhận định, lượng mưa trong tháng 6, 7, 8 thấp, nước bổ sung giảm sẽ khiến nguy cơ một số vùng cao ở huyện miền núi Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê có khả năng bị thiếu nước vào cuối vụ với diện tích khoảng 1.500ha - 2.000ha.

Trong khi đó, hàng chục ngàn hộ dân của huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) chịu cảnh sống chung với nước mặn. Hiện một số vùng không làm vụ hè thu do thiếu nước, mặn xâm nhập mạnh. Bà Nguyễn Thị Tờ, ở cồn bãi xã Quảng Hải cho biết, cứ đến mùa hè là dân lo tích nước uống trong chum, hết thì đi mua 1 khối nước mất cả trăm ngàn đồng nhưng cũng hiếm, nước sản xuất giữa vùng mặn thì càng hiếm hơn nên nhiều nơi bỏ hoang ruộng đồng.

        Khẩn cấp chống hạn

Với tình hình hạn hán khốc liệt như hiện nay, các tỉnh, thành miền Trung đang khẩn trương ưu tiên hàng đầu thực hiện biện pháp tiết kiệm nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch giảm diện tích sản xuất lúa, chuyển sang các cây trồng cạn như ngô lai, đậu xanh, đậu phộng, dưa, rau ăn quả… hoặc các giống lúa ngắn ngày. Vụ đông xuân vừa qua, nhiều địa phương chuyển từ làm lúa sang làm đậu phộng đã mang lại kết quả khả quan. Ông Ngô văn Tấn (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) cho biết, khi chuyển đổi từ làm lúa sang làm đậu phộng có lãi hơn 2 triệu đồng/sào khiến bà con rất phấn khởi.

Vụ hè thu năm nay, tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo tập trung ưu tiên sử dụng nguồn nước của các trạm bơm, lựa chọn đắp các kênh rạch nhỏ để giữ nước, hòa mạng công trình thủy lợi chuyển nước tưới từ công trình hồ Kẻ Gỗ sang sông Trí phục vụ tưới vùng Kỳ Anh, giữ nước cao khu vực cống Đò Điệm để phục vụ nước các trạm bơm ở huyện Lộc Hà, Can Lộc. Ngoài ra, tỉnh thành lập Ban chỉ đạo phòng chống hạn và phát động toàn dân ra quân làm thủy lợi, nạo vét, khơi thông các hệ thống kênh tưới, kênh dẫn trạm bơm, sửa chữa, nâng cấp các công trình bị hư hỏng, xuống cấp để kịp thời phục vụ sản xuất vụ hè thu…

Cùng với việc tổ chức nạo vét kênh mương phục vụ tưới cho lúa khi xảy ra tình trạng nắng hạn gay gắt, Công ty Quản lý và Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Thừa Thiên - Huế đang cho đóng tất cả các cửa trên đập Thảo Long nhằm ngăn mặn, giữ ngọt sông Hương. Đồng thời, phối hợp với ngành điện ưu tiên cung cấp điện cho việc phòng chống hạn. Ông Trần Kim Thành, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, chỉ ưu tiên việc cấp nước sinh hoạt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, vùng sản xuất lúa giống, vùng lúa trọng điểm… UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã yêu cầu Sở NN-PTNT phối hợp với ban quản lý các công trình thủy điện, thủy lợi, các ban ngành liên quan có biện pháp tích nước, xả nước hợp lý nhằm đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, Quảng Bình Nguyễn Viết Anh cho biết, để chống hạn mùa hè năm nay, huyện chỉ đạo các thôn, xã người dân tiết kiệm nước ngọt hết mức để phòng thời gian cao điểm hè không có nước sinh hoạt. Địa phương đang chỉ đạo thi công gấp rút việc sửa chữa hồ chứa nước Trốc Trâu để đảm bảo nước sinh hoạt cho 21.000 người trong các xã Vĩnh Ninh, Lương Ninh, thị trấn Quán Hàu và đảm bảo cho 500ha lúa hè thu với số vốn đầu tư hơn 72 tỷ đồng.

NHÓM PVMT

Tin cùng chuyên mục