Mệt mỏi vì họp dày đặc

Số lượng cuộc họp từ cấp cơ sở đến cấp thành phố đều rất dày đặc, cùng với tình trạng họp đi, họp lại kéo dài lê thê gây lãng phí nguồn lực, dẫn đến chậm trễ, kém hiệu quả trong việc tiếp cận và xử lý công việc hành chính. Đã đến lúc, vấn đề này cần có giải pháp khắc phục khả thi, hiệu quả. 
 Quang cảnh một cuộc họp 

Chậm giải quyết việc dân do… họp!

Chủ tịch UBND của một phường ở quận Thủ Đức cho biết, do họp quá nhiều nên lãnh đạo phường phải làm việc ngoài giờ là chuyện bình thường. Lịch họp dày đặc, có hôm đồng thời cùng lúc chủ tịch, cùng các phó chủ tịch phường phải đi họp. Các hồ sơ cấp dưới trình lên thì họp xong về giải quyết ngay để chuyển trả cho người dân, nếu không thì hôm sau chuyển để văn phòng giải quyết liền.

“Thông thường, phường phải bố trí một lãnh đạo phường trực, giải quyết công việc của người dân, nhất là việc ký giấy tờ”, vị chủ tịch phường này thông tin.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, do lịch họp quá nhiều, bắt buộc phải tham dự thì yêu cầu trên không được đáp ứng. Vì vậy, khi giải quyết hồ sơ, nhất là các hồ sơ chứng thực, sẽ hẹn lại người dân sang đầu giờ chiều hoặc cuối giờ chiều trả hồ sơ.

Chủ tịch UBND phường Phạm Ngũ Lão (quận 1) Lê Tấn Đạt cũng thông tin, thông thường ông phải dự 2 cuộc họp/ngày, có ngày đến 3 cuộc họp. Do họp nhiều, kéo dài nên phải tranh thủ ký giấy tờ, giải quyết công việc tại các buổi họp. Trường hợp tổ chức họp tại cơ quan thì công việc này cũng đơn giản, nhưng nếu họp bên ngoài thì cán bộ phải ôm hồ sơ chạy tới cuộc họp để trình ký, kịp thời giải quyết cho người dân. Do phường là địa bàn khá nóng về trật tự đô thị nên lãnh đạo phường cũng phải tập trung giải quyết công việc trong giờ hành chính để kiểm tra, xử lý tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường. Vậy còn đâu thời gian đi cơ sở? Trả lời câu hỏi này, ông Lê Tấn Đạt cho biết, do họp khá dày nên trước khi vào giờ làm việc mỗi ngày, ông phải tranh thủ đi sớm, chạy xe trên nhiều tuyến đường trên địa bàn để theo dõi, quan sát thực tế; đồng thời cũng cố gắng sắp xếp thời gian đi cơ sở hàng tuần.

Ở cấp quận, nhiều chủ tịch UBND quận - huyện cũng ngán ngẩm với số lượng các cuộc họp, phải thường xuyên làm ngoài giờ để có thể xử lý hồ sơ. Chủ tịch UBND quận Thủ Đức Đặng Nguyễn Thanh Minh cho biết, các cuộc họp gần như chiếm phần lớn thời gian làm việc nên ông thường làm việc ngoài giờ khoảng 2 - 3 tiếng.

“Thời gian giải quyết hồ sơ theo quy trình, nếu không sắp xếp làm việc khoa học, không làm thêm ngoài giờ sẽ dẫn đến chậm trễ, gây bức xúc cho người dân”, ông Minh giải thích.

Trong khi đó, ở cấp sở có số lượng khoảng vài chục cuộc họp/tuần. Đơn cử trong tuần này, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) có khoảng 50 cuộc họp, trong đó ban giám đốc sở phải chủ trì hoặc tham dự hơn 30 cuộc họp; ban giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường có 41 cuộc họp, Sở Xây dựng có 39 cuộc họp. Tương tự, theo lịch làm việc của Văn phòng UBND TPHCM thì mỗi tuần có đến 50 cuộc họp. Với số lượng cuộc họp “khủng” như vậy, một lãnh đạo UBND TP phải chủ trì họp 2 - 3 cuộc họp/ngày. Cá biệt có ngày, một lãnh đạo UBND TP phải chủ trì… 6 cuộc họp và trong trường hợp này phải tổ chức họp sau 17 giờ.

Nâng chất lượng, thay đổi cách làm việc

Trước thực tế này, UBND TPHCM đang xem xét đề án chế độ hội họp trong các cơ quan hành chính nhà nước. Qua khảo sát thực tế ở một số cơ quan, Sở Nội vụ - đơn vị tham mưu UBND TP về vấn đề trên - cũng nhận xét số lượng các cuộc họp ở cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn còn quá nhiều. Một số nội dung họp lặp đi, lặp lại, nhất là các hội nghị, tổng kết đã trở thành “nỗi ám ảnh” đối với cán bộ, công chức và cả người dân.

Lãnh đạo một đơn vị trực thuộc UBND TPHCM cũng nhận xét, cách họp hiện nay thường theo kiểu việc gì cũng mời đầy đủ các thành phần, các cấp. Điều này đồng nghĩa với việc các cuộc họp được tổ chức với chất lượng thấp, do đại biểu tham dự không đúng thành phần. Đại biểu đến dự phần lớn thời gian là ngồi nghe những bài báo cáo, phát biểu tham luận đã có sẵn trong các tài liệu rồi… đi về. Đặc biệt, trong một số cuộc họp giải quyết sự việc cụ thể, đòi hỏi phải có ý kiến của lãnh đạo sở - ngành, quận - huyện, nhưng không được chuẩn bị kỹ về nội dung hoặc người dự chỉ là chuyên viên. Thế là các cuộc họp này thay vì giải quyết vấn đề thì chỉ dừng lại ở việc thông báo và thống nhất “về làm văn bản góp ý sau”!

Chia sẻ về việc “nâng chất” các cuộc họp, Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường cũng nhấn mạnh đến yêu cầu giảm số lượng cuộc họp. Theo đó, những công việc không thuộc trách nhiệm tập thể thì không nhất thiết họp. Sở GTVT tăng cường chia sẻ, trao đổi thông tin và hạn chế các cuộc họp không cần thiết, nhất là các cuộc họp tham mưu, tư vấn, họp làm việc; tổ chức lấy ý kiến đóng góp bằng văn bản từ các sở - ngành và các đơn vị liên quan khi được UBND TPHCM giao chủ trì, phối hợp tham mưu về một vụ việc/vấn đề cụ thể. “Chỉ khi không thể giải quyết qua văn bản mới phải họp để thống nhất hướng xử lý, nội dung tham mưu, đề xuất”, ông Bùi Xuân Cường cho biết. Ngoài ra, trước khi họp phải chuẩn bị nội dung đầy đủ, rõ ràng để cuộc họp đạt được hiệu quả cao, với thời gian họp được rút ngắn. Có như thế, các lãnh đạo sở, lãnh đạo các phòng ban mới có nhiều thời gian hơn để đi thực tế, đi cơ sở và giải quyết, xử lý hồ sơ.

Bằng các giải pháp cụ thể này, số lượng cuộc họp của lãnh đạo Sở GTVT đã giảm đáng kể. Theo đó, từ đầu năm đến nay, Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường chủ trì 175 cuộc họp, giảm hơn phân nửa so với cùng kỳ năm 2017 (338 cuộc họp). Tuy nhiên, số lượng các cuộc họp từ Thành ủy, UBND TPHCM và các cơ quan khác (sở - ngành, quận - huyện…) lại tăng lên đến 2.478 cuộc (cùng kỳ là 2.124 cuộc); trong đó, thư mời họp từ các cơ quan khác tăng nhiều nhất (từ 1.594 cuộc lên 1.869 cuộc). Theo ông Bùi Xuân Cường, số lượng các cuộc họp từ nhiều cơ quan khác có thể giảm hơn bằng cách thay đổi hình thức, thay vì tổ chức họp, có thể tổ chức lấy ý kiến bằng văn bản.

Đề cập đến một giải pháp khác, ông Lê Tấn Đạt, Chủ tịch UBND phường Phạm Ngũ Lão, nhận xét UBND quận thường tổ chức nhiều cuộc họp giao ban trực tuyến. Điều này không chỉ góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn tạo sự linh động để các phường chủ động xử lý công việc. Do đó, ông Đạt kiến nghị cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin cải tiến phương thức họp như họp từ xa, họp trực tuyến và triển khai đến tận cơ sở.

Một số đơn vị có chi phí cho các cuộc họp khá cao. Có đơn vị kinh phí dành cho họp chỉ 30 triệu đồng/năm, nhưng cũng có nơi chi phí cho họp vào khoảng 300 - 400 triệu đồng/năm, thậm chí 1 tỷ đồng/năm.

Đề án chế độ hội họp đang được UBND TPHCM xem xét nhằm tìm kiếm các giải pháp giảm bớt số lượng, nâng cao chất lượng các cuộc họp trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước ở các cấp, các ngành, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả sự chỉ đạo, điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước tại thành phố. Ngoài ra, đề án cũng xây dựng quy định kiểm soát tài chính đối với việc tổ chức các cuộc họp, ngăn ngừa lạm dụng việc chi trong tổ chức họp.

Tin cùng chuyên mục